Hong Kong lần đầu tiên bầu cử theo kiểu phi dân chủ

Tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Hôm Chủ nhật 19-12-2021, Hong Kong sẽ bầu ra một hội đồng phi dân chủ, theo sắp xếp của Bắc Kinh. Ảnh Wikipedia.

Đặc khu hành chính Hong Kong sẽ tổ chức bầu cử hội đồng lập pháp (LegCo) vào hôm nay Chủ nhật 19 Tháng Mười Hai 2021, giờ địa phương – cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia khắc nghiệt và thay đổi thể thức bầu cử của khu hành chính tự trị theo hình thức trái với truyền thống dân chủ của vùng lãnh thổ này.

Hồi tháng Ba 2021, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thay đổi luật bầu cử của Hong Kong mà nhiều người coi là chính thức chấm dứt khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống”, theo đó Hong Kong sẽ duy trì các thể chế pháp lý, chính trị và tài chính riêng biệt trong 50 năm sau ngày được bàn giao từ Vương quốc Anh cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nghị quyết của Quốc hội Trung Quốc về bầu cử LegCo Hong Kong giảm số lượng các nhà lập pháp được người dân Hong Kong bầu ra, tăng số nhà lập pháp do đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh chỉ định; những người tham gia ứng cử phải trải qua sự xem xét, sàng lọc của Bắc Kinh để bảo đảm chỉ có “những người yêu nước” tức là người trung thành với Trung Quốc mới có thể trở thành ứng cử viên.

Theo Quốc hội Trung Quốc, số ghế trong hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ tăng từ 70 lên 90 ghế; trong đó có 40 người được Bắc Kinh chỉ định vào cái gọi là ủy ban bầu cử – chịu trách nhiệm bầu ra Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong; có 30 ghế được bầu ra từ các nhóm doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề được coi là “khu vực bầu cử chức năng”; cử tri Hong Kong chỉ được bầu cử trực tiếp 20 ghế. Trước khi có nghị quyết can thiệp của Trung Quốc, hội đồng lập pháp Hong Kong có 70 ghế nhưng một nửa trong số đó, 35 ghế, là do người dân bầu cử trực tiếp và năm ghế đại diện các hội đồng quận huyện.

Do ứng cử viên phải chứng tỏ trung thành với Trung Quốc nên đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Hong Kong không có ứng cử viên đối lập. Đảng chính trị nổi bật nhất Hong Kong, đảng Dân Chủ, đã không cử đại diện ra tranh cử. Ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà nghiên cứu chính trị tại Hong Kong nhận định với hãng tin Reuters rằng, phong trào dân chủ đối lập ở Hong Kong đang rơi vào một tình huống khó xử. “Nếu chấp nhận quy tắc mới của trò chơi, bạn có thể bị tố cáo là giúp hợp pháp hóa một hệ thống bất công. Còn nếu tẩy chay hệ thống đó bạn sẽ không có cơ hội có tiếng nói trong những vấn đề chính trị và chính sách sau này”.

Hong Kong đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014 và 2019, nhưng phong trào đã bị lực lượng an ninh đè bẹp, sau đó là việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng lên vùng lãnh thổ tự trị khiến hầu hết các nhà hoạt động đối lập của thành phố phải im lặng, hoặc bị giam vào tù hoặc phải chạy ra nước ngoài.

Các cuộc thăm dò cho thấy trong 4.4 triệu cử tri Hong Kong đủ điều kiện đi bầu hôm nay, tỷ lệ người đi bỏ phiếu sẽ rất thấp. Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong ghi nhận có tới 39% số người được hỏi cho biết họ sẽ không đi bỏ phiếu, theo tin từ hãng tin AP.

Lãnh đạo chính quyền Hong Kong hôm thứ Bảy cảnh báo, các thế lực nước ngoài có thể đang cố gắng phá hoại cuộc bầu cử sau khi các nhà hoạt động ở nước ngoài kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Theo luật bầu cử mới, việc kích động tẩy chay và bỏ phiếu không hợp lệ có thể dẫn đến hình phạt ba năm tù và phạt tiền 200,000 đô la Hong Kong ($26,500).

Cuộc bầu cử cũng diễn ra trong tình hình an ninh được siết chặt; rất đông cảnh sát đã bao vây và túc trực tại các điểm bỏ phiếu. Cảnh sát trưởng Raymond Siu cho biết khoảng 10,000 sĩ quan cảnh sát đã được bố trí để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Trong một hành động chưa từng có tiền lệ, để khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhà chức trách Hong Kong đã cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí, một ngày trước đã gửi tin nhắn vào máy điện thoại nhắc nhở người dân đi bầu.

Cuộc bầu cử lẽ ra phải được tổ chức vào tháng Chín năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại với lý do mà nhà chức trách đưa ra là có nguy cơ về sức khỏe cộng đồng do đại dịch. Quyết định trì hoãn này đã bị phản đối bởi phe ủng hộ dân chủ, họ cáo buộc chính phủ lợi dụng dịch bệnh để trì hoãn cuộc bỏ phiếu và chờ quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: