Kabul hỗn loạn, Taliban muốn lập chính phủ nhiều thành phần?

Tại lễ kỷ niệm 95 năm ngày độc lập của Afghanistan 19-08-2014, Tổng thống khi ấy là ông Hamid Karzai (giữa) đọc diễn văn trong lúc hai bên có hai ứng cử viên tổng thống sẽ kế nhiệm ông: ông Abdullah Abdullah (thứ hai từ bên phải) và ông Ashraf Ghani Ahmadzai (thứ hai bên trái). Ông Ghani thắng cử, cầm quyền từ 2014 đến khi đào thoát ra nước ngoài vào tuần trước. Bây giờ ông Karzai và ông Abdullah đang thương lượng với Taliban để lập một chính phủ chuyển tiếp “nhiều thành phần. Ảnh Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images.

Một tuần sau ngày lực lượng Taliban làm chủ được Afghanistan, phi trường Kabul vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn với hàng nghìn người Afghanistan cố gắng đào thoát ra khỏi nước, song các lãnh đạo Taliban đã bắt đầu củng cố quyền lực, tìm cách thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần và đánh bại những kẻ chống lại sự cai trị của họ.

Cựu Tổng thống Karzai tái xuất

Các lãnh đạo Taliban được biết đã liên lạc với cựu Tổng thống Afghanistan, ông Hamid Karzai và Đại sứ quán Nga trong nỗ lực thành lập chính phủ mới của Afghanistan.

Lịch sử phong trào Taliban và thời kỳ cầm quyền của họ 1996-2001 cho thấy phe Hồi giáo cực đoan này hầu như không bao giờ thỏa hiệp với những gì khác với giáo điều của họ và cũng không chia sẻ quyền lực với các phe nhóm khác ở Afghanistan. Nhưng Hoa Kỳ được biết đã cảnh báo nhóm chiến binh này rằng nếu họ thâu tóm quyền lực một mình thì sẽ dẫn đến xung đột và cô lập liên tục. Trong bối cảnh đó, ông Karzai, người lãnh đạo Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2014, dường như đã nổi lên thành một nhà hòa giải có triển vọng.

Ông Karzai, 63 tuổi là một chính trị gia khôn ngoan. Ông được người Mỹ đưa về nước làm tổng thống Afghanistan sau biến cố năm 2001 nhưng ông đã bất đồng với Hoa Kỳ trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, bị cáo buộc tham nhũng và các vấn đề khác. Hiện ông Karzai bước vào khoảng trống để lại sau khi Tổng thống Ashraf Ghani đào thoát ra nước ngoài cách đây một tuần. Ông Karzai được biết đã gặp các thủ lĩnh Taliban, bao gồm cả Khalil Haqqani, kẻ đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách khủng bố; ông Karzai cũng đang hợp tác chặt chẽ với Abdullah Abdullah, từng là ứng cử viên tổng thống Afghanistan trong cuộc bầu cử năm 2019 và là người đứng đầu phái đoàn đàm phán hòa bình của chính phủ Afghanistan trước đây.

Một thủ lĩnh Taliban được nói là quyền thống đốc Kabul, giáo sĩ Abdul Rahman Mansour, đã nói chuyện vào cuối tuần qua với ông Karzai và ông Abdullah. Những ngày gần đây, ngày càng nhiều quan chức cấp cao của Taliban đi đến Kabul để thảo luận về việc thành lập chính phủ tiếp theo, trong số đó có cả giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, nhà ngoại giao chính của Taliban và một quan chức cấp cao trong chính phủ của nhóm này vào những năm 1990.

Một cấp phó trong ủy ban các vấn đề văn hóa của Taliban, ông Ahmadullah Waseq, cho biết hôm qua Thứ Bảy rằng “chúng tôi sẽ nói chuyện với các bên khác để thành lập một chính phủ hòa hợp, được tất cả người Afghanistan chấp nhận”.

Đại sứ Nga Dmitri Zhirnov, nói với truyền hình Nga hôm Thứ Bảy rằng một phái đoàn các thủ lĩnh Taliban cũng đã đến thăm Đại sứ quán Nga ở Kabul, yêu cầu các quan chức ở đó chuyển lời đề nghị đàm phán tới một nhóm các nhà lãnh đạo Afghanistan đang cầm cự ở miền Bắc Afghanistan.

Chưa rõ Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận sự tái xuất hiện của ông Karzai như thế nào. Liệu người Afghanistan có tin vào sự “hòa dịu” đột ngột của Taliban mà sự áp bức phụ nữ và cai trị tàn bạo đã là dấu hiệu của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống của họ hay không?

Một tuần sau khi Taliban thống trị đất nước và chế độ Afghanistan dân chủ do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ, không có dấu hiệu nào cho thấy nội các sẽ sớm được thành lập.

Một chuyến bay chở 265 người ra khỏi Kabul được quân đội Anh thực hiện hôm qua 21 Tháng Tám. Quân đội Anh phối hợp với quân đội Mỹ và đồng minh NATO đang di tản công dân phương Tây và các cộng tác viên của họ ra khỏi Afghanistan sau khi đất nước này rơi vào tay Taliban Chủ Nhật trước. Ảnh Ben Shread/MoD Crown Copyright via Getty Images

Hỗn loạn vẫn bao trùm Kabul

Sự hỗn loạn vẫn bao trùm thủ đô Kabul – một thất bại mà Tổng thống Biden đang phải vật lộn để kiềm chế. Trong một cuộc họp báo buổi chiều Chủ Nhật 22 Tháng Tám tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã bảo vệ nỗ lực di tản đang bị chỉ trích rộng rãi. Ông nói: “Tổng cộng, chúng tôi đã đưa được khoảng 11,000 người ra khỏi Kabul trong vòng chưa đầy 36 giờ. Đó là một hoạt động đáng kinh ngạc.”

Tổng thống dường như gợi ý rằng lực lượng Hoa Kỳ bảo vệ sân bay Kabul đang mở rộng vòng vây an ninh, nói rằng quân đội đã thực hiện “những thay đổi chiến thuật” để tăng cường an ninh. Ông Biden cũng nói rằng thời hạn cuối cùng để rút tất cả lính Mỹ vào ngày 31 Tháng Tám có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Ông Biden nói rằng ông không biết liệu Taliban có thể được tin tưởng để thành lập một chính phủ “bao trùm” và cai trị với sự ôn hòa hơn so với lần đầu tiên họ cầm quyền hay không. Tuy nhiên, ông nói rằng họ đã “gần như cho phép người Mỹ tiếp cận sân bay và rằng nếu họ muốn quản lý Afghanistan một cách hiệu quả, họ sẽ cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Ông nói: “Taliban phải đưa ra một quyết định căn bản. Có phải Taliban sẽ cố gắng để đoàn kết và cung cấp hạnh phúc cho người dân Afghanistan, điều mà chưa một nhóm nào làm được trong hàng trăm năm qua? Và nếu họ làm, họ sẽ cần mọi thứ, từ sự trợ giúp bổ sung về hỗ trợ kinh tế, thương mại và nhiều thứ khác ”

Ông Biden thề sẽ đưa mọi người Mỹ ra khỏi Afghanistan, mặc dù bao nhiêu người thì chưa rõ.

“Chúng tôi không thể cung cấp một con số chính xác,” ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, cho biết trên “State of the Union” của CNN vào hôm Chủ Nhật. Trong một cuộc phỏng vấn khác, trên “Meet the Press” của NBC, ông Sullivan ước tính rằng “khoảng vài nghìn” người Mỹ đang cố gắng rời khỏi Afghanistan.

Ngoài các công dân Mỹ, tổng thống đã tuyên bố sẽ nỗ lực gấp đôi để cứu những người Afghanistan từng làm việc với Hoa Kỳ và có khả năng trở thành mục tiêu của Taliban.

Bộ Quốc phòng Anh, lực lượng đóng quân tại phi trường Kabul, hôm Chủ Nhật cho biết bảy thường dân Afghanistan bị giẫm đạp chết trong đám đông, trong số đó có một bé gái hai tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nhà báo Jane Ferguson của PBS NewsHour, một trong số ít phóng viên phương Tây vẫn còn ở Kabul, cho biết: “Quang cảnh giống như ngày tận thế. Mọi người đang ngất xỉu và sắp chết. Trẻ em đang mất tích.”

Mỗi cái chết tại phi trường Kabul, mỗi đứa trẻ mang ba lô gấu bông bị chia cắt khỏi cha mẹ, mỗi người ủng hộ Afghanistan cho Hoa Kỳ bị thương… làm nổi bật ấn tượng về một cuộc rút quân không có kế hoạch của Hoa Kỳ, quá vội vàng và dựa trên một sự đánh giá sai lầm tai hại năng lực của lực lượng quân đội chính phủ do Mỹ và NATO đào tạo. Quân đội đó chỉ đơn giản là biến mất.

Cảnh bạo lực tại sân bay đã trở nên phổ biến một cách đáng buồn, do nỗi tuyệt vọng của người dân Afghanistan trước tình trạng khan hiếm các chuyến bay, và sự bối rối của người Mỹ về cách đối phó với nhu cầu bảo vệ và tị nạn quá lớn.

Trong một nỗ lực đẩy nhanh tốc độ di tản, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã ra lệnh cho sáu hãng hàng không thương mại cung cấp máy bay phản lực chở khách để hỗ trợ hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ, di tản người Mỹ và đồng minh Afghanistan khỏi Kabul, Ngũ Giác Đài cho biết hôm Chủ Nhật. 

Ông Austin đã kích hoạt Giai đoạn 1 của chương trình Hạm đội Không quân Dự bị Dân sự (Civil Reserve Air Fleet), được thành lập năm 1952 sau cuộc không vận Berlin, để huy động phi cơ hỗ trợ đưa hành khách từ Afghanistan đến các căn cứ ở Trung Đông, ông John F. Kirby, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết. Giai đoạn 1 của chương trình sẽ có 18 phi cơ dân dụng: Bốn phi cơ của United Airlines; ba phi cơ mỗi hãng hàng không: American Airlines, Atlas Air, Delta Air Lines và Omni Air; và hai phi cơ của Hawaiian Airlines. Phi cơ dân sự sẽ không bay vào hoặc ra khỏi phi trường Kabul, nơi tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng đã cản trở các chuyến bay di tản.

“Một giấc mơ kỳ lạ”

Tại phi trường Kabul, sự hiện diện của các chiến binh Taliban ngoài vành đai an toàn, hòa với lực lượng Anh và các lực lượng phương Tây khác đã tạo ra một hình ảnh “giống như một giấc mơ rất kỳ lạ”, theo lời nhà báo Ferguson. Nó nhấn mạnh rằng Afghanistan đã bị mất trong một khoảnh khắc, không một phát súng được bắn ra, Taliban tiến vào Kabul và lá cờ trắng của Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan được treo lên. Thế là chấm dứt nỗ lực 20 năm can thiệp quân sự của Hoa Kỳ và phương Tây.

Tuy nhiên, sự phản kháng vẫn còn ở các nhà lãnh đạo Afghanistan, những người đã ẩn náu ở Thung lũng Panjshir, một hẻm núi hiểm trở nơi các chiến binh Afghanistan chiến đấu chống Taliban trong nhiều năm nội chiến ở Afghanistan vào những năm 1990. Các cựu quan chức Afghanistan cho biết số chiến binh tập trung ở thung lũng Panjshir là từ 2,000 đến 2,500 người, nhưng họ bị cô lập và thiếu hỗ trợ hậu cần.

Một cựu phó tổng thống thứ nhất, ông Amrullah Saleh, hiện lãnh đạo nhóm chiến binh Afghanistan ở Thung lũng Panjshir, tuyên bố là “tổng thống tạm quyền” theo Hiến pháp Afghanistan năm 2004 vì Tổng thống Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước. Những chiến binh ở Panjshir cho biết họ có ý định chống lại việc Taliban chiếm đóng thung lũng trừ khi Taliban đồng ý lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần.

Việc Taliban yêu cầu Nga làm trung gian đàm phán với các bên kháng chiến dường như nhấn mạnh vị trí chiến lược đang suy yếu của Mỹ ở Afghanistan. Trong năm nay, Taliban đã tăng cường quan hệ với Điện Kremlin và coi Nga là cường quốc hàng đầu ở Trung Á.

Kể từ khi bị lật đổ vào năm 2001, Taliban đã có kinh nghiệm ngoại giao và nhận ra sự cô lập quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế như thế nào trong thời kỳ cai trị trước đây của họ từ năm 1996 đến năm 2001. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để lập một chính phủ nhiều thành phần đều sẽ vấp phải sự phản đối của những phần tử cứng rắn ngay trong nội bộ Taliban mà ông Karzai sẽ khó lòng thuyết phục được.

Có thể ông Karzai ít bị Taliban ghét hơn so với người kế nhiệm ông, ông Ghani, nhưng ông ta vẫn bị Taliban nghi ngờ sâu sắc. Cho đến nay, dường như không có lý do gì để tin rằng ông Karzai đạt được tiến bộ trong việc theo đuổi một tiến trình chuyển đổi hòa bình được đa số người Afghanistan chấp nhận.

(theo The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: