Khi Bộ Tứ bắt đầu chơi cờ vây

Trung Quốc đang báo động trước bước phát triển ngoạn mục của Quad…
Bộ tứ nguyên thủ: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – Tokyo ngày 24 Tháng Năm 2022 (ảnh: Zhang Xiaoyou – Pool/Getty Images)

Bộ Tứ ngày càng mạnh

Cuối năm 2017, khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ quyết định sẽ làm sống lại cuộc đối thoại không chính thức của họ sau một thập niên gián đoạn, Trung Quốc tự tin “cuộc tái hợp” sẽ sớm thất bại. Đầu năm 2018, vài tháng sau khi nhóm triệu tập cuộc họp cấp cao đầu tiên tại thủ đô Manila của Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mỉa mai về Đối thoại An ninh Tứ giác (Quadrilateral Security Dialogue) hay gọi tắt là “Bộ tứ” (Quad): “Có vẻ như không bao giờ họ thiếu các ý tưởng để gây sự chú ý!”. Vương kết luận: “Cũng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chúng có thể gây chú ý, nhưng sẽ nhanh chóng tan biến!”.

Hơn bốn năm sau, Quad không hề có dấu hiệu tan rã, mà vẫn phát triển rất tốt, cả động lượng, uy thế và ảnh hưởng. Được tập hợp xung quanh khẩu hiệu “Vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, bốn nước đã tổ chức hai cuộc tập trận hải quân kể từ 2020 và các lãnh đạo đã hợp ba lần kể từ năm ngoái, kể cả hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt tại Toà Bạch Ốc. Ngày 24 Tháng Năm 2022 bốn lãnh đạo lại gặp mặt đối mặt tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản và được xem là điểm nhấn trong chuyến công du đầu tiên của Joe Biden tới châu Á trên cương vị Tổng thống để tăng cường liên minh và quan hệ đối tác để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Cuộc gặp cũng chứng kiến ​​sự khinh thường ban đầu của Trung Quốc đã trở thành cảnh báo khi Bắc Kinh tố cáo Quad là “một phần trong nỗ lực của Washington nhằm bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh chiến lược và quân sự”. Lo ngại của Trung Quốc tăng lên kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine khi sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moscow chỉ làm tổn hại thêm hình ảnh toàn cầu và khiến Trung Quốc bị cô lập hơn trên thế giới. Trong khi Biden đi khắp thế giới củng cố các mối quan hệ, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình không rời Trung Quốc trong 25 tháng qua. Sự bùng nổ ngoại giao mới nhất của Biden, với các điểm dừng Hàn Quốc và Nhật Bản, khiến Bắc Kinh đặc biệt khó chịu.

Quan hệ Mỹ-Nhật tiếp tục được thắt chặt trước sự dòm ngó bực tức của Bắc Kinh (ảnh: David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images)

Mô hình hợp tác đa dạng

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhấn mạnh Quad không phải là “NATO châu Á” và Quad cũng không có ý định trở thành một khối. Thay vào đó, tính linh hoạt của Quad như một diễn đàn không chính thức cho phép nhóm xây dựng nhiều quan hệ đối tác hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, gồm cả “Bộ khung hợp tác Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Frameword) mà Biden dự kiến ​​khởi động ở Tokyo. Các chuyên gia cho rằng bộ khung này sẽ tạo động lực cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước trong nhóm, chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng và phục hồi chuỗi cung ứng. Bà Kristi Govella, Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức nhận định: “Quad đang cố gắng nhấn mạnh một chương trình nghị sự tích cực để cung cấp nhiều hơn những gì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần chứ không phải trở thành một thực thể chống Trung Quốc như NATO”.

Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong, khẳng định: “Quad không phải là một liên minh chính thức như NATO. Đó không phải NATO của châu Á. Cấu trúc an ninh của khu vực là một tập hợp các liên minh song phương do Mỹ lập ra sau Thế chiến thứ hai, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines. Vì vậy, nó không giống NATO ở Đông Á”. Việc Trung Quốc xem thường Quad trước đây dựa trên một tiền lệ. Năm 2007, khi Quad được đề xuất bởi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Shinzo Abe, nó chỉ tồn tại chưa đầy một năm do sự khác biệt về lợi ích và áp lực từ Bắc Kinh. Nhóm sụp đổ vào Tháng Một, 2008, sau khi Úc tuyên bố rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các tính toán địa chính trị và chiến lược trong khu vực đã thay đổi mạnh mẽ trong thập niên qua.

Quad – tá lực đả lực

Dưới thời Tập, Trung Quốc đã từ bỏ câu khẩu hiệu tồn tại hàng thập niên của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời”. Thay vào đó, ban lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại hung hăng hơn, sẵn sàng sử dụng cơ bắp kinh tế và sức mạnh quân sự để răn đe! Một năm sau khi ông Tập nhậm chức, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên khắp vùng Biển Đông tranh chấp và khoe cơ bắp với Nhật Bản; điều các tàu tuần duyên của Trung Quốc vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và đưa máy bay chiến đấu vào các vùng trời khu vực.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Trung Quốc áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại chống Úc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19. Dọc theo biên giới Himalaya đang tranh chấp với Ấn Độ, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ bị lôi vào cuộc xung đột đẫm máu nhất trong bốn thập niên qua. Căng thẳng đã đẩy các quốc gia này tiến gần hơn đến quỹ đạo của Washington dưới thời Biden và sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của họ.

“Động lực lớn nhất cho sự hồi sinh của Quad là sự quyết đoán và hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc – Yuki Tatsumi, đồng Giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, nhận xét – Cách hành xử vô phép của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông, Biển Hoa Nam mà còn ở Ấn Độ Dương, suốt dọc khu vực đảo Thái Bình Dương đã giúp các nước Quad có nhận thức về Trung Quốc giống nhau hơn”. Khi Bắc Kinh ngày càng xa cách Mỹ và các đồng minh phương Tây, nó càng xích lại gần Moscow, nhưng quan hệ đối tác “không có giới hạn” đã làm khó cho Trung Quốc nhiều hơn sau khi Nga xâm lược vô cớ Ukraine, gây phẫn nộ toàn cầu.

“Sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moscow đã tái khẳng định hình ảnh Trung Quốc là kẻ phá bỏ trật tự quốc tế mà các nước trong khu vực đều được hưởng lợi” – Tatsumi nói. Dù Quad chưa bao giờ đề cập công khai đến Trung Quốc nhưng Tháng Chín năm ngoái, tại Washington, nhóm đã cam kết “thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên quy tắc, luật pháp quốc tế và không bị ép buộc”, một ám chỉ hành vi hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Đáp lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhiều lần chỉ trích Quad “phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực”. Tháng Ba qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) nói: “Việc xây dựng các vòng tròn hoặc nhóm nhỏ khép kín và độc quyền cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía Đông của NATO ở châu Âu. Nếu động thái này tiếp tục, không bị kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương vào vực thẳm!”.

Một cuộc tập trận của Thủy quân lục chiến Mỹ với Lực lượng Phòng vệ Nhật tại trại Soumagahara, Gunma, Nhật (ảnh: Richard Atrero de Guzman/Anadolu Agency/Getty Images)

Thay đổi để tồn tại

Các chuyên gia cho rằng phản ứng nhanh chóng và phối hợp của NATO đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể khiến Bắc Kinh cảnh giác. Trung Quốc xem nền dân chủ tự quản của Đài Loan là ly khai và không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ở mức cao nhất trong những thập niên gần đây, khi quân đội Trung Quốc gửi số máy bay chiến đấu kỷ lục áp sát hòn đảo, một sự phô trương sức mạnh quá mức. Trong cuộc họp vào Tháng Ba để nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, Quad ra tuyên bố “Không cho phép dùng vũ lực thay đổi đơn phương hiện trạng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Không như Nhật Bản và Úc, Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ vì theo truyền thống Ấn theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết kể từ ngày độc lập. Trong những năm gần đây, Quad đã chuyển hướng từ tập trung vào các vấn đề an ninh đến bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác hơn, nhằm cố gắng giải quyết tốt hơn các nhu cầu của khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào Tháng Ba năm ngoái, các lãnh đạo Quad cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Á vào cuối năm 2022. Quad cũng thành lập các nhóm làm việc về biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và phục hồi chuỗi cung ứng.

Dưới mắt Bắc Kinh, những nỗ lực này là một thách thức trực tiếp. Trước mắt, Quad sẽ cần phải chứng minh sẽ thực hiện những lời hứa. Những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực, chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã gặp khó khăn và Mỹ cần thuyết phục các đồng minh và đối tác tiềm năng rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết với khu vực sau nhiệm kỳ của Biden.

Susannah Patton, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định: “Quad đã vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà quan sát và trở thành phương tiện để các thành viên trình bày một tầm nhìn khác về khu vực và cảnh báo với Bắc Kinh là họ không phải muốn làm gì thì làm! Trong tương lai, sự phát triển của Quad phần lớn sẽ phụ thuộc vào hành vi của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá hoại các chuẩn mực an ninh, hợp tác khu vực và ép buộc các nước khác, Quad sẽ mạnh hơn nữa”.

__________

Biden: chiến tranh Ukraine là vấn đề toàn cầu

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: