Chính quyền Biden sắp tuyên bố cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm của chính quyền Myanmar đối với cộng đồng người Rohingya theo Hồi giáo ở nước này là một “tội ác diệt chủng”, làm căn cứ cho việc gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Truyền thông dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm Chủ Nhật 20 Tháng Ba rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đưa ra quyết định được mong đợi từ lâu này vào ngày mai Thứ Hai tại một sự kiện ở Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust ở thủ đô Washington.
Việc xác định “tội ác diệt chủng” tự nó không phải là biện pháp mới chống lại chính phủ quân nhân của Myanmar, vốn đang hứng chịu nhiều lớp trừng phạt của Hoa Kỳ kể từ khi chiến dịch chống lại người dân tộc thiểu số Rohingya bắt đầu ở bang Rakhine phía Tây của đất nước vào năm 2017. Nhưng nó có thể dẫn đến áp lực quốc tế lên nhà cầm quyền Myanmar, vốn đang phải đối mặt với cáo buộc tội ác diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague.
Hơn 700,000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi Myanmar đa số theo đạo Phật đến các trại tị nạn ở Bangladesh kể từ Tháng Tám 2017, khi quân đội Myanmar thực hiện chiến dịch thanh lọc sắc tộc để đáp trả các cuộc tấn công của một nhóm phiến quân. Lực lượng an ninh Myanmar bị cáo buộc đã thực hiện các vụ cưỡng hiếp, giết người hàng loạt và đốt hàng nghìn ngôi nhà.
Ngay từ lúc đó, các nhóm nhân quyền và các nhà lập pháp đã thúc ép chính phủ Hoa Kỳ đưa ra chỉ định “tội ác diệt chủng” đối với nhà cầm quyền quân sự ở Myanmar nhưng đến nay chính quyền Biden mới thực hiện việc chỉ định đó.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ – Oregon) nhận xét: “Mặc dù quyết định này khá muộn màng nhưng nó vẫn là một bước đi mạnh mẽ và hết sức quan trọng trong việc xử lý chế độ tàn bạo này. Những quyết định như vậy phải luôn được thực hiện một cách khách quan, nhất quán và vượt qua các cân nhắc về địa chính trị”.
Tổ chức nhân đạo Refugees International cũng ca ngợi quyết định này. Nhóm cho biết trong một thông cáo: “Tuyên bố diệt chủng của Hoa Kỳ đối với Myanmar là một bước đi đáng hoan nghênh và có ý nghĩa sâu sắc. Đó cũng là một dấu hiệu vững chắc của cam kết đòi công lý cho tất cả những người phải đối mặt với sự lạm dụng của quân đội Myanmar cho đến tận ngày nay.”
TNS Merkley kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực lên Myanmar bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung bao gồm cả lĩnh vực dầu khí của nước này. Ông nói: “Nước Mỹ phải dẫn đầu thế giới để làm rõ rằng những hành động tàn bạo như thế này sẽ không bao giờ được phép che giấu mà không bị phát hiện, bất kể chúng xảy ra ở đâu”.
Đọc thêm: