Luật cấm vận Nga của Mỹ được tuân thủ như thế nào?

Nga đang thiếu chip nghiêm trọng, đặc biệt cho thiết bị quân sự (ảnh: Lino Mirgeler/picture alliance via Getty Images)

Những con số biết nói

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc sang Nga trong Tháng Ba đã giảm mạnh sau khi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu có hiệu lực. Bà gọi đó là “Dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không sẵn sàng vi phạm các lệnh cấm thương mại”. Trích dẫn số liệu xuất khẩu Trung Quốc có sẵn gần đây nhất, bà nói: “Cụ thể, lượng máy tính xách tay của Trung Quốc sang Nga giảm 40% so với Tháng Hai, trong khi xuất khẩu điện thoại thông minh giảm 2/3. Xuất khẩu thiết bị mạng viễn thông giảm 98%”.

Đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây, một câu hỏi được lặp đi lặp lại: Liệu Trung Quốc có sẵn sàng giúp Nga chống lại sự trừng phạt không? Các số liệu thương mại quốc tế của Trung Quốc, được tờ The Wall Street Journal tiết lộ mới đây cũng cho thấy Bắc Kinh dù miễn cưỡng, vẫn không dám phá vỡ các lệnh cấm, có lẽ do sợ sự trả đũa của Mỹ, mà quan trọng nhất là hạn chế bán các công nghệ cần thiết cho các công ty Trung Quốc. Mỹ và phương Tây buộc các công ty trên toàn thế giới đang sử dụng thiết bị hoặc phần mềm do Mỹ sản xuất để chế tạo chip máy tính phải tuân thủ tuyệt đối lệnh cấm.

Theo các nhà phân tích thị trường, hầu hết các nhà máy sản xuất chip trên khắp thế giới, cả tại Trung Quốc, đều sử dụng phần mềm hoặc thiết bị do Mỹ thiết kế. “Một câu hỏi thường đặt ra là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã ban hành có được thực thi nghiêm túc không? Tôi nghĩ câu trả lời là có – Raimondo nói – Họ chọn thực thi vì đứng sau lệnh cấm là một liên minh mạnh mẽ các quốc gia trên thế giới”. Raimondo nhấn mạnh: “Thống kê cho thấy xuất khẩu sang Nga từ nhiều quốc gia khác nhau đã giảm mạnh. Các mặt hàng của Mỹ trong các danh mục công nghệ bị kiểm soát xuất khẩu đã giảm 86%.

Washington Post cho biết, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nga giảm 62%, của Phần Lan giảm 60%. Mỹ và nhóm 37 quốc gia đã đưa ra nhiều hạn chế thương mại để làm tê liệt nền kinh tế quân sự và công nghệ cao của Nga sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, trong đó có cấm bán chip máy tính, thiết bị viễn thông, laser, điện tử hàng không và công nghệ hàng hải cho nhiều khách hàng Nga. Ngành công nghiệp chip máy tính đã ngừng giao hàng cho Nga. Có những dấu hiệu cho thấy lệnh cấm vận bắt đầu làm suy yếu khả năng của Nga trong việc sản xuất một số thiết bị quân sự do thiếu linh kiện.

Tuần trước, trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ, bà Raimondo cho biết các quan chức Ukraine nói đã tìm thấy chip máy tính dành cho các thiết bị gia đình khí tài quân sự Nga, kiểu “không có chó bắt mèo ăn cứt!”. Sau đó, người phát ngôn của Raimondo nói rõ thêm là các chip “tạm bợ” này được tìm thấy trong xe tăng! Douglas Fuller, một chuyên gia về chất bán dẫn tại Đại học Thành phố Hong Kong, nói: “Một số chip trong thiết bị gia đình cũng được sử dụng để điều khiển các chức năng khác nhau trong xe hơi và phương tiện cơ giới. Vì xe tăng về cơ bản là xe hơi bọc thép nên các chip này cũng có thể dùng điều khiển các chức năng tương tự, như như phanh và lái”.

Phản ứng tích cực với lệnh cấm vận

Các lệnh cấm xuất khẩu không buộc ngưng bán các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính xách tay sang Nga. Tuy nhiên, các nhà theo dõi xuất khẩu cho biết, để “chắc ăn”, một số công ty vẫn ngừng xuất hàng điện tử sang Nga, dù nó không vi phạm quy định cấm vận. Kevin Wolf, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại, hiện là đối tác của Akin Gump Strauss Hauer & Feld, khẳng định sự đề phòng “quá đà” này là có thực.

Sự tích cực của các công ty hiện nay khác với lúc Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ cho Huawei, công ty khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, khi các nhà sản xuất chip máy tính và các công ty khác yêu cầu luật sư của họ nghiên cứu kỹ lệnh cấm để tìm xem loại hàng nào vẫn được phép bán cho Huawei. Wolf giải thích: “Rõ ràng, xâm lược nước ngoài và giết người có tác động lớn đến quyết định của các công ty hơn là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Sự tuân thủ nhanh và nhiều hơn cả danh sách cấm vận đã chứng minh điều này”.

Một loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm hoặc tạm ngừng kinh doanh tại Nga. Tháng Tư qua, DJI, công ty sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã dừng hoạt động ở Ukraine và Nga. Đây là công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc công khai rời bỏ thị trường Nga dù chính phủ Trung Quốc không chịu lên án cuộc xâm lược của Nga. Vào Tháng Ba, Apple cho biết đã tạm dừng bán sản phẩm tại Nga.

Vài ngày sau, Samsung cũng ngưng bán điện thoại thông minh, chip máy tính và các mặt hàng điện tử khác. Apple, Samsung và Xiaomi là ba công ty điện thoại thông minh đạt doanh thu cao nhất ở Nga trong Quý I/2022, theo số liệu mới nhất của ​​International Data Corp. Nhưng Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu thị trường thiết bị toàn cầu tại IDC, lưu ý: “Ngay cả khi một số công ty công nghệ không bán hàng trực tiếp ở Nga nữa, sản phẩm của họ vẫn có sẵn trên thị trường chợ đen từ nhiều con đường khác nhau”.

Một trong những tổn thất lớn nhất về lâu dài của công nghiệp Nga nói chung là sự mất mát nhân sự. Tháng Tư, Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga báo cáo Hạ viện Nga rằng 50,000 đến 70,000 nhân lực ngành công nghệ đã rời khỏi nước Nga, và khoảng 100,000 người nữa dự kiến sẽ rời đi trong Tháng Năm – chiếm tổng cộng khoảng 10% lực lượng lao động của ngành. Ok Russians, một nhóm phi lợi nhuận hỗ trợ người di cư, sử dụng dữ liệu từ các quốc gia láng giềng và các cuộc khảo sát trên mạng xã hội ước tính rằng gần 300,000 người Nga nói chung đã rời đi kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Nga vốn đã thâm hụt lực lượng công nghệ thông tin có tay nghề cao ngay cả trước khi xâm lược Ukraine. Năm ngoái, Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga cảnh báo rằng tình trạng thiếu công nhân kỹ thuật của nước Nga lên đến 500,000 đến một triệu người, và mức thâm hụt dự kiến là hai triệu vào năm 2027.

___________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: