Không đội trời chung

Ông Venezuela Nicolas Maduro ăn mừng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28 Tháng Bảy 2024 tại Caracas, Venezuela. Người dân Venezuela đi bỏ phiếu trong bối cảnh cuộc bầu cử gây tranh cãi. Với 80% số phiếu được kiểm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) công bố Nicolás Maduro là người chiến thắng với 51,2%. Nhiệm kỳ thứ ba của Maduro sẽ đưa ông tại vị đến năm 2031. (Hình: Alfredo Lasry R/Getty Images)

1.Nicolas Maduro đã thách thức Elon Musk đấu võ. Và nhà tỷ phú Mỹ nhận lời. Theo Forbes.

Sự thách đấu của Maduro đến từ cáo buộc của Musk rằng việc Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela là do gian lận, và kêu gọi Maduro nhận thua.

Ngược lại, Maduro cáo buộc Musk đứng sau vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đơn vị đã tuyên bố Maduro thắng cử.

Sau khi chấp nhận lời khiêu chiến của Maduro, Musk tự tin Maduro sẽ bị mình đánh bại và hứa rằng nếu Maduro thắng thì ông ta sẽ được Musk cho tham quan Sao Hỏa miễn phí.

Thiết nghĩ, cả trong trường hợp Maduro là người bại trận thì Musk vẫn nên cho ông ta được thăm miến phí Sao Hỏa. Có điều là sẽ không đưa ông ta về Trái Đất!

2.Sau khi thủ lĩnh của Hamas là Ismail Haniyeh bị giết, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông là con đường dẫn tới hòa bình trong khu vực.

Hẳn ý Medvedev là Trung Đông muốn có hòa bình thì phải có chiến tranh. Dường như ông ấy có lý, xét tình hình căng như dây đàn lúc này trong khu vực vốn bao lâu nay bị xem như lò thuốc súng, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Mười phần chết bảy còn ba mới ra thái bình. Khi nói như thế, hẳn Medvedev có ý hô hào Iran và các thế lực có thù hận với Israel hãy sống mái một phen với Israel. Hai bên cứ việc đánh nhau tưng bừng khói lửa, máu đổ thịt rơi  còn Nga đứng ngoài vỗ tay.

Nhưng Iran , Hezbollah, Hamas… liệu sẽ làm gì được Israel? Nếu họ có thể tiêu diệt được Israel thì đã làm chuyện đó từ lâu rồi, chứ không để tới giờ này. Một điều nữa, nếu Israel gặp khó thì đã có Mỹ hỗ trợ. Còn Iran thì trông mong gì ở một nước Nga đang sa lầy ở Ukraine, thậm chí còn cần sự hỗ trợ của chính Iran?

Theo Washington Post, ngay sau cái chết Ismail Haniyeh, Mỹ đã tập hợp 12 tàu chiến tại Vịnh Ba Tư, trong đó có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Khi hô hào chiến tranh ở Trung Đông, hẳn Medvedev muốn Mỹ phải bận tâm ở khu vực này mà lơi đi sự hỗ trợ cho Ukraine.

Iran xem Israel là cái gai trong mắt, cần phải nhổ. Nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Dẫu căm thù thế nào đi nữa, chắc gì Iran có thể nhổ được cái gai Israel, mà có khi còn bị gai đâm cho tóe máu!

3.Iran cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn Israel để trả thù cho cái chết của Ismail Haniyeh.

Iran treo lá cờ đỏ trên mái vòm của nhà thờ Hồi giáo Jamkaran, tượng trưng cho sự kêu gọi trả thù. Đây không phải là lần đầu tiên lá cờ đỏ được nhìn thấy trên mái vòm nhà thờ này. Trước đây, lá cờ này từng được nhìn thấy sau khi tướng Soleimani bị ám sát.

Thế nhưng, dù đằng đằng sát khí, Iran gần như đã chẳng làm gì để gọi là báo thù đích đáng cho vị tướng này. Đơn giản là vì Iran không đủ sức để làm chuyện đó.

Lần này có lẽ cũng không mấy khác. Giận thì cứ hùng hùng hổ hổ cho có, chứ Iran hoàn toàn không có khả năng đánh tay đôi với kẻ thù không đội trời chung Israel. Đau đớn, căm giận thì cứ để trong bụng, theo thời gian rồi cũng tiêu dần. Lửa hận bừng bừng rồi cũng có lúc nguội tàn. Chắc chắn khi giết Haniyeh thì Israel đã chuẩn bị tất cả cho chiến tranh với Iran.

Thực lực của Iran thế nào, hẳn Israel biết rõ. Lãnh tụ tối cao Iran là Ayatollah Ali Khamenei khóc bên quan tài của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Nếu Iran quyết tử chiến phen này với Israel để trả thù cho đồng chí Ismail Haniyeh, rất có thể ông ta sẽ còn phải khóc nhiều nữa.

Nhà lãnh đạo chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Tehran sau khi tham dự lễ nhậm chức tổng thống mới của Iran. (Hình: Majid Saeedi/Getty Images)

Không đội trời chung thì phải cố mà đội trời chung. Lá cờ đỏ kéo lên thì dễ mà kéo xuống thì cũng dễ!

4.Theo New York Times, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh bị giết vì bom cài sẵn  trong nhà khách Neshat ở Tehran. Kẻ chủ mưu có thể đã lợi dụng lỗ hổng an ninh để cài bom chính xác vào căn phòng của ông Haniyeh trong nhà khách này. Ông Haniyeh tới Tehran để dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Masoud Pezeshkian và lưu trú tại đây. Bom được kích nổ từ xa.

Cũng theo NYT, Iran bắt giữ hơn 20 người liên quan tới vụ ám sát này, bao gồm sĩ quan tình báo cấp cao, quan chức quân sự và nhân viên tại nhà khách trên vốn do quân đội điều hành. Có thể chính quyền Iran nghi ngờ những người này đã bị Mossad mua chuộc, hoặc “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Trong khi đó, hãng tin Fars của Iran lại khẳng định Haniyeh thiệt mạng vì một “vật thể phóng,” chứ không do bom cài sẵn. Cụ thể là, theo Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, Israel giết Haniyeh bằng đạn tầm ngắn. Hành động khủng bố này được thực hiện bằng cách bắn một quả đạn tầm ngắn có đầu đạn nặng khoảng 7kg từ bên ngoài nơi ở.

Nếu NYT đúng hoặc Fars đúng thì xem như giả thuyết tên lửa tấn công bị bác bỏ. Đành rằng Ismail Haniyeh đã chết banh xác, và rằng chết nào cũng là chết. Nhưng nhà cầm quyền Iran hẳn sẽ nhẹ nhõm vô cùng nếu như nhà lãnh đạo Hamas chết vì bom hoặc đạn tầm ngắn. Bởi lẽ nếu Haniyeh chết vì tên lửa thì thật đáng lo ngại cho hệ thống phòng không của Iran vì đã không đánh chặn được tên lửa của Israel. Bao lâu nay Iran luôn tự hào về hệ thống phòng không của mình, tin rằng con ruồi cũng khó lọt qua.

Trong trường hợp Haniyeh chết vì bom cài sẵn hoặc vì đạn tầm ngắn chứ không phải vì tên lửa, thì xin nhiệt liệt chia vui cùng nhà cầm quyền Iran!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: