Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á về Biển Đông

Khu trục hạm USS Benford (DDG 65) – chiến hạm mạnh nhất của Hạm đội Bảy – tuần tiễu quanh khu vực Hoàng Sa ở Biển Đông. Ảnh US Indo-Pacific Command.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ đến thăm ba nước Đông Nam Á (Singapore, Philippines và Việt Nam) vào cuối tuần này. Chuyến công du đầu tiên tới khu vực này của Bộ trưởng Austin, cùng với hội nghị cấp cao mới đây của các bộ trưởng ngoại giao Mỹ và ASEAN do Ngoại trưởng Antony Blinken chủ trì, cho thấy Washington đã bắt đầu đẩy mạnh kết nối với ASEAN trong chiến lược bao vây và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Như tin đã đưa, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ rời thủ đô Washington trong ngày Thứ Sáu để đến Singapore. Tại Singapore, ông bộ trưởng sẽ có bài phát biểu chính (key-note) trước các học giả, quan chức ngoại giao và an ninh khu vực tham dự Diễn đàn Fullerton (Fullerton Forum) do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. 

Sau đó ông Austin sẽ đến Philippines, một đồng minh có hiệp định an ninh và phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ, cũng là nước đang có xung đột gay gắt về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc.

Sau Philippines, ông Austin sẽ đến Việt Nam – một quốc gia cũng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy chưa phải là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển tốt khi Hà Nội ngày càng đề phòng tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Hoa Kỳ đã bãi bỏ các hạn chế cuối cùng đối với việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama, và từ đó đến nay Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra và đã ký một thỏa thuận cung cấp máy bay không người lái. 

Về chuyến đi này, ông John Kirby, Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, cho biết: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin chứng tỏ tầm quan trọng mà chính quyền Biden-Harris đặt cho khu vực Đông Nam Á và ASEAN, coi đó là phần thiết yếu trong cơ cấu Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chuyến đi này nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực và lợi ích của chúng ta trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực, đồng thời thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.” 

Tuy không nói thẳng ra nhưng rõ ràng chuyến công du của ông Austin đặt trọng tâm vào vấn đề Biển Đông. Sau khi quyết định rút ra khỏi Afghanistan và Iraq, Hoa Kỳ có ý đồ tái bố trí lực lượng để đối phó với mối đe dọa về quân sự của Nga và Trung Quốc, và Biển Đông trở thành một địa bàn chiến lược. Tuy vậy, Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục thiết lập những căn cứ quân sự lớn như ở Nam Hàn và Nhật Bản, vốn dễ bị tấn công bởi các loại hỏa tiễn chính xác của Trung Quốc, mà sẽ dàn trải lực lượng và cơ động trong các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là trong quần đảo Philippines, trung tâm của “chuỗi đảo thứ nhất” trải dài từ Nhật Bản tới Indonesia như một phòng tuyến tự nhiên án ngữ con đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.

***

Trước đó, trong Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN-US hôm 12 Tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết sau hội nghị: “Bộ trưởng đã nhấn mạnh sự bác bỏ của Hoa Kỳ đối với các tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ở Biển Đông và nhắc lại rằng Hoa Kỳ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền của Đông Nam Á đối mặt với sự cưỡng bức của Trung Quốc. Ông cam kết Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ một khu vực sông Mekong tự do và rộng mở theo Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ”.

Tuyên bố cứng rắn của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền bao trùm cả khu vực Biển Đông của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn ở phương Nam càng ngày càng căng thẳng. Trong mấy tháng qua, Bắc Kinh đã tập trung nhiều tàu thuyền của dân quân tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, buộc Manila phải gửi tới 128 công hàm ngoại giao để phản đối. Theo báo Asia Times, từ giữa Tháng Năm đến giữa Tháng Sáu vừa qua, có tới 238 tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Philippines. Mới đây Malaysia phải điều động chiến đấu cơ lên ngăn cản và xua đuổi phi cơ của quân đội Trung Quốc xâm nhập không phận của họ. Và Việt Nam thì thường xuyên phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc ngay trong thềm lục địa của nước mình.

Về vaccine COVID-19 – một vấn đề cấp bách hiện nay và Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong khu vực, Ngoại trưởng Blinken thông báo đang chuyển tới khu vực này một lượng lớn vaccine do Hoa Kỳ bào chế, Việt Nam sẽ được nhận hai triệu liều, Philippines ba triệu và Indonesia bốn triệu liều vaccine. Hôm Thứ Năm 22 Tháng Bảy, Tòa Bạch ốc cho biết sẽ gửi cho Việt Nam thêm ba triệu liều vaccine COVID-19 với mục đích duy nhất là cứu sống người dân trong dịch bệnh, chứ không kèm theo bất kỳ điều kiện gì, đồng thời cho biết lô vaccine này sẽ đến Việt Nam vào cuối tuần.

Trong những vấn đề khu vực, như giải pháp cho tình hình bất ổn tại Myanmar chẳng hạn, ông Blinken đề nghị có sự hợp tác đa phương, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm điều phối các nỗ lực quốc tế. Quan điểm này phù hợp với chiến lược của ASEAN, muốn làm một trụ cột duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.  

Các nước Đông Nam Á – nhất là các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông – hoan nghênh việc hướng sang Đông Nam Á của chính quyền Biden. Tuy quan hệ Mỹ-ASEAN có phần nguội lạnh trong thời gian bốn năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump và có một số trục trặc nhỏ trong những tháng đầu tiên của chính quyền Biden, nhưng tình hình đang có vẻ được cải thiện.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á kỳ vọng sẽ có cuộc đàm luận với Tổng thống Joe Biden về những vấn đề cấp bách và lâu dài của khu vực khi ông Biden đến tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các nước đối tác vào cuối năm nay tại Brunei. Từ đây đến lúc đó sẽ có thêm nhiều cuộc thăm viếng lẫn nhau của các quan chức cấp cao hai bên và một số hội nghị song phương Mỹ-ASEAN sẽ được tổ chức.

***

Mặc dù Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ ở khu vực để bành trướng ảnh hưởng và biểu dương sức mạnh của họ nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển phi pháp của họ nhưng tại Đông Nam Á Hoa Kỳ có những mối quan hệ đồng minh lâu đời và không dễ dàng bị phá hoại. Cuộc khảo sát ý kiến thường niên về Đông Nam Á do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore thực hiện năm 2021 cho thấy 61.5% các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo tư tưởng ở của khu vực này vẫn muốn có quan hệ mật thiết hơn với chính quyền Joe Biden hơn là với đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình.

Đó là mặt thuận lợi, nhưng mặt khó khăn nằm ở chỗ nền chính trị Hoa Kỳ bị phân cực sâu sắc và chính sách thường không nhất quán, một nhà lãnh đạo mới lên thường đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, kể cả chính sách đối với khu vực Đông Nam Á. Số phận không suôn sẻ của chiến lược “xoay trục” và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thời Tổng thống Barack Obama là một ví dụ. Những sự kiện lịch sử đó để lại cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á một nỗi hoài nghi và cay đắng về ý định chiến lược của Hoa Kỳ. Người Mỹ đến rồi đi, trong khi các nước Đông Nam Á thì vĩnh viễn là “láng giềng gần” của một nước Trung Quốc giàu mạnh nhưng tham lam, thích bắt nạt và biến các nước nhỏ thành chư hầu của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Lần này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hy vọng sẽ có sự thay đổi. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein hoan nghênh chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và cách tiếp cận đa phương của chính quyền Biden. “Chúng tôi hiểu rằng, chủ nghĩa đa phương không phải là trọng tâm chú ý của chính phủ trước của Hoa Kỳ, nhưng việc chính quyền Biden đề cao sự hợp tác đa phương là bước phát triển đáng hoan nghênh. Đây là con đường duy nhất để bảo đảm sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho khu vực chúng ta,” nhà ngoại giao hàng đầu của Malaysia  nói.

Và đó cũng là niềm hy vọng chung của các nước trong khu vực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: