Làm thế nào để đảo chính Putin?

(ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Liệu một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể xảy ra? Có! Nếu dò lại lịch sử Nga để tìm manh mối. Trong hơn hai thập niên nắm quyền, Vladimir Putin chưa bao giờ đối mặt với thách thức nghiêm trọng nào cho quyền lực. Nhưng cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine có thể thay đổi điều đó…

Nhìn lại lịch sử

Cơ hội xảy ra một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại Kremlin là rất thấp. Tháng Ba, một cuộc thăm dò từ Trung tâm Levada độc lập của Nga cho thấy 83% người Nga tán thành những gì Putin đang làm trong cương vị tổng thống, tăng so với 71% trong Tháng Hai. Rất ít người Nga có khả năng tiếp cận tối thiểu với thông tin độc lập ngoài sự tuyên truyền của nhà nước, và bất kỳ ai dám xuống đường chống Putin đều đối mặt với những hình phạt hà khắc.

Putin, với sự tàn bạo cố hữu không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Như các nhà độc tài trước Putin, mối đe dọa đối với sự cai trị của ông ta chỉ có thể đến từ bên trong chế độ. Lịch sử của Nga cho thấy điều này từng xảy ra. Đã có hai cuộc đảo chính thành công kể từ khi những người Bolshevik giành được chính quyền từ năm 1917. Vụ thứ nhất là cuộc lật đổ trùm mật vụ Lavrenti Beria tàn bạo của Stalin vào Tháng Sáu 1953; và vụ thứ hai là lật đổ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev vào Tháng Mười 1964. Ngoài việc Beria và sáu cộng sự của ông bị hành quyết, hai cuộc đảo chính diễn ra khá suôn sẻ và không đổ máu. Trong cả hai trường hợp, sự hỗ trợ của các cơ quan an ninh và quân đội Liên Xô là yếu tố chính quyết định thành công.

Trùm mật vụ một thời hét ra lửa Lavrenti Pavlovich Beria (1899-1954) (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Sau khi Stalin qua đời vào Tháng Ba 1953, các thành viên Đoàn Chủ tịch của Beria, do Khrushchev lãnh đạo, trở nên lo lắng về quyền lực ngày càng tăng của Beria và các chính sách chống chủ nghĩa Stalin của ông ta. Nhưng loại bỏ Beria là một thách thức, vì ông ta cầm đầu Bộ Nội vụ (MVD) đầy quyền lực. Bộ này gồm cả cảnh sát thường và mật vụ. Những kẻ âm mưu chỉ còn cách nhờ đến các lãnh đạo quân đội, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nikolai Bulganin và Nguyên soái Georgy Zhukov, những người có mối thù sâu sắc với Beria và MVD, để hỗ trợ bắt ông ta tại một cuộc họp lãnh đạo được triệu tập vội vàng mà ông ta không chút nghi ngờ.

Nikita Khrushchev và Joseph Stalin (ảnh: Universal History Archive/Getty Images)

Dù cuộc đảo chính thành công (Beria bị xử bắn vào Tháng Mười Hai năm sau) nhưng rủi ro vẫn rất cao và nhóm Khrushchev phải đối mặt với nguy hiểm đáng kể khi tìm cách trấn áp sự phản đối tiềm tàng từ các thuộc cấp của Beria sau khi đương sự bị bắt. Nhưng Khrushchev đã xoay sở được với những lời hứa thăng chức để thuyết phục hai cấp phó trung thành của Beria, Sergei Kruglov và Ivan Serov, phản chủ và khống chế được các sĩ quan MVD cấp bậc cao.

Việc Khrushchev bị lật đổ 11 năm sau đó cũng là một kế hoạch nguy hiểm không kém đối với Leonid Brezhnev và những người khác trong Bộ Chính trị, ở thời điểm mà người ta tin rằng Khrushchev “đang vượt quá giới hạn, không tôn trọng vai trò của sự lãnh đạo tập thể”. Brezhnev vô cùng lo lắng khả năng kế hoạch bị thất bại. Ông yêu cầu người chỉ huy đội cảnh vệ cá nhân phải túc trực canh gác nhiều đêm bên ngoài nhà riêng với vũ khí tự động sẵn sàng. Trước khi đồng ý theo Brezhnev, hai thành viên Bộ Chính trị chủ chốt là Aleksei Kosygin và Mikhail Suslov yêu cầu âm mưu này phải được sự hậu thuẫn của cả quân đội và KGB.

Tổng giám đốc KGB Vladimir Semichastny đóng vai trò rất quan trọng. Semichastny đích thân ra gặp Khrushchev tại sân bay khi ông ta trở về từ một kỳ nghỉ ở Biển Đen và thông báo… “ông không còn việc gì để làm”! Được hỗ trợ bởi cảnh vệ KGB với súng ống lên nòng, Semichastny cảnh báo Khrushchev không nên chống cự. Khrushchev, người đã bổ nhiệm Semichastny nắm giữ KGB như một đồng minh thân cận, tức tối và cảm thấy bị phản bội nhưng không còn chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.

Quay lại Putin

Các nỗ lực nhằm hạ bệ Putin, nếu có, cũng cần sự hỗ trợ tích cực hoặc thụ động từ ba lực lượng chủ chốt: Quân đội, FSB (kế nhiệm KGB) và Vệ binh Quốc gia (Rosgvardiya). Putin có các đồng minh vững chắc tại tất cả ba cơ quan này. Đó là Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov thuộc “gia tộc Leningrad/St. Petersburg của Putin” (gồm các cựu sĩ quan KGB) được Putin trực tiếp cất nhắc; và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev.

Vladimir Putin và sếp FSB Alexander Bortnikov (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

FSB có đơn vị đặc biệt riêng và một mạng lưới rộng lớn gồm các sĩ quan phản gián để giám sát quân đội. Mặc dù không đến từ St.Petersburg hay là cựu chiến binh KGB, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã là tay chân thân cận với Putin trong nhiều năm như “người trong nhà”, đầu tiên trong cương vị Bộ trưởng Các tình huống khẩn cấp rồi đến năm 2012 nắm giữ Bộ Quốc phòng với 900,000 quân nhân tại ngũ. Putin và Shoigu thể hiện tình bạn của họ một cách công khai, lên sóng truyền hình khi đi nghỉ cùng nhau ở vùng Siberia, quê hương của Shoigu.

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga vào Tháng Hai, Shoigu đã ủng hộ hoàn toàn cuộc xâm lược Ukraine. Chỉ huy trưởng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov cũng là người được đánh giá được Putin tin cậy. Zolotov gặp Putin lần đầu tiên vào đầu thập niên 1990 khi đang làm vệ sĩ cho sếp của Putin, Thị trưởng St.Petersburg Anatoly Sobchak. Từ năm 2000 đến 2013, Zolotov đứng đầu Dịch vụ An ninh Phủ Tổng thống, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ cá nhân tổng thống. Khi thành lập Vệ binh Quốc gia vào năm 2016, Putin đã bổ nhiệm Zolotov vào vị trí lãnh đạo. Quân của MVD được chuyển đến cơ quan mới, cùng với các lực lượng đặc biệt khác, biến Vệ binh Quốc gia thành một lực lượng quân số lên đến 340,000 người.

“Ngôi nhà lớn” – từ quen được gọi ở St. Petersburg – trụ sở cơ quan an ninh tình báo nội địa Nga FSB, trước kia là tổng hành dinh cơ quan khét tiếng KGB (ảnh: Ulf Mauder/picture alliance via Getty Images)

Nhưng dù Putin đã lập được các căn cứ vững chắc của lòng trung thành, số phận của Beria và Khrushchev cho thấy lòng trung thành có thể thay đổi theo thời gian khi Kremlin rơi vào khủng hoảng. Có thể Bortnikov sẽ trở thành một Semichastny khác và chuyển phe để cứu lấy chính mình! Ngay cả Shoigu và Zolotov, khi đối mặt với liên minh tầm cỡ đối đầu với Putin, họ cũng sẽ cân nhắc “nhảy tàu”, giống như các phó tướng của Beria đã từng làm. Beria xét về thủ đoạn thì không thua gì Putin nhưng vẫn “chết”.

Có một điều chắc chắn: Bất kỳ nỗ lực đảo chính nào chống lại Putin sẽ nguy hiểm và mang tính rủi ro nhất lịch sử chính biến tại Kremlin và không dễ như đảo chính Beria, Khrushchev hay Gorbatrev, tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô. Hơn ai hết, cáo già nham hiểm Putin đã học thuộc những bài học lịch sử. Theo Andrei Soldatov, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu, từ giữa Tháng Ba 2022, Putin đã thanh trừng phạt các quan chức cấp cao trong FSB vì những thất bại ban đầu của cuộc chiến và cũng vì muốn chặn trước khả năng chống đối trong hàng ngũ cấp cao. Các nguồn tin của Soldatov cho biết Putin đã quản thúc Sergei Beseda, người phụ trách chi nhánh tình báo nước ngoài của FSB.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: