“Lạc thú” sống vung vít của Vua Jordan

Hồ sơ Pandora tiết lộ gì về Vua Jordan?
Vua Jordan, Abdullah II (ảnh: Murtadha Al-Sudani/Anadolu Agency/Getty Images)

Trong khi hàng tỷ đôla của Mỹ phải đổ vào Jordan trong hơn 10 năm qua để giúp vực dậy nền kinh tế nước này, một dòng tiền bí mật lại chảy theo hướng ngược lại thông qua nhiều tài khoản nước ngoài ngụy trang cho các giao dịch bất chính của chính nhà vua! Vua Abdullah II đã mua các bất động sản xa hoa ở cả hai bờ biển nước Mỹ bằng các khoản tiền mà nguồn gốc vẫn không rõ ràng – theo Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) mà Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có được.

Cây kim trong bọc lòi ra

Cụ thể, từ 2014 đến 2017, các công ty liên quan đến Vua Addullah Đệ Nhị đã chi gần $70 triệu để mua ba ngôi nhà liền kề nhìn ra Thái Bình Dương ở Nam California, tạo thành một trong những khu phức hợp rộng hơn 3½ mẫu Anh, lớn nhất trong khu vực sinh sống của thế giới người nổi tiếng ở Malibu. Trung tâm phức hợp là một dinh thự phong cách Địa Trung Hải rộng 14,000 foot vuông gồm bảy phòng ngủ, chín phòng tắm, phòng tập thể dục, phòng chiếu phim, spa ngoài trời và bể bơi hiện đại.

Ngôi biệt thự này mua sau ngôi nhà sang trọng $10 triệu nhìn ra sông Potomac ở thị trấn Georgetown thuộc Washington, D.C. Theo Hồ sơ Pandora, Abdullah đã mua thêm ít nhất ba dinh thự trị giá hàng triệu đôla ở thủ đô London của Vương quốc Anh, để kết hợp với ngôi nhà mua trước đó thành khu dân cư nguyên khối nằm gần Cung điện Buckingham. Trong “bộ sưu tập xứ sương mù” còn hai dinh thự nữa ở khu Kensington và một ngôi nhà nông thôn gần Lâu đài Windsor. Tính chung, nhà vua Jordan đã chi hơn $106 triệu cho các giao dịch mua nhà, núp bóng các công ty vỏ bọc hợp pháp.

Điều quan trọng nữa, số tài sản này là của riêng nhà vua chứ không phải của Hoàng tộc hay đất nước Jordan. “Khốn nạn” hơn là chúng được mua trong trong khoảng thời gian 10 năm nền kinh tế Jordan rơi vào suy thoái, người dân không đủ tiền chi tiêu, thất vọng vì tham nhũng của đám cận thần nhà vua dẫn đến bất ổn chính trị mà âm mưu đảo chính. “Nghi can” chủ mưu cuộc đảo chính là người anh trai cùng cha khác mẹ và 18 người khác đã bị bắt trong nhưng cũng làm lộ sự chia rẽ nội bộ, đe dọa quyền lực của Abdullah nhiều hơn bao giờ hết trong hơn 20 năm tại vị.

Bruce Riedel, một cựu quan chức CIA cấp cao, chuyên gia về Jordan, nhận định: “Bất minh tài sản nước ngoài sẽ thêm dầu vào lửa!”. Nhưng lạc thú chi tiêu của Abdullah không phải bất thường đối với các quốc vương Trung Đông. Một cựu quan chức Mỹ giấu tên nhắc đến thói chi tiêu xa hoa của Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman, người nghe nói đã bỏ ra $450 triệu mua một bức tranh “còn đang tranh cãi thực giả” của danh họa Leonardo da Vinci để trưng bày trên du thuyền lộng lẫy.

Tuy nhiên, không giống các chế độ quân chủ giàu có ở Vịnh Ba Tư, Jordan là một trong những quốc gia nghèo nhất Trung Đông, trữ lượng dầu khí ít, thiếu đất canh tác, thiếu nguồn cung nước sạch, có một cảng biển nhưng không sầm uất. Jordan tồn tại là nhờ hàng tỷ đôla viện trợ của Mỹ. Năm 2020, Jordan nhận $1.5 tỷ của Mỹ và là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn thứ ba của Mỹ, chỉ sau Israel và Afghanistan. Mỹ đã viện trợ cho Jordan hơn $22 tỷ từ thập niên 1950, và tăng lên hơn $1 tỷ mỗi năm trong những năm gần đây. Số tiền đó chưa bao gồm $1.7 tỷ Mỹ dành cho hàng triệu người tị nạn Syria. Viện trợ Mỹ cũng dùng chi trả cho đường xá, trường học, tạo nguồn nước mới và cho sinh viên du học tại Mỹ. Viện trợ là nhằm đảm bảo Jordan vừa là đồng minh vừa là nhân tố hoà giải xung đột tôn giáo và chính trị ở Trung Đông.

Dù các quan chức Mỹ nói “Không thấy bằng chứng nào tiền viện trợ dùng sai mục đích” nhưng có nhiều dấu hiệu đáng ngờ! Văn phòng luật DLA Piper ở London đại diện mở các tài khoản ở nước ngoài cho Abdullah dù thừa nhận những tài sản trên là của nhà vua nhưng khẳng định “Bất kỳ nghi ngờ nào về quyền sở hữu tài sản và tính pháp lý của các công ty đại diện giao dịch cho nhà vua đều không đúng. Nhà vua không hề lạm dụng tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền viện trợ nào cho mục đích cá nhân. Ngoài ra, việc sử dụng các công ty nước ngoài đại diện là cần thiết vì lý do an ninh và sự riêng tư của nhà vua và gia đình luôn bị các tổ chức khủng bố và các nhóm gây bất ổn đe doạ” (DLA Piper phản hồi bằng thư đề nghị bình luận từ ICIJ và The Washington Post). Nhưng tiết lộ trong Hồ sơ Pandora đã dẫn đến câu hỏi “Abdullah lấy tiền từ đâu ra để mua nhà và tại sao một vị vua lại cần mua nhiều tài sản nước ngoài như thế mà lại che giấu?”.

Được nuôi bằng tiền viện trợ Mỹ nhưng Vua Abdullah Đệ Nhị sống xa hoa trên nỗi thống khổ người dân. Ảnh: chuyến công du Mỹ của Vua Abdullah, gặp thượng nghị sĩ James Risch (trái) và thượng nghị sĩ Robert Menendez tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 21 Tháng Bảy 2021 (Kevin Dietsch/Getty Images)

Cố vấn tài chính của Abdullah bác bỏ tất cả đề nghị tiết lộ “tối thiểu” về tài sản nước ngoài của nhà vua. Công ty DLA Piper cũng không tuân thủ các qui định quốc tế buộc “giám sát đặc biệt những khách hàng giữ các cương vị có ảnh hưởng chính trị”. Các đại diện và quản lý tài sản nước ngoài của Abdullah dường như dị ứng với việc nêu tên hoặc chức danh nhà vua trong danh sách nhà cửa và công ty của ông mà chỉ dùng bí danh như “Bạn biết ai” (you know who). DLA Piper cũng lưu ý người bán có thể nâng giá nhà lên cao nếu biết được người mua là vua Jordan.

Bí ẩn và tinh quái

Tài liệu Padora cho thấy Vua Abdullah, 59 tuổi, đã bỏ ra nhiều năm để xây dựng mạng lưới gồm ít nhất 36 công ty bình phong, quỹ tín thác và một số tổ chức khác với sự trợ giúp của kế toán và luật sư ở các “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, Panama và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Nhưng nhiều công ty rất bí ẩn, không hiển thị lý do thành lập hoặc để làm gì! Các tài sản cụ thể của nhà vua bị phát hiện nhờ truy vết các công ty bình phong trong kho dữ liệu bất động sản vừa lộ mật.

Có một bản ghi nhớ được viết bởi công ty luật Panama “Alcogal” xác định một trong những khách hàng của mình là “Abdullah al Hussein” sinh năm 1962, địa chỉ “Cung điện Raghadan”, tương ứng với cung điện nhà vua ở Amman, thủ đô của Jordan. Trong một số trường hợp, tên của công ty được tạo ra cho Abdullah chỉ mang ý nghĩa tôn giáo hoặc khu vực, ví dụ Tigiris Investments Ltd. Có cái tên phi lý một cách kỳ lạ, chẳng hạn Nabisco Holdings S.A., một công ty vỏ bọc không có mối liên hệ rõ ràng với thương hiệu thực phẩm toàn cầu nổi tiếng Nabisco, mà chỉ làm mỗi một việc là mua ngôi biệt thự tại khu dân cư Cliffside Drive tuyệt đẹp ở Malibu.

Theo Hồ sơ Pandora, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1999 có chủ đầu tiên là nhà sản xuất truyền hình Arthur Silver được biết đến với các bộ phim sitcom “Laverne & Shirley” và “Married With Children”. Nabisco Holdings mua ngôi nhà vào năm 2014 với giá $33.5 triệu, mức giá cao nhất được trả cho một bất động sản ở gần Point Dume. Một năm sau, nhà vua mua thêm ngôi nhà lân cận với giá $12.25 triệu Năm 2017, lại mua một cái khác với giá $23 triệu. Trên giấy tờ, ba ngôi nhà thuộc sở hữu của ba công ty riêng biệt: Nabisco Holdings, Setara Ltd. và Timara Ltd. Đối với nhiều người ở Malibu, chủ nhân của ba ngôi nhà tại Cliffside Drive là một bí ẩn.

Dan Sandel, một cư dân nói: “Mua những ngôi nhà tại nơi được thèm muốn nhất thành phố như thế chỉ có thể là các ngôi sao điện ảnh, tỷ phú công nghệ và các nhân vật giàu có khác”. Jeff Jennings, Chủ tịch Ủy ban Quy hoạch Malibu, nói ông không hề biết các ngôi nhà là của Abdullah nhưng kế hoạch cải tạo chúng được trình lên ủy ban trong những năm gần đây là “rất ấn tượng”. Abdullah là một trong số chủ sở hữu vô danh, vắng mặt, có nhà tại nơi dành cho những người thích cuộc sống riêng tư. Nhà vua chỉ thực hiện các chuyến thăm ngắn hạn đến Mỹ trong những năm gần đây, kể cả chuyến dừng chân năm nay tại Washington, D.C. và Idaho. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết Abdullah rất thích bờ biển California.

Nguy hiểm khi bị lộ mật

Thông tin tham khảo duy nhất về liên hệ giữa Abdullah và các tài sản ở Malibu là trên trang Facebook của công ty Bradford Sheet Metal ở Nam California, công ty được thuê cải tạo một trong ba ngôi nhà vào năm 2019. Bài đăng lên cho thấy các nhân viên đứng trên giàn giáo vây quanh cấu trúc, với chú thích: “Nhà của Vua Jordan ở Malibu…” (The King of Jordan’s place in Malibu…). Nhưng khi được một phóng viên của tờ The Washington Post gọi điện hỏi xin xác nhận, một người tự xưng là giám đốc Bradford Sheet Metal dập ngay máy. Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ “mức độ bất thường” mà các công ty tài chính buộc phải tuân thủ để bảo vệ bí mật cho Abdullah, đặc biệt là ngôn từ hiển thị.

Vua Abdullah II và Hoàng hậu Rania Al-Yassin luôn tô vẽ như là những người biết “thương dân” (ảnh: Julien Mattia/Anadolu Agency/Getty Images)

Thậm chí hợp đồng không được lưu trên hệ thống máy tính mà chỉ được lưu trên giấy. Abdullah được nhiều người Hồi giáo xem là hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad, là thành viên hàng đầu của gia tộc Hashemite được giao quản lý các đền thờ quan trọng của người Hồi giáo ở Jerusalem. Trong suốt hai thập niên trị vì, ông đã xây dựng hình ảnh “một công bộc giàu có nhưng vị tha, tận tuỵ với dân”. Nhưng các tài khoản mạng xã hội của Abdullah và Hoàng hậu Rania thường cho thấy họ mặc trang phục hàng hiệu đắt tiền, ngồi trên chiếc môtô Harley-Davidson nhà vua yêu thích, tạo dáng chụp ảnh trong cung điện hoặc trên máy bay riêng.

Thỉnh thoảng họ cũng đi thăm hỏi dân làng, thăm trường học, bệnh viện và tham gia các sự kiện từ thiện tại một đất nước còn nghèo theo tiêu chuẩn Trung Đông, với khoảng 1/5 dân số thất nghiệp và có thu nhập thấp. Năm 2018, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Amman sau khi chính phủ tăng thuế, tăng giá và áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Lúc đó, các nhà kinh tế lo ngại Jordan đang tiến tới vỡ nợ khi tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 60% lên 93% từ 2011-2015.

Sau nhiều ngày người dân quyết liệt biểu tình đòi “Bánh mì, tự do và công bằng xã hội” Abdullah phải nhượng bộ, ngưng tăng giá và chấp nhận đơn từ chức của thủ tướng. Nhưng sự tức giận của công chúng chưa bao giờ nguôi hoàn toàn và có thể bùng phát trở lại nếu họ biết Abdullah đã chi hàng triệu đôla tiền công quĩ để mua các tài sản riêng ở nước ngoài trong khi bắt người dân phải thắt lưng buộc bụng! Labib Kamhawi, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Jordan nhận định: “Có rất nhiều thách thức về kinh tế mà người dân Jordan đang phải đối mặt. Nhiều người không tự trang trải nổi cuộc sống. Những tiết lộ trong Hồ sơ Pandora sẽ châm ngòi cho sự tức giận và bất ổn”. Một cựu quan chức cấp cao Mỹ từng làm việc tại Amman xem hành vi của Abdullah là “liều lĩnh”. “Ông ta lấy tiền mặt ở đâu để mua nhà? Đây là câu hỏi lớn chờ được trả lời thoả đáng” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: