Một cái chết bí ẩn phủ bóng đen lên chính trường Hàn Quốc

Nạn nhân Lee Dae-jun (file photo)

Bí ẩn về vụ giết người của Bắc Hàn đang trở thành trung tâm cuộc tranh cãi ở cấp chóp bu trên chính trường Hàn Quốc, cụ thể là giữa chính phủ mới và chính phủ tiền nhiệm.

Nhân vật đang gây chú ý ở đây là một người… chết. Ông là Lee Dae-jun, viên chức thuộc Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, bị phía Bắc Hàn bắn và đốt sau khi trôi dạt vào lãnh hải Bắc Hàn cách nay gần hai năm. Chi tiết man rợ về cái chết của chồng mình không chỉ khiến Kwon Young-mi bàng hoàng mà bà còn hoang mang khi nghe tin rằng chồng bà muốn đào tẩu sang miền Bắc.

Nạn nhân Lee Dae-jun 47 tuổi là nhân viên tại Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, trước khi mất tích có mặt trên một con tàu gần Yeonpyeong, một hòn đảo xa xôi ở phía Tây, cách lãnh thổ Bắc Hàn khoảng 10 dặm. Theo một quan chức của Bộ, ông biến mất vào khoảng giữa trưa ngày Thứ Hai 21 Tháng Chín 2020, bỏ lại đôi dép mủ và ba lô. Báo cáo tình báo của quân đội Hàn Quốc cho thấy một tàu dân sự Bắc Hàn phát hiện ông vào khoảng 3g40 chiều Thứ Ba 22 Tháng Chín 2020. Từ trên tàu, ngư dân Bắc Hàn cật vấn người đàn ông và ông nói rằng mình muốn đào tẩu sang miền Bắc. Vài giờ sau, một tàu chiến của Bình Nhưỡng đến theo lệnh của cơ quan cấp trên và thủy thủ Bắc Hàn đã bắn chết nạn nhân, rồi đổ dầu lên và châm lửa đốt xác.

Người thân của nạn nhân Lee Dae-jun đang yêu cầu mở lại cuộc điều tra không chỉ đối với trong nước mà thậm chí yêu cầu LHQ vào cuộc (ảnh: Chris Jung/NurPhoto via Getty Images)

Thời điểm đó, Kim Chun-sig, cựu quan chức cấp cao của Hàn Quốc, người giám sát chính sách Bắc Hàn, nhận định: “Vụ sát hại đã làm mất hy vọng tái lập quan hệ với Bình Nhưỡng và đẩy quan hệ hai bên xuống tận đáy”. Quân đội Hàn Quốc lên án vụ giết người là “hành động tàn bạo” và yêu cầu Bình Nhưỡng phải xin lỗi và trừng phạt những kẻ có trách nhiệm.

Hiện chính phủ mới của Hàn Quốc (Tổng thống Yoon Suk-yeol) đang xới lại vụ việc, cho rằng có gì khuất tất trong cách diễn giải sự việc của chính phủ tiền nhiệm (Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ cải thiện quan hệ với chế độ Kim Jong Un). Câu hỏi đặt ra là Lee Dae-jun có thực sự muốn đào tẩu sang Bắc Hàn hay không và tại sao ông trôi dạt về phía Bắc gần cả ngày ở vùng biển ít thuyền bè của hai miền mà không được cứu! Mới đây, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã đệ đơn kiện Park Jie-won, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, vì đã tiêu hủy các tài liệu liên quan.

Tháng trước, một số quan chức thuộc cơ quan tuần duyên cũng xin lỗi và từ chức, sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển khẳng định rằng họ không có bằng chứng cho thấy Lee Dae-jun muốn đào tẩu như giới lãnh đạp cấp cao của họ từng nói. Trong khi đó, đảng của cựu Tổng thống Moon gọi cuộc điều tra của chính quyền mới là “có động cơ chính trị” và tố cáo chính phủ Yoon “gây sức ép buộc lực lượng bảo vệ bờ biển đảo ngược kết quả điều tra ban đầu”.

Nếu ông Lee Dae-jun thật sự muốn đào tẩu, đây là một trường hợp hiếm hoi vì gần như tất cả các vụ đào tẩu tại bán đảo Triều Tiên đều đi theo hướng ngược lại. Từ năm 2010 đến năm 2020, chỉ có 55 người rời Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên, phần lớn là những người trước đó đào tẩu khỏi miền Bắc và khi ở miền Nam thì không thể hòa nhập được hoặc gặp khó khăn tài chính. Nhưng hầu hết những người này đều bị Bắc Hàn giam giữ và gửi trả lại Hàn Quốc.

Quan hệ Bình Nhưỡng-Seoul chưa bao giờ hết căng thẳng (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Quay lại vụ Lee Dae-jun. Lý do đào tẩu của Lee Dae-jun mà chính phủ Moon đưa ra là đương sự đang trốn các khoản nợ cờ bạc lên tới hàng ngàn đôla. Phần mình, bà Kwon (người vợ của Lee Dae-jun) nói rằng bà biết rõ về các khoản nợ của chồng và họ đã lên kế hoạch cùng nhau thanh toán trong ba năm. Để giữ cho các chủ nợ tránh xa hai đứa con, họ phải đệ đơn ly hôn vào Tháng Tư 2020, dù vẫn sống cùng nhau – theo Wall Street Journal.

Gia đình Lee Dae-jun cho biết họ sẽ nộp đơn đòi truy tố hình sự cựu Tổng thống Moon trừ khi đảng của ông chịu tiết lộ hồ sơ liên quan trường hợp của Lee như đảng cầm quyền yêu cầu. Hồ sơ có thể được giải mật nếu có 2/3 nghị sĩ Quốc hội đồng ý nhưng đảng của cựu Tổng thống Moon đang kiểm soát đa số ghế. Tổng thống Yoon, một cựu công tố viên, đã xoáy vào cái chết của Lee Dae-jun trong chiến dịch vận động tranh cử, và hứa sẽ công khai hồ sơ niêm phong nếu đắc cử.

Đảng cầm quyền muốn biết chính quyền tiền nhiệm có làm đủ những gì cần thiết để cứu Lee Dae-jun hay không. Điểm mấu chốt được đảng cầm quyền chỉ ra trong cuộc điều tra là: Từ “đào tẩu” chỉ được nhắc một lần trong suốt 7 giờ đồng hồ nghe lén các cuộc trò chuyện của các thủy thủ và quan chức chế độ Bắc Hàn. Chi tiết này được đưa vào một báo cáo quân sự trình lên văn phòng (cựu) Tổng thống Moon. Chính phủ Moon không tiết lộ đường dây nào được nghe lén hoặc ai đã sử dụng từ “đào tẩu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: