Indonesia: Cách chức cảnh sát trưởng, điều tra thảm họa sân bóng đá

Vào tối thứ Hai 3 Tháng Mười, khoảng một nghìn người hâm mộ bóng đá mặc áo đen đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại một đài tưởng niệm The Zero Kilometre Monument ở thành phố Bekasi gần thủ đô Jakarta để cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa 125 người chết hôm thứ Bảy 1 Tháng Mười 2022. Ảnh Resha Juhari/NurPhoto via Getty Images

Cảnh sát trưởng và chín sĩ quan cao cấp của thành phố Malang ở Đông Java, Indonesia đã bị cách chức vào hôm nay thứ Hai 3 Tháng Mười; họ cùng với 18 người khác đang bị điều tra trách nhiệm trong vụ bắn đạn cay bên trong một sân bóng đá, gây ra một vụ giẫm đạp làm chết ít nhất 125 người hôm thứ Bảy vừa qua.

Bản tin của báo Asia Nikkei cho biết thảm họa xảy ra tại trận đấu bóng đá giữa đội Arema FC của địa phương và đội khách Persebaya Surabaya. Do bóng đá Indonesia thường dẫn tới bạo lực, Ban tổ chức chỉ cho phép vào sân Kanjuruhan Stadium  những khán giả và cổ động viên của đội địa phương, cấm những người ủng hộ đội khách.

Các nhân chứng cho biết trong số 42,000 người hâm mộ đội Arema FC có một số người đã chạy xuống sân cỏ để bày tỏ cơn giận dữ sau khi đội nhà bị thủng lưới 3-2, trận thua đầu tiên trên sân nhà trước đội khách Persebaya sau 23 năm. Một số người ném chai lọ và các đồ vật khác vào các cầu thủ và quan chức bóng đá. Ít nhất năm xe cảnh sát đã bị lật và bị đốt cháy bên ngoài sân vận động.

Nhưng hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay để cố ngăn chặn bạo lực, bắn cả lên khán đài, khiến khán giả hoảng loạn, giẫm lên nhau để tìm lối thoát, gây ra một vụ giẫm đạp thảm khốc. Phần lớn trong số 125 người chết là do bị giẫm đạp hoặc chết ngạt. Các nạn nhân gồm cả hai nhân viên cảnh sát.

Trong số người thiệt mạng có ít nhất 17 trẻ em và 7 trẻ em khác đang được điều trị tại bệnh viện. Cảnh sát nói có 323 người bị thương trong vụ giẫm đạp, một số người vẫn trong tình trạng nguy kịch.

***

Người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Dedy Prasetyo cho biết Giám đốc cảnh sát của thành phố Malang Ferli Hidayat đã bị cách chức cùng với chín thành viên của một lực lượng cảnh sát cơ động tinh nhuệ. Những người này có thể bị sa thải sau một phiên tòa xét xử đạo đức của cảnh sát. Ông Prasetyo cũng cho biết 18 sĩ quan chịu trách nhiệm vụ bắn hơi cay, từ cấp trung đến cấp cao, đang bị điều tra.

Cảnh sát Quốc gia đang thẩm vấn các nhân chứng, phân tích các đoạn video từ 32 camera an ninh bên trong và bên ngoài sân vận động và 9 xem xét máy điện thoại di động thuộc sở hữu của các nạn nhân như một phần của cuộc điều tra. Họ cũng sẽ xác định liệu có những kẻ phá hoại gây ra vụ giẫm đạp hay không.

Người hâm mộ bóng đá thắp nến bên ngoài sân vận động Kanjuruhan Stadium ở Malang, Đông Java, để tưởng niệm những nạn nhân của vụ giẫm đạp làm chết 125 người trong trận đấu hôm thứ Bảy 1 Tháng Mười 2022. Ảnh Dasril Roszandi/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh đình chỉ việc tổ chức giải bóng đá quốc gia cho đến khi đánh giá lại mức độ an toàn và an ninh được siết chặt. Hiệp hội Bóng đá Indonesia cũng cấm đội Arema tổ chức các trận đấu trong thời gian còn lại của mùa giải.

Chủ tịch Arema FC, Gilang Widya Pramana bày tỏ sự đau buồn và gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và người dân Indonesia, đồng thời cho biết câu lạc bộ sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm về thảm kịch tại sân vận động của đội mình. “Thảm họa này nằm ngoài dự đoán, không có lý do … Một trận đấu chỉ có người hâm mộ của chúng tôi dự khán, không có một cổ động viên đối thủ nào. Làm sao trận đấu đó có thể giết chết hơn 100 người?” ông Pramana vừa khóc vừa nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai tại trụ sở của đội Arema ở Malang.

Bộ trưởng An ninh Indonesia Mohammad Mahfud cho biết ông sẽ dẫn đầu một cuộc điều tra các hành vi vi phạm pháp luật trong thảm họa và đưa ra các khuyến nghị cho tổng thống để cải thiện an toàn bóng đá. Cuộc điều tra sẽ được hoàn thành trong ba tuần. Bộ trưởng Mahfud cũng yêu cầu các cảnh sát trưởng và chỉ huy quân đội trừng phạt những kẻ phạm tội và các hành động gây ra vụ giẫm đạp.

***

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Indonesia điều tra việc sử dụng hơi cay và bảo đảm những người chịu trách nhiệm sẽ bị xét xử công khai trước tòa án. Mặc dù Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA không kiểm soát các trận đấu trong từng nước, nhưng FIFA đã nhiều lần khuyến cáo không được sử dụng hơi cay tại các sân vận động khi có trận bóng đá.

Indonesia không có thành tích quốc tế đáng kể trong môn bóng đá, nhưng thói côn đồ (hooliganism) vẫn tràn lan, nơi sự cuồng tín túc cầu giáo thường kết thúc bằng bạo lực. Dữ liệu từ cơ quan giám sát bóng đá Indonesia cho thấy trước thảm họa vừa qua đã có 78 người chết vì các sự cố liên quan đến trò chơi đá banh trong 28 năm qua.

Thảm họa trong trận đấu bóng đá ở Indonesia hôm thứ Bảy là một trong những thảm họa tồi tệ nhất thế giới trong thể thao. Trận đấu vòng loại World Cup 1996 giữa Guatemala và Costa Rica ở thành phố Guatemala có hơn 80 người chết và hơn 100 người bị thương. Vào tháng Tư năm 2001, hơn 40 người đã bị đè chết trong một trận đấu bóng đá tại Ellis Park ở Johannesburg, Nam Phi. Vào Tháng Hai năm 2012, 74 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương sau trận đấu giữa hai đối thủ al-Masry và al-Ahly của Ai Cập khi hàng nghìn người hâm mộ al-Masry lao vào sân và tấn công những người ủng hộ đội khách. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: