Bắt giữ và cấm hành nghề là các biện pháp mà chế độ ở Iran áp dụng đối với các nhà báo, nhà khoa học và nhà văn ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước này hoặc thể hiện sự đoàn kết với những người biểu tình.
“Chúng tôi không biết ai trong số chúng tôi sẽ bị bắt tiếp theo. Tâm trạng thật tồi tệ”, các nhà báo từ Iran thừa nhận vào những ngày này trong các cuộc trò chuyện riêng với các đồng nghiệp nước ngoài. Trước máy quay hoặc micro, không ai sẵn sàng lặp lại điều này. Trong những ngày này, về mặt truyền thông, điều duy nhất người Iran có thể làm là đăng bài trên mạng xã hội. Nhưng đăng bài trên phương tiện truyền thông xã hội ở Iran cũng vẫn có thể khiến “đối tượng” phải vào tù.
Điều này một lần nữa được chứng minh bởi câu chuyện của nhà báo người Iran Milad Alavi. Vào ngày 1 Tháng Một, anh bị bắt. Lý do vẫn chưa được biết. Người anh trai của Alavi cho biết trên Twitter rằng vài tuần trước đó, cảnh sát đã ập vào căn hộ của nhà báo, thu giữ điện thoại thông minh và máy tính của đương sự.
Alavi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Iran và các nạn nhân bị các cơ quan thực thi pháp luật đàn áp tàn nhẫn. Các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào Tháng Chín sau cái chết của cô gái người Kurd 22 tuổi Mahsa Amini, người bị cảnh sát giam giữ vì bị cáo buộc đeo khăn trùm đầu “không đúng quy định”. Các cuộc biểu tình này được coi là lớn nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1979, ảnh hưởng đến 160 thành phố ở tất cả các tỉnh Iran. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, ít nhất 470 người biểu tình đã bị giết, khoảng 18,000 người bị bắt.
Và bây giờ bộ máy đàn áp đang trả thù những người đã lên tiếng về các cuộc biểu tình hoặc đồng cảm với các nạn nhân. Theo tổ chức “Nhân quyền ở Iran” (Iran Human Rights), 62 nhà báo hiện ngồi sau song sắt ở Iran.
Milad Alavi, người từng làm việc cho nhật báo nổi tiếng của Iran Shargh, hiện bị giam trong cùng nhà tù với nhà xã hội học người Iran Said Madani, 61 tuổi, bị kết án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Madani kêu gọi xã hội Iran đoàn kết và sẵn sàng bảo vệ niềm tin của mình.
Chính vì điều này mà ông và một số đồng nghiệp đang bị bức hại. Ví dụ, Farshid Noruzi, giáo sư đại học và chuyên gia về văn học Anh. Vào ngày 2 Tháng Một, Noruzi thông báo trên Instagram rằng ông đã bị trường đại học sa thải, với lý do từ chối cung cấp cho cảnh sát tên của những sinh viên đã tham gia bãi khóa để thể hiện sự đoàn kết với những người biểu tình.

Luật gia Said Degkhan nói với hãng tin Đức DW rằng một số luật sư cố gắng bảo vệ quyền của những người biểu tình cũng phải ngồi tù. Nhà hoạt động nhân quyền kiêm luật sư này đã sống ở Canada được vài tháng và đang thành lập một mạng lưới nhân quyền có thể giúp đỡ những người Iran. Degkhan nói: “Chúng tôi ghi lại các vi phạm nhân quyền có hệ thống ở Iran, ghi lại tên của các thẩm phán đã đưa ra các bản án bất công. Chúng tôi cũng đang liên hệ với một ủy ban độc lập do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập để chống lại việc Iran đàn áp các cuộc biểu tình ở trong nước mà không bị trừng phạt”.
Tổ chức phi chính phủ Iran (HRANA) vào ngày 3 Tháng Một cho biết, hơn một nửa vụ hành quyết diễn ra bí mật ở Iran. Theo dữ liệu HRANA, 565 người đã bị hành quyết ở nước này vào năm ngoái, hai trong số họ tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ hồi Tháng Chín. Hai người khác đã bị hành quyết vào đầu Tháng Một. Thêm 26 người biểu tình hiện phải đối mặt với án tử hình. Trong các phiên tòa xét xử, 14 người trong số họ đã bị kết án tử hình và những người còn lại bị buộc trọng tội – ví dụ, “thực hiện cuộc chiến chống lại Chúa”.
Đây là một ví dụ về “Cuộc chiến chống lại Chúa”: Sau một cuộc phỏng vấn với truyền hình Israel, nhà văn kiêm nghệ sĩ Mehdi Bahman bị tòa án ở Tehran kết án tử hình. Bachman, người kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo trên thế giới, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ủng hộ việc cải thiện quan hệ giữa Iran và Israel. Trong những trường hợp như vậy, tư pháp Iran đưa ra các bản án dựa trên cáo buộc gián điệp. Tháng Mười 2022, Bachman bị bắt và bị kết án tử hình.