Iraq căng thẳng leo thang, Thủ tướng bị ám sát hụt

Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi (trái) thảo luận với Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch ốc hôm 26 Tháng Bảy 2021 về kế hoạch chấm dứt hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ tại Iraq trong năm 2021. Ảnh Tom Brenner-Pool/Getty Images

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã sống sót sau một vụ ám sát bằng máy bay không người lái có vũ trang (drone) nhắm vào nơi ở của ông vào sáng sớm ngày Chủ Nhật 07 Tháng Mười Một giờ địa phương. Hoa Kỳ lên án vụ ám sát là một “hành động tấn công khủng bố”.

Vụ ám sát là một bước leo thang nghiêm trọng trong tình hình căng thẳng gia tăng ở Iraq bởi vì các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn không chấp nhận kết quả bầu cử quốc hội vào tháng trước và xung đột với lực lượng an ninh của chính phủ Baghdad.

Hai quan chức Iraq ẩn danh nói với hãng tin AP rằng bảy nhân viên an ninh của ông al-Kadhimi bị thương trong cuộc tấn công bằng hai máy bay drone vào nhà riêng của ông Thủ tướng trong Khu vực Xanh (Green Zone) được phòng thủ cẩn mật của thủ đô Baghdad. 

“Tôi khỏe và đang ở giữa nhân dân tôi. Tạ ơn Chúa,” ông al-Kadhimi viết trên Twitter ngay sau vụ tấn công; kêu gọi người dân bình tĩnh và kiềm chế “vì lợi ích của Iraq”; sau đó ông xuất hiện trên truyền hình và lên án những kẻ âm mưu ám sát ông.

Trong một tuyên bố, chính phủ cho biết các máy bay drone chở đầy chất nổ đã lao xuống nhà của ông al-Kadhimi. Người dân Baghdad nghe thấy tiếng nổ sau đó là tiếng súng từ hướng Green Zone, nơi có các đại sứ quán nước ngoài và các văn phòng của chính phủ Iraq. 

Ông Al-Kadhimi, 54 tuổi, là chỉ huy lực lượng tình báo Iraq trước khi đảm nhiệm chức thủ tướng từ Tháng Năm năm ngoái. Ông bị các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq coi là người thân Mỹ, người cố gắng cân bằng mối quan hệ của Iraq với cả Mỹ và Iran. Trước cuộc bầu cử vào tháng trước, ông al-Kadhimi đã chủ trì nhiều cuộc đàm phán giữa hai nước đối nghịch Iran (theo Hồi giáo Shiite) và Saudi Arabia (theo Hồi giáo Sunni) ở thủ đô Baghdad trong nỗ lực làm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ngay lập tức lên án vụ ám sát mà bộ gọi là “một hành động khủng bố”, đồng thời hài lòng khi thấy ông al-Kadhimi bình an vô sự. 

***

Không rõ ai đứng sau vụ tấn công ông thủ tướng, và không tổ chức nào nhận trách nhiệm ngay lập tức. Nhưng Iraq đang hỗn loạn vì vụ đối đầu giữa lực lượng an ninh của chính phủ và lực lượng dân quân theo Hồi giáo Shiite thân Iran. Lực lượng dân quân đã cắm trại và biểu tình bên ngoài Green Zone trong gần một tháng qua, sau khi họ bác bỏ kết quả cuộc bầu cử quốc hội Iraq mà các đại diện của họ bị thua cuộc và mất tới hai phần ba số ghế trong quốc hội.

Chính phủ Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và các tổ chức khác đã khen ngợi cuộc bầu cử ngày 10 Tháng Mười vì nó đã diễn ra mà hầu như không có bạo lực và không có trục trặc kỹ thuật lớn.

Nhưng sau cuộc bỏ phiếu, những người ủng hộ dân quân đã từ chối kết quả cuộc bầu cử và yêu cầu kiểm phiếu lại. Họ dựng lều ở ngoài khu vực Green Zone và đe dọa bạo lực nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. 

Các cuộc biểu tình trở nên nguy hiểm vào thứ Sáu khi những người biểu tình tuần hành về phía Green Zone. Đụng độ đã xảy ra, một người biểu tình trong nhóm dân quân đã bị giết và hàng chục nhân viên an ninh bị thương. Thủ tướng Al-Khadimi đã ra lệnh điều tra để xác định điều gì đã châm ngòi cho các cuộc đụng độ và ai đã vi phạm lệnh không được nổ súng.

Một số thủ lĩnh của các phe phái dân quân trung thành với Iran đã công khai đổ lỗi cho ông al-Kadhimi về các cuộc đụng độ hôm Thứ Sáu và cái chết của người biểu tình.

Cuộc bầu cử được tổ chức trước nhiều tháng so với kế hoạch để đối phó với các cuộc biểu tình hàng loạt vào cuối năm 2019, khi ​​hàng chục nghìn người ở Baghdad và các tỉnh miền Nam chủ yếu là người Shiite biểu tình chống lại nạn tham nhũng, dịch vụ kém và thất nghiệp. Họ cũng phản đối sự can thiệp mạnh tay của nước láng giềng Iran vào các vấn đề của Iraq thông qua lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.

Kết quả đáng chú ý nhất của cuộc bầu cử là khối của Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ dòng Shiite có ảnh hưởng lớn, đã giành được nhiều ghế quốc hội nhất, 73 trên tổng số 329 ghế. Trong khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Iran, al-Sadr công khai phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề của Iraq.

Các cuộc biểu tình của các tổ chức dân quân được Iran hậu thuẫn dường như nhằm gây áp lực với al-Sadr để bảo đảm rằng các phe phái liên kết với Iran phải là một phần của chính phủ mới khi khối của al-Sadr tìm kiếm các đối tác liên minh và chỉ định thủ tướng.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: