Hội đàm Biden-Merkel: Nhiều bất đồng nhưng thân thiện

Ảnh: FB Tổng thống Biden

Như tin đã đưa, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến công du chính thức tới Tòa Bạch Ốc hôm nay Thứ Năm 15 Tháng Bảy 2021 – chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia châu Âu và cũng có thể là chuyến cuối cùng của bà Merkel trong cương vị thủ tướng Đức. Cuộc hội đàm của Thủ tướng Merkel với Tổng thống Joe Biden diễn ra trong vòng thân mật nhưng hai bên không che giấu những bất đồng sâu sắc.

Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel – lãnh đạo hai quốc gia trụ cột của hai bờ Đại Tây Dương – đã thảo luận nhiều vấn đề, từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, Trung Quốc, tình hình an ninh ở Afghanistan, Iran, Libya và các nước Đông Âu. Bên cạnh những điểm thống nhất ý kiến, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc.

Đường ống Nord Stream II

Tổng thống Biden đã nói rõ với bà Merkel mối lo ngại của ông về một đường ống dẫn khí đốt lớn từ Nga sang Đức để cung cấp khí đốt cho thị trường Tây Âu – dự án Nord Stream II hiện đã sắp hoàn thành việc xây dựng. Hoa Kỳ từ lâu đã lập luận rằng dự án Nord Stream II sẽ đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu, làm châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cho phép Nga gây áp lực chính trị lên các quốc gia dễ bị tổn thương ở Đông và Trung Âu, đặc biệt là Ukraine. Nhưng gần đây Tổng thống Biden đã bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty Đức tham gia xây dựng dự án, một hành động khiến nhiều nghị sĩ trong Quốc Hội, kể cả Cộng Hòa và Dân Chủ, tức giận.

Trong một bức thư gửi cho Tổng thống Biden trước cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa – Florida) đã nêu lên lo ngại rằng đường ống dẫn khí đốt này đang gây tác động xấu về kinh tế đối với đồng minh của Mỹ là Ukraine. Ông Rubio cho biết tập đoàn Gazprom của Nga, công ty điều hành dự án Nord Stream II, “đã bắt đầu giảm việc sử dụng đường ống qua Ukraine” khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II sắp hoàn thành.

Thủ tướng Merkel đã tìm cách trấn an mối lo ngại đó. Bà nhấn mạnh, đường ống Nord Stream II sẽ bổ sung chứ không phải thay thế các đường ống qua Ukraine. “Ý tưởng của chúng tôi là Ukraine vẫn là một quốc gia trung chuyển khí đốt tự nhiên; Ukraine cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới có chủ quyền lãnh thổ”, bà Merkel nói và thêm rằng Đức sẵn sàng phản ứng với Moscow “nếu Nga không tôn trọng quyền của Ukraine với tư cách là một quốc gia trung chuyển”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cũng đồng ý sẽ không để cho Nga được phép sử dụng năng lượng làm vũ khí.

Bao giờ gỡ bỏ hạn chế vào Mỹ?

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Merkel đã nêu lên mối quan ngại của Đức về các biện pháp hạn chế đi lại của Hoa Kỳ vì dịch COVID-19. Cho đến nay Mỹ vẫn chưa cho phép hầu hết công dân từ châu Âu nhập cảnh dù các nước EU đã căn bản khống chế được dịch và có tỷ lệ tiêm chủng cao. Từ giữa Tháng Sáu, châu Âu nói chung, Đức nói riêng, đã mở cửa cho công dân Mỹ đã tiêm chủng ngừa COVID-19 được ra vào, nhưng Mỹ chưa có động tác tương tự với công dân châu Âu.

Ông Biden cho biết ông đã giao cho người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm coronavirus của Tòa Bạch Ốc thảo luận vấn đề này và ông hy vọng có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát “trong vòng bảy ngày tới” về thời điểm các hạn chế nhập cảnh có thể được nới lỏng.

Nước Đức sẽ đi theo hướng nào?

Một vấn đề làm các quan chức ở Washington và nhiều nơi khác băn khoăn là liệu nước Đức sẽ đi theo hướng nào sau khi bà Merkel kết thúc nhiệm kỳ. Thủ tướng Merkel đã lãnh đạo nước Đức bốn nhiệm kỳ liên tiếp, qua bốn đời tổng thống Mỹ và bà cho biết bà sẽ không tái ứng cử nhiệm kỳ thứ năm mà sẽ rời chính trường sau cuộc tổng tuyển cử của Đức vào Tháng Chín tới.

Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) của bà Merkel đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri, nhưng đảng Xanh có quan điểm bảo vệ môi trường và đảng Dân chủ Xã hội (SDU) trung tả cũng đang cạnh tranh để lãnh đạo chính phủ trong tương lai. Trong khi ba đảng có lập trường khác nhau trong nhiều lĩnh vực chính sách, tất cả đều cam kết hướng tới một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bền chặt.

Trong thời kỳ cầm quyền, Thủ tướng Merkel chủ trương thiết lập quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc do Trung Quốc là thị trường béo bở nhất của các công ty công nghiệp Đức, nhất là các hãng xe hơi. Nhưng bà cũng chỉ trích thành tích nhân quyền tồi tệ của Bắc Kinh. Bà Merkel muốn tránh tình huống mà Đức, hoặc Liên minh châu Âu, có thể buộc phải chọn đứng về một phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Bà Merkel đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch coronavirus, ngay cả khi cựu Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh đã khơi mào đại dịch. Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh trong các bình luận với phóng viên rằng bà muốn Đức và Liên minh châu Âu phối hợp với Washington trong chính sách đối với Trung Quốc, bao gồm các vấn đề như quyền lao động, thương mại và an ninh mạng. “Có một nhận thức chung rằng trong nhiều lĩnh vực, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của chúng ta, thương mại với Trung Quốc cần phải đặt trên một sân chơi bình đẳng… Tôi tin rằng nền tảng của các giao dịch của chúng ta với Trung Quốc phải dựa trên các giá trị chung” của Mỹ và Đức, bà Merkel nói. “Tất cả chúng ta chia sẻ cùng một hệ giá trị; tất cả chúng ta chia sẻ cùng một quyết tâm giải quyết những thách thức của thời đại,” bà nói thêm.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng họ sẽ bảo vệ các nguyên tắc dân chủ, các quyền phổ quát của tất cả mọi người mỗi khi họ thấy Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác phá hoại các quyền và nguyên tắc đó. “Chúng tôi đoàn kết, thống nhất trong cam kết của chúng tôi xử lý cuộc thoái trào của chế độ dân chủ, tham nhũng, chủ nghĩa dân túy giả hiệu ở châu Âu hoặc trong số các thành viên châu Âu, hoặc bất kỳ ở đâu trên thế giới mà chúng tôi tìm thấy,” ông Biden nói.

Bản quyền vaccine COVID-19

Tổ chức từ thiện Bác Sĩ Không Biên Giới kêu gọi ông Biden thuyết phục bà Merkel từ bỏ việc phản đối đề nghị đình chỉ bản quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Một nhóm các nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ kêu gọi chính phủ Đức bãi bỏ sự phản đối việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến COVID-19 theo các quy tắc thương mại toàn cầu. Các nhà lập pháp cho rằng việc từ bỏ như vậy sẽ giúp mở rộng quy mô sản xuất vaccine trên khắp thế giới trong lúc rất nhiều nước chưa có vaccine để tiêm chủng cho dân mà năng lực bào chế của các công ty dược Âu Mỹ không đáp ứng được.

Bà Merkel, một nhà khoa học, lập luận rằng việc dỡ bỏ các bằng sáng chế vaccine là không có hiệu quả và có thể gây hại cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển dược phẩm trong tương lai.

Chính quyền Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đề nghị từ bỏ bản quyền vaccine đang được thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng các quan chức Tòa Bạch Ốc cho rằng sự khác biệt giữa hai bên sẽ chưa được giải quyết trong chuyến thăm của Thủ tướng Merkel.

Thân thiện

Tuy có những điểm bất đồng và căng thẳng, cuộc gặp Biden – Merkel dường như đã diễn ra trong vòng thân mật, thích hợp với một cuộc chia tay giữa hai nguyên thủ quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với thế giới và khác hẳn với cuộc gặp giữa bà Merkel với cựu Tổng thống Trump trước đây.

Sau thời gian căng thẳng trong những năm cầm quyền của cựu Tổng thống Trump, quan hệ giữa Đức và Mỹ dường như đang quay trở lại quỹ đạo đồng minh thân thiết. Các nhà phân tích đều cho rằng, quan hệ với Đức là “tuyệt đối cần thiết” cho Washington do vai trò của Đức như là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là một đồng minh NATO và là nhịp cầu kết nối các quan hệ với Moscow, Trung Đông và Bắc Phi. Hiện có tới 36,000 binh sĩ Hoa Kỳ đang đóng quân ở Đức theo các chương trình phòng thủ của NATO. Những bất đồng hiện nay là tất nhiên, nhưng không phải là vật cản cho mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước.

Tổng thống Biden đã cho tổ chức quốc yến tại Tòa Bạch Ốc vào tối thứ Năm để chiêu đãi Thủ tướng Merkel và phu quân. Cùng dự bữa tiệc có các cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Colin Powell cùng với Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken. Các nhà lãnh đạo Quốc Hội, cả Dân Chủ và Cộng Hòa, như các nghị sĩ Mitch McConnell và Kevin McCarthy, đã tham dự cùng với các quan chức hàng đầu khác của Hoa Kỳ và Đức.

Trước đó, vào sáng Thứ Năm, Phó Tổng thống Kamala Harris đã chiêu đãi Thủ tướng Merkel bữa sáng tại tư dinh của bà trong khuôn viên của Đài Quan Sát Hải Quân Hoa Kỳ, khen ngợi bà Merkel đã có một “sự nghiệp phi thường”.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Merkel cũng đã nhận bằng tiến sĩ danh dự – bằng tiến sĩ thứ 18 của bà – từ Đại học Johns Hopkins và đã phát biểu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của trường đại học này.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: