Kremlin chi bao nhiêu tiền để thao túng hậu trường chính trị các nước?

Tổng thống Nga V. Putin tiếp Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) tuần trước. Cả Nga và Trung Quốc đều dùng tiền và các phương tiện khác để can thiệp vào các cuộc bầu cử, sắp xếp nhân sự và các sự kiện chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh Xinhua via Getty Images.

Từ năm 2014 Nga đã bí mật tuồn ít nhất $300 triệu cho các đảng chính trị và ứng cử viên ở hơn hai chục quốc gia trong nỗ lực định hình các sự kiện chính trị ở ngoài biên giới nước Nga, theo một báo cáo mới của tình báo Mỹ được báo The Washington Post tường thuật.

Bản báo cáo mà chính phủ Biden đặt làm trong mùa hè cho biết Moscow đã lên kế hoạch chi thêm hàng trăm triệu đô la nữa cho các chiến dịch bí mật làm suy yếu các hệ thống dân chủ và thúc đẩy các lực lượng chính trị được coi là phù hợp với lợi ích của Kremlin.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng đã quyết định giải mật một số phát hiện của báo cáo nhằm chống lại khả năng của Nga trong việc làm lung lay các hệ thống chính trị ở các nước châu Âu, châu Phi và các nơi khác.

“Bằng cách phơi bày nguồn tài chính chính trị bí mật và những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại các tiến trình dân chủ, chúng tôi đang buộc các đảng chính trị và ứng cử viên ở các nước phải chú ý rằng, nếu họ bí mật nhận tiền của Nga, chúng tôi vẫn có thể biết và chúng tôi sẽ vạch trần hành động đó,” quan chức này nói.

Các quốc gia có các hoạt động bí mật của Nga đã được xác định gồm Albania, Montenegro, Madagascar và có thể là Ecuador. Báo cáo cũng nói đến một quốc gia châu Á mà họ giấu tên, nơi đại sứ Nga đã trao hàng triệu đô la tiền mặt cho một ứng cử viên tổng thống. 

Báo cáo nói rằng các lực lượng liên hệ với Kremlin cũng sử dụng các công ty bình phong, các tổ chức tư vấn và các phương tiện khác để gây ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị, đôi khi phục vụ cho lợi ích của các nhóm cực hữu.

Cả cơ quan tình báo và cuộc điều tra tại Thượng Viện đều kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để hỗ trợ ứng cử viên khi đó là ông Donald Trump. Ảnh một người phản đối Trump mặc đồ tù, đội mũ và tóc giống ông Trump, biểu tình ở Washington DC trong ngày bầu cử 3-11-2020 với khẩu hiệu: Cần đi nhờ sang Nga ngày 20-1 (ngày bàn giao quyền lực tổng thống). Ảnh Eze Amos/Getty Images

Bản báo cáo không đề cập đến các hoạt động của Nga tại Hoa Kỳ nhưng cả đánh giá của cơ quan tình báo và cuộc điều tra lưỡng đảng tại Thượng Viện đều đi đến kết luận rằng dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã thực hiện chiến dịch can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để hỗ trợ ứng cử viên khi đó là ông Donald Trump.

Từ đầu năm nay, Nhà Trắng đã thực hiện một bước đi bất thường khi liên tục giải mật và công bố thông tin tình báo liên quan đến các ý định và hành động của Moscow đối với Ukraine, một phần trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Putin và chống lại điều mà các quan chức Mỹ mô tả là hoạt động xuyên tạc thông tin của Nga.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi cho các đại sứ quán Hoa Kỳ tại hơn 100 quốc gia bức điện mô tả các hoạt động bị cáo buộc của Nga và đề nghị các bước mà Hoa Kỳ và đồng minh có thể thực hiện để đẩy lùi các hoạt động đó, bao gồm các biện pháp trừng phạt, cấm đi lại hoặc trục xuất các gián điệp Nga bị tình nghi liên quan đến các hoạt động tài trợ chính trị.

Bức điện mà các quan chức cung cấp cho các phóng viên cho biết, nguồn tài chính chính trị của Nga đôi khi được giám sát bởi các quan chức chính phủ và nhà lập pháp Nga, và được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, bao gồm cả Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

Bức điện cũng nêu tên các tài phiệt Nga đã tham gia vào “các kế hoạch tài trợ”, bao gồm Yevgeniy Prigozhin và Aleksandr Babakov. Ông Prigozhin, được biết đến với biệt danh “đầu bếp của Putin” sau khi kiếm được khoản tiền lớn trong các hợp đồng phục vụ ăn uống cho chính phủ Nga, đã bị các quan chức Mỹ buộc tội vào năm 2018 vì cố can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016. Ông ta có liên hệ với công ty quân sự tư nhân Wagner và đang bị FBI truy nã.

Moscow đã sử dụng tiền điện tử, tiền mặt và quà tặng để can thiệp vào các sự kiện chính trị ở các quốc gia khác, thường sử dụng tài khoản và nguồn lực của các đại sứ quán Nga để thực hiện, bức điện cho biết.

“Trong những tháng tới, Nga có thể ngày càng dựa vào các công cụ gây ảnh hưởng của mình, bao gồm cả nguồn tài chính chính trị bí mật, ở Trung và Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông và châu Á trong nỗ lực làm suy yếu hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế và duy trì ảnh hưởng ở các khu vực này trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine,” bức điện viết.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã thông báo cho các đối tác ở các nước khác về các hoạt động mà các quan chức Mỹ tin rằng có thể vượt ra ngoài các quốc gia và số tiền đã được xác định. “Chúng tôi nghĩ rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng,” một quan chức cấp cao nói. “Vì vậy, thay vì ngồi quan sát, chúng tôi đang chia sẻ các biện pháp ứng phó.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng yêu cầu các quốc gia đối tác chia sẻ thông tin của riêng họ về nguồn tài chính của Nga để giúp chính phủ Hoa Kỳ có được bức tranh đầy đủ hơn về những gì Nga đang làm.

Mặc dù bản báo cáo không đề cập đến các nỗ lực ảnh hưởng của Nga tại Hoa Kỳ, nhưng quan chức cấp cao thừa nhận rằng đây vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải tiếp tục làm việc để bảo vệ hệ thống chính trị và các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: