Iran, cuộc khủng hoảng bước vào giai đoạn nguy hiểm

World Cup 2022 là dịp người Iran thể hiện tiếng nói mạnh mẽ chống đối chế độ hà khắc độc tài của họ (ảnh: Visionhaus/Getty Images)

Ngày 24 Tháng Mười Một, các phương tiện truyền thông nhà nước Iran đưa tin cầu thủ bóng đá Voria Ghafouri đã bị bắt với cáo buộc “phá hủy danh tiếng của đội tuyển quốc gia” và “tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo”. Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng có phiên họp bất thường về tình hình Iran.

World Cup là cơ hội thể hiện của những người Iran bất đồng

Voria Ghafouri, cựu thành viên đội tuyển quốc gia Iran và là người thường xuyên bị chính phủ đe doạ. Gần đây anh đăng thông điệp trên Twitter lên án việc giết hại người Kurd. Ghafouri đã thi đấu nhiều lần cho đội tuyển quốc gia trong thập niên qua và chơi cho một số câu lạc bộ của Iran. Hiện anh đang chơi cho đội Foolad Khuzestan. ISNA, hãng thông tấn bán chính thức của nhà nước Iran cho biết Hamidreza Garshasbi, Giám đốc điều hành của Foolad Khuzestan, đã từ chức nhưng lý do không được công bố.

The Washington Post cho biết, ngay trước khi World Cup bắt đầu, một số người Iran đã kêu gọi FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới, cấm đội tuyển quốc gia Iran thi đấu. Tuy nhiên, số khác cho rằng việc Iran tham dự một sự kiện nổi tiếng như World Cup sẽ có lợi cho phong trào nổi dậy, vì nó cho phép các cầu thủ và khán giả một cơ hội tốt để bày tỏ bất đồng chính kiến với sự quan sát của truyền thông quốc tế.

Việc bắt giữ Ghafouri xảy ra vào thời điểm các cầu thủ bóng đá Iran đang bị giám sát chặt chẽ vì những tuyên bố bất lợi của họ về làn sóng nổi dậy trên toàn quốc ở Iran chưa có dấu hiệu kết thúc sau nhiều tháng và là thử thách lớn nhất cho chế độ Hồi giáo trong thời gian gần đây. Đội tuyển quốc gia Iran, trong trận đấu đầu tiên vòng chung kết với tuyển Anh vào ngày thứ Hai đã từ chối hát Quốc ca. Hành động này được nhiều người xem là sự ủng hộ im lặng các cuộc biểu tình đang diễn ra trong nước. Đài truyền hình quốc gia Iran chỉ chiếu những hình ảnh chọn lọc số khán giả cổ vũ cho đội nhà trên khán đài trong trận đấu và né những khẩu hiệu chống chính phủ.

(Photo by Lionel Hahn/Getty Images)
World Cup 2022 là dịp người Iran thể hiện tiếng nói mạnh mẽ chống đối chế độ hà khắc độc tài của họ (ảnh: Visionhaus/Getty Images)

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lên tiếng

Trong một diễn biến khác, người phụ trách quyền con người của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Iran trong bối cảnh chính quyền tăng cuòng đàn áp những người biểu tình. “Iran đang ở trong một “cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn diện khi chính quyền tìm cách trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​chống chế độ” – Cao ủy Nhân quyền Volker Turk nhận định.

Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Council) diễn ra vào ngày 24 Tháng Mười Một, ông Turk kêu gọi “mở cuộc điều tra độc lập, không thiên vị và minh bạch” về các vi phạm nhân quyền ở Iran. Đất nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị bao trùm bởi làn sóng biểu tình chống chính phủ sau cái chết của Mahsa Amini, một nữ sinh 22 tuổi gốc người Kurd bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vào Tháng Chín với cáo buộc không đeo khăn trùm đầu đúng cách và chết bất thường tại nơi giam giữ.

Kể từ đó, chính quyền đã mở một cuộc đàn áp, bắt giữ và xâm hại cơ thể nhắm mục tiêu chính vào nhóm thiểu số người Kurd. Trong một cuộc điều tra gần đây của CNN, một số nhân chứng bí mật đã tiết lộ chính quyền đang sử dụng bạo lực trong các trung tâm giam giữ kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy toàn quốc chưa từng có tại hơn 150 thành phố và khuôn viên 140 trường đại học ở tất cả 31 tỉnh của Iran. “Hơn 14,000 người, gồm cả học sinh nhỏ tuổi đã bị bắt vì liên quan đến các cuộc biểu tình và có ít nhất 21 người phải đối mặt với án tử hình và sáu người đã nhận án tử hình – Turk nói – Chúng tôi nhận được báo cáo có nhiều người biểu tình bị thương nhưng không dám đến bệnh viện vì sợ bị lực lượng an ninh bắt giữ.

Hàng trăm sinh viên đại học bị triệu tập để thẩm vấn, bị đe dọa hoặc bị đuổi học. Tehran đã kịch liệt lên án cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, gọi đây là quyết định “kinh tởm và đáng hổ thẹn” khi Bộ Ngoại giao Iran đã đồng ý thành lập một ủy ban quốc gia điều tra những cái chết liên quan đến phong trào biểu tình.

Phó tổng thống Khadijeh Karimi phụ trách các vấn đề gia đình và phụ nữ đại diện cho Iran tại phiên họp hôm thứ Năm, lên án nghị quyết do Đức đề xướng “có động cơ chính trị” và mô tả “đây là một âm mưu được dàn dựng cho những động cơ xấu phía sau”. Bà nhấn mạnh: “Các quốc gia như Đức, Anh, Pháp không đủ sự tin cậy về mặt đạo đức để thuyết giảng người khác về nhân quyền và yêu cầu triệu tập phiên họp đặc biệt về Iran”. Karimi cũng bảo vệ “phản ứng thái quá” của lực lượng an ninh Iran và cho biết “chính phủ đã thực hiện các biện pháp cần thiết sau cái chết đáng tiếc” của Amini.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ấn Độ NDTV, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho biết các cường quốc nước ngoài đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran và tạo ra “những câu chuyện bịa đặt”. Một nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại bài báo của CNN nói về các vụ hãm hiếp “ngoài sức tưởng tượng” và xem cưỡng hiếp như vũ khí trấn áp các nhà hoạt động bị giam giữ. Bạo lực dã man của lực lượng an ninh Iran đối với những người biểu tình đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Tehran và các lãnh đạo phương Tây.

Ngày 23 Tháng Mười Một, Toà Bạch Ốc đã áp đặt đợt trừng phạt mới đối với ba quan chức chính quyền ở khu vực có đa số người Kurd ở Iran, sau khi Bộ trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông “rất lo ngại chính quyền Iran đang leo thang bạo lực chống lại những người biểu tình”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: