Đến hôm nay 12-03, Nam Hàn có gần 8.000 ca nhiễm coronavirus, đứng ở vị trí thứ tư những quốc gia có người nhiễm cao nhất trên thế giới, tuy nhiên chỉ có 66 người chết, sau Trung Quốc (3.169), Ý (827), Iran (354). Trong cơn đại dịch toàn cầu này, họ đã làm như thế nào để khống chế số tử vong và hạn chế được mức lây nhiễm?
Nhớ lại thời gian đầu của nạn dịch coronavirus khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Vào ngày 9-1 ở Vũ Hán có ca tử vong đầu tiên, và chỉ 28 ngày sau, số người chết lên đến 100, và 8.000 người khác bị nhiễm coronavirus. Trong khi đó, coronavirus chỉ mới xuất hiện ở Nam Hàn trong một tháng qua, số người nhiễm cũng xấp xỉ 8.000 (60% số ca bị nhiễm liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) thường bị coi là tà giáo), nhưng chỉ có 66 ca tử vong (tính đến ngày 12-03), theo Worldometers.info. Theo một bài báo mới đây, chính phủ Nam Hàn đã cho thế giới thấy rằng có thể làm chậm sự lây lan của coronavirus mà không cần dùng đến biện pháp ‘nặng nề’ như ở Trung Quốc, Ý và các nơi khác.

Tiếp cận và xử lý nhẹ nhàng
Trong số hơn 60 ca tử vong, chủ yếu là người già và có sẵn bệnh tật trong người và có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa. Tuy vậy, chính phủ nước này cũng rất e dè trong những tuyên bố về sự sụt giảm và sau đó là chựng lại con số lây nhiễm. Lý do họ vẫn còn phải đối đầu với sự lây nhiễm khủng khiếp của coronavirus trong ‘ổ dịch’ ở khu vực Nam Seoul – nơi đang bị phong tỏa, và ‘mối đe dọa’ khác, lớn nữa là phải “tiếp nhận 30.000 sinh viên chuẩn bị trở về từ Trung Quốc, nơi xuất phát điểm của coronavirus.” Theo lời Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cảnh báo hôm thứ Năm – VOA trích dẫn.
Tuy vậy, trong cơn khủng hoảng, cách tiếp cận và xử lý nạn dịch của chính phủ Nam Hàn khá bình tĩnh và nhẹ nhàng.
James, một cư dân ở Seoul nói với SGN: “Kinh khủng thật đấy, nhưng chúng tôi không quá hoảng loạn như ở Vũ Hán vì mỗi ngày tôi đều được nhận nguồn thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh để có thể tự phòng ngừa.”
Họ, tất cả người dân Nam Hàn có sử dụng smartphone, mỗi sáng thức dậy đều nhận được tin nhắn văn bản (gửi riêng cho từng người) về số liệu mới nhất các trường hợp nhiễm coronavirus. Họ cũng có thể nhấp vào liên kết cung cấp thông tin chi tiết về nơi bệnh nhân bị nhiễm bệnh đã đi du lịch.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn đã mở một đường dây nóng về coronavirus, các cuộc họp báo được truyền hình hàng ngày và đưa ra lời khuyên vệ sinh cá nhân trên nhiều tuyến xe buýt và trong các ga tàu điện ngầm ở Seoul.
“Khi đi trên phương tiện giao thông công cộng, xin vui lòng đeo khẩu trang, hãy tạo thói quen rửa tay thường xuyên, khi bạn ho hãy chặn miệng và mũi.” Những bảng thông báo bằng tiếng Anh như vậy xuất hiện ở nhiều nơi công cộng.
Để hạn chế sự lây lan diện rộng, một ứng dụng cho smartphone có tên là Corona 100m đã ra đời để cảnh báo người dùng khi họ bước vào vùng có lịch sử người bệnh đi qua. Các thông tin như số người nhiễm bệnh, thời gian phát hiện, chặng đường di chuyển,… sẽ được chính phủ cung cấp. Ứng dụng nhanh chóng nhận được con số tải xuống khổng lồ và nằm trong top của ứng dụng Google Play. Theo ghi nhận, mỗi giờ lượng tải xuống tăng 20.000 lượt trong những ngày qua, và đã đạt hơn 1 triệu lượt sau chưa đầy ba tuần ra mắt.

Nam Hàn không phải là quốc gia duy nhất tận dụng smartphone trong cuộc chiến chống lại Corona, một công ty y tế của Nhật Bản cũng đã có một ứng dụng tương tự và cho tải xuống miễn phí trong một thời gian nhất định. Ứng dụng cho phép người dùng liên hệ trực tiếp với các bác sĩ để tư vấn về các triệu chứng gặp phải, tránh quá tải cho các cơ sở y tế.
Masahiro Kami, Viện nghiên cứu chính sách y tế ở Tokyo, Nhật Bản cho rằng: “Xét nghiệm là biện pháp quan trọng ban đầu để kiểm soát virus. Đó là mô hình tốt cho tất cả các quốc gia học tập theo.”
Marylouise McLaws, thuộc Đại học Nouvelle-Galles của Hàn Quốc, nhận định: “Nam Hàn đã hành động đúng đắn. Đối với các chính phủ, rất khó khăn khi phải quyết định dùng các biện pháp nghiêm khắc như vậy, thế nên họ thường ra tay quá trễ.”
Không chỉ được cung cấp thông tin đầy đủ mà người Nam Hàn cảm thấy ít lo lắng, mà vì phần lớn là do hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia này rất hiệu quả với giá cả phải chăng. Nam Hàn là một trong những nơi có hệ thống xét nghiệm coronavirus mạnh nhất thế giới. Tính đến nay, nước này đã xét nghiệm được cho hơn 222.000 người, với tốc độ mỗi ngày xét nghiệm cho 15.000 người. Nhiều người được làm xét nghiệm ngay trên xe của họ mà không cần phải bước xuống. Những người trong ngành y nếu có nghi ngờ nhiễm coronavirus, sẽ được xét nghiệm miễn phí.

Việc đi xét nghiệm cũng rất thuận tiện. Có khoảng 50 phòng khám xét nghiệm coronavirus được thiết lập trên toàn quốc. Kết quả xét nghiệm có trong vòng 24 tiếng. Lúc đầu, nhiều người cứ nghĩ Nam Hàn sẽ ‘toang’ vì coronavirus, nhưng bằng biện pháp kiểm soát tích cực như vậy, cuối cùng đã giúp chính quyền phân bổ nguồn lực cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất và điều trị sớm cho những người nhiễm bệnh.
Trường học đóng cửa, phụ huynh vẫn an tâm
Một biện pháp khác nhằm hạn chế và đầy lùi lân lan dịch bệnh mà chính phủ Nam Hàn đang thực hiện, là cung cấp ‘dịch vụ chăm sóc trẻ em khẩn cấp’ trong bối cảnh đóng cửa trường học. Dịch vụ này giúp các bậc cha mẹ đối phó với ‘thách thức kép’ về việc con em của mình phải ở nhà vì trường học đóng cửa và các chính sách cho người work-at-home (làm việc tại nhà), khi cả nước đang ‘chiến đấu’ để chống lại dịch bệnh coronavirus.
Chính phủ sẽ bồi thường cho các chủ doanh nghiệp tối đa khoảng 5.000 USD/nhân viên/năm tùy theo số giờ làm việc linh hoạt hàng tuần. Trường hợp có một nhân viên bị ốm, bị tai nạn hoặc hoặc gặp khó khăn vì phải chăm sóc trẻ em bị bệnh, họ có thể được nghỉ làm việc không lương tới 10 ngày.
Kể từ ngày 04-03, để hạn chế di chuyển và tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch bệnh, chính phủ Nam Hàn đã khuyến khích mọi người ở nhà, các văn phòng công ty, địa điểm công cộng có nguy cơ nhiễm bệnh bị đóng cửa và các sự kiện có đông người đều bị hủy bỏ. Trường học lẽ ra phải bắt đầu học kỳ mới vào ngày 02-03, nay đều bị hoãn lại cho đến ngày 22-03.
Đối với những phụ huynh vẫn phải đi làm, Bộ Giáo dục đã ra lệnh cho tất cả 9.762 trường mẫu giáo và trường tiểu học điều hành một dịch vụ “chăm sóc trẻ em khẩn cấp” cùng với giáo viên lo cho các em. Mỗi lớp chỉ có tối đa 10 em. Hôm thứ Hai, 5% học sinh mẫu giáo và gần 1% học sinh tiểu học đã được đến lớp, theo Bộ Giáo dục.

Nói với ABCNews, Cho Heeyoon, một bà mẹ có hai con làm việc trong một ngân hàng, cho biết cô rất hài lòng với dịch vụ này: “Vợ chồng tôi đều đi làm mà không biết gửi con cho ai khi chúng phải ở nhà. Tôi cũng không muốn đưa hai cháu đến nơi đông người. May mắn thay, dịch vụ này không được có quá nhiều trẻ.”
Các trung tâm giữ trẻ ban ngày cũng phải có dịch vụ chăm sóc trẻ khẩn cấp. Trung tâm y tế nhà nước cung cấp dịch vụ vệ sinh và khử trùng hai đến ba lần một tuần. Kwon Hyokyung, điều hành Trung tâm chăm sóc ban ngày Bomsaem Castle ở Seongnam, phía Nam Seoul, nói với ABC News. Kwon cho biết, họ tổ chức đo nhiệt độ hai lần một ngày, cho trẻ rửa tay thường xuyên và làm vệ sinh sách giáo khoa cũng như đồ chơi cho bé hàng ngày.
Đối với các cơ sở không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc ban ngày đầy đủ, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình có kế hoạch mở rộng chương trình gửi người chăm sóc trẻ đến từng hộ gia đình. Bất cứ ai bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát COVID-19 hiện tại đều có thể ghi danh dịch vụ trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, các ngày trong tuần, khi mà trường học phải đóng cửa.
Học tập Nam Hàn?
Tại Hoa Kỳ, các quan chức dường như không được chuẩn bị để đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC đã phải đối mặt với những chỉ trích vì đã phát hành một bộ chẩn đoán thiếu sót hồi tháng Hai. Và các hệ thống thử nghiệm mới khác không thể có sẵn trên thị trường, cho đến khi nhà sản xuất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận – một quá trình có thể mất nhiều tháng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ mới cam kết 1 triệu bộ dụng cụ thử nghiệm vào cuối tuần này.

Liệu Hoa Kỳ có khả năng đáp ứng nhanh với coronavirus theo những cách của Nam Hàn hay không? Hai quốc gia, hai hệ thống chăm sóc sức khỏe khác nhau.
Kim Areum, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và là giám đốc của Trung tâm chăm sóc sức khỏe quốc tế tại Incheon, Nam Hàn Quốc nói với Quartz: “Hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia ở Nam Hàn rất tốt; người dân có thể đến bệnh viện bất cứ lúc nào mà không phải đắn đo việc có được trả bảo hiểm hay không.”
Bác sĩ Kim Areum cũng gợi ý rằng, người Mỹ nên cân nhắc việc đeo khẩu trang khi bị bệnh, như nhiều người Hàn Quốc vẫn làm. Điều này làm giảm khả năng người nhiễm bệnh có thể truyền bệnh qua miệng hoặc mũi, đặc biệt là ở những nơi đông người. “Làm như vậy (đeo khẩu trang ra nơi công cộng) chứng tỏ rằng bạn có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho người khác, cho cộng đồng và cho chính bản thân bạn.”, Kim nói.
Về tình trạng nâng giá, đầu cơ tích trữ những mặt hàng thiết yếu, cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn đang có nhiều biện pháp cứng rắn và chính phủ trung ương đang đẩy mạnh nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn cung cấp và giữ ổn định giá cả.

Ý thức tự giác của người dân Nam Hàn rất cao. Gwan Sun-goo, chuyên gia phục hồi chức năng tại Youngnak Aenea, một cơ sở chăm sóc toàn thời gian ở Seoul, nơi có 30 người bị bệnh nặng, suy giảm nhận thức.
Qua một cánh cửa kính hé mở, Gwan nói với PRI: “Dịch bệnh này nguy hiểm và rất dễ lây lan ở đây, vì tất cả mọi người đang sống gần nhau; không ai trong số các bệnh nhân ở đây có thể tự đi lại được, và nhiều người mắc bệnh lao. Và để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus cho cư dân xung quanh, các nhân viên ở đây đã quyết định không rời khỏi trung tâm cho đến khi dịch bệnh kết thúc.”
“Đất nước đã bước vào một cuộc chiến chống lại căn bệnh truyền nhiễm,” Tổng thống Moon Jae-in nói trong một cuộc họp nội các, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin. Nhà lãnh đạo này đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ hoạt động suốt ngày đêm và cam kết 25 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Liệu cách xử lý của chính phủ Nam Hàn sẽ là một mô hình cho phần còn lại của thế giới trong cơn đại dịch toàn cầu này? Chưa thể nói được điều gì, khi mà xứ sở kim chi vẫn đứng ở vị trí top ten trong bảng xếp hạng các quốc gia có số người nhiễm coronavirus nhiều nhất, nhưng ít ra, họ cũng đã khống chế được phần nào để dịch bệnh không phát tán nhanh. Và quan trọng hơn cả, họ đã giữ gìn được mạng sống cho người dân, để số tử vong không làm ‘gây sốt’ thêm trong trận chiến chống lại con virus gây chết người này.
ĐOAN TRANG (Theo ABCNews, Quartz, VOA, PRI)
