“Học sinh cá biệt” Boris Johnson

“Tống cổ ông ấy, ngay bây giờ” – một poster bày tỏ bất mãn Boris Johnson, người vừa từ chức thủ tướng Anh vào thứ năm 7 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Stephen Chung/Xinhua via Getty Images)

Sau một đời sống khá… vênh váo và bị hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác nhưng nhờ vào kỹ năng chính trị và biết pha trộn quyến rũ cùng sự lém lỉnh, tàn nhẫn, kiêu ngạo… Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thoát hiểm tất cả, nhưng cuối cùng, con người khôn ngoan này cũng phải chấp nhận “một kết thúc không có hậu”. Luật pháp và đạo đức cuối cùng cũng thắng ông ta.

Báo chí Anh tường thuật việc Boris Johnson từ chức (ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Trên thực tế, Boris không cần đánh lừa bất cứ ai về con người thật của mình mà còn công khai cho mọi người thấy. Trong những năm qua, ông được truyền thông mô tả là kẻ ngỗ ngược, vô trách nhiệm, liều lĩnh và thiếu bất kỳ triết lý rõ ràng nào ngoài việc tìm mọi cách để có và nắm giữ quyền lực. “Mọi người biết Boris đã nói dối trong 30 năm – nhà văn và học giả Rory Stewart, một cựu thành viên đảng Bảo thủ của Hạ viện Anh, phát biểu – Có lẽ ông ta là người nói dối giỏi nhất mà chúng tôi từng có trong cương vị thủ tướng. Ông ta có thể nói dối cả trăm cách khác nhau!” – cây bút Sarah Lyall thuật lại trên The New York Times.

Johnson hiếm khi giảm nhẹ những lời nói dối, thậm chí còn tự huyễn hoặc bản thân như thể chúng là sự thật. Có lúc ông còn nhắc lại những lời nói dối trước cho phù hợp và nhất quán với những thông tin mới được đưa ra ánh sáng. Bất kể nói dối, ngó lơ, gây nhiễu, tung hoả mù, phủ nhận hay đánh lừa, tấn công, xin lỗi…, Johnson vẫn luôn ngụ ý ông ta không làm gì sai! Một người chỉ trích ông nhận xét: “Kế hoạch chi tiết đối phó với một cuộc khủng hoảng của Boris hầu như không có đoạn bắt đầu và hiếm khi có đoạn kết thúc, mà chỉ đơn giản là ‘kể ra sự thật’, sự thật của chính ông ta! Cách tiếp cận đó rất hiệu quả và giúp được Boris trong nhiều năm”.

Sống sót một cách ngoạn mục

Nhờ phương cách ranh ma này, Johnson đã vượt qua hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác, phần lớn tập trung vào hành vi cá nhân của ông ta. Cụ thể, Johnson từng bị cố vấn đạo đức của chính phủ khiển trách sau khi một nhà tài trợ giàu có của đảng Bảo thủ bỏ ra hàng chục ngàn bảng Anh để giúp Johnson tân trang lại căn hộ của mình (Johnson đã hoàn trả số tiền này), rồi đến những tin nhắn riêng tư Johnson trao đổi với một doanh nhân giàu có người Anh về kế hoạch sản xuất máy thở trong những ngày đầu của đại dịch coronavirus, dẫn đến những câu hỏi về sự mờ ám của hợp đồng.

Boris Johnson thời làm phóng viên The Telegraph và biên tập viên The New Statesman (ảnh: Neville Elder/Corbis via Getty Images)

Sau đó là loạt party “không ai hiểu nổi” bị tiết lộ một cách đáng xấu hổ, trong đó các phụ tá của Johnson (và đôi khi cả Johnson) đến dự các bữa tiệc rượu chè bí mật trong những ngày tồi tệ nhất của đợt lockdown COVID-19, vi phạm rõ ràng bản quy tắc phòng dịch mà Vương quốc Anh đặt ra cho người dân. Cuối cùng, những lời giải thích lấp liếm của Johnson về những gì ông ta biết và biết khi nào về việc Chris Pincher, một nhà lập pháp Đảng Bảo thủ quan hệ tình dục bất chính, đã quay đầu chống lại ông.

Anthony Sargeant, 44 tuổi, một nhà phát triển phần mềm sống ở phía Bắc thành phố Wakefield, nhận định: “Gần đây Boris mới bị ‘đánh hội đồng’ về sự dối trá, nhưng thật ra nó đã lù lù ở đó từ lâu!”. Sự dối trá ai cũng nhìn thấy nhưng Johnson vẫn thoát hiểm nhờ cách đối phó khôn khéo của ông ta. Nhiều nghị sĩ Bảo thủ thuộc số người bị mắc bẫy. “Cần biết, Bosis đã bị đuổi khỏi nghề báo trước đây cũng chỉ vì nói dối!” – Sargeant nhắc lại thời điểm Johnson còn là một phóng viên trẻ, bị tờ The Times of London sa thải vì “thích bịa ra các trích dẫn.

|Johnson đã thay thế người tiền nhiệm Theresa May với một khởi đầu tràn đầy năng lượng cho sự thay đổi. Thông điệp dân túy, tính cách hiếu động, những lời hứa cắt giảm thuế “ngây thơ”, lời hứa “giải phóng nước Anh khỏi gánh nặng” Liên minh châu Âu (EU) và “khôi phục lại niềm tự hào của đất nước” đã đánh trúng sự mệt mỏi của công chúng về cuộc chiến trưng cầu dân ý Brexit dây dưa và mong muốn có ai đó làm giúp họ những gì họ cảm thấy là đúng.

Boris Johnson thời làm biên tập viên The Spectator (ảnh: PA Images via Getty Images)

Siêu trùm nói dối

Giống như Trump, người đưa ra một thông điệp dân túy cực kỳ hùng hồn cho nước Mỹ, Johnson luôn cư xử như thể ông ta lớn hơn chức vụ nắm giữ, như thể thiệt hại mà ông gây ra là “không đáng kể so với những gì đạt được”, miễn duy trì được quyền.

Tên khai sinh là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, ông Johnson bắt đầu sử dụng biệt danh Boris trong các bài tập ở trường trung học và vị thủ tướng sắp trở thành cựu thủ tướng này có một lịch sử lâu dài được ghi chép rõ ràng về “thói quen trốn tránh sự thật” và luôn hành động với niềm tin mình sẽ được “miễn trừ” việc phải tuân thủ các quy tắc cư xử mà ai cũng phải tuân theo. Nhiều năm hoạt động với tư cách một phóng viên và người phụ trách chuyên mục, rồi biên tập viên của một tạp chí chính trị có ảnh hưởng ở London, và sau này là một chính trị gia, Johnson đã để lại “dấu ấn” khó quên đối với nhiều người trong đó có cả những “nạn nhân” bởi tính khí khác thường của ông.

Khi còn là biên tập viên của tạp chí The Spectator, ông đã nói dối biên tập viên Conrad Black, hứa sẽ không tìm ghế nghị sỹ Quốc hội khi còn làm việc tại tạp chí (nhưng vẫn làm). Khi lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện, Johnson nói dối cử tri là sẽ bỏ công việc tại The Spectator (nhưng vẫn tiếp tục). Trong cương vị nghị sỹ, ông đã nói dối lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard và giới truyền thông khi công khai tuyên bố không có quan hệ tình cảm với một phóng viên của tạp chí, cũng như không để cô ấy mang thai và trả tiền phá thai (nhưng làm ngược lại).

Từng định chơi khăm The New York Times

Trong một tình huống kỳ lạ, Johnson thấy… vui (nhưng rất bôi bác) là vào năm 2002, ông nhờ một nhân viên tại The Spectator đóng giả mình, khi một nhiếp ảnh gia của tờ The New York Times đến chụp ảnh ông ta. Johnson hy vọng The New York Times sẽ tự làm xấu mặt khi tung ra một bức ảnh sai (tuy nhiên, vụ này bị “lộ hàng”). Khi còn là phóng viên Daily Telegraph thuộc cánh hữu ở Brussels (Bỉ) vào cuối thập niên 1980, Johnson đã liều lĩnh viết những bài báo mang tính giải trí cao nhưng không chính xác, nhằm vu khống EU như “một nhà máy khổng lồ nhưng có những qui định vụn vặt” nhằm ý đồ “bóp chết cá tính của người Anh”.

Chính những bài báo kiểu này đã giúp thiết lập “câu chuyện chống châu Âu” méo mó dành cho một thế hệ Bảo thủ và mở đường cho phong trào Brexit vào hai thập niên sau đó. Nhiều năm sau, chính Johnson đã mô tả với BBC rằng hành động của mình lúc đó chỉ giống như “nhét những viên đá nhỏ trên tường sau vườn” nhưng không ngờ “mọi thứ tôi viết từ Brussels đều tạo ra hiệu ứng bùng nổ, tuyệt vời trong bữa tiệc của Tory (Đảng Bảo thủ). Và nó thực sự mang lại cho tôi cảm giác quyền lực tuyệt vời!”.

Năm 2016, lúc là thị trưởng London rồi là nghị sỹ, Johnson đã phản bội lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Thủ tướng David Cameron, khi ông ta dẫn đầu phe ủng hộ mình rời khỏi cuộc tranh luận Brexit, bất kể lập trường của đảng. Giữ chức ngoại trưởng dưới thời người kế nhiệm Cameron, nữ Thủ tướng Theresa May, Johnson đâm sau lưng bà và bắt đầu chiếm chiếc ghế thủ tướng bằng cách từ chức và tố cáo thỏa thuận Brexit mà bà May đã mất nhiều tháng để đàm phán. Kế hoạch lật đổ của ông ta đã thành công.

Trong khi đó, việc lăng nhăng gái gú và các cuộc tình vụng trộm của Johnson là một “bí mật”… công khai, ngay khi ông đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai với bà Marina Wheeler, mẹ của bốn trong (ít nhất) bảy người con của ông. Họ chia tay khi chuyện Johnson lang chạ với một viên chức Đảng Bảo thủ, bà Carrie Symonds, bị đưa ra ánh sáng (họ có hai con chung). Johnson còn có ít nhất một con gái, được sinh trong thời gian ông quan hệ ngoài luồng với một cố vấn đã kết hôn, khi ông còn là thị trưởng (chưa kết hôn) của London, vào thập niên 2010.

Con người “muôn mặt” Boris Johnson (ảnh chụp lúc ông là thị trưởng London) – ảnh: Stefan Rousseau/PA Images via Getty Images

Một học sinh cá biệt

Max Hastings, biên tập viên của The Telegraph, người thuê Johnson làm phóng viên tại Brussels cho tờ báo, từng nói: “Tôi không tin Boris, bất kể ông ta nói đó là ngày nào, thứ Hai hay thứ Ba!”. Năm 2019, khi Johnson sắp trở thành thủ tướng, Hastings đã viết một bài báo có tiêu đề “Tôi là ông chủ của Boris Johnson và tôi khẳng định ông ta hoàn toàn không thích hợp với cương vị Thủ tướng”. Hastings gọi thẳng Johnson là một “kẻ lang thang” (cavorting charlatan), người bị “phá sản đạo đức” (moral bankruptcy) và đại diện cho “kẻ thù của sự thật”.

Hastings, người đã tuyển dụng Johnson khi thủ tướng tương lai mới trên 20 tuổi, không là người đầu tiên nghi ngờ “tính nghiêm túc của mục đích và ý thức tự trọng” của Johnson. Khi Johnson 17 tuổi vào học tại Eton College, một trường nội trú nam dành cho giới tinh hoa của nước Anh, giáo viên Martin Hammond dạy môn nghệ thuật-văn học cổ điển đã gửi một bức thư về nhà cho ông Stanley, cha của Johnson, trong đó viết: “Boris thực sự đã có thái độ lơ là đáng hổ thẹn khi nghiên cứu môn cổ điển. Thậm chí cậu ta có vẻ bực bội khi được góp ý”. Ông nói thêm về cậu học trò sẽ trở thành thủ tướng tương lai: “Tôi nghĩ Boris thật sự vui khi tin rằng chúng tôi xem cậu ta là một ‘ngoại lệ’ đang cố thoát khỏi những nghĩa vụ ràng buộc tất cả mọi người”.

___________

Thủ tướng Boris Johnson từ chức: Không ai đứng trên pháp luật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: