Mỹ nghiên cứu Ukraine để đối phó với cuộc chiến Đài Loan

Xe tăng Ukraine tuần tra trên những con đường đầy tuyết ở thành phố Bakhmut vùng Donbas hôm 14 tháng Hai 2023. Hoa Kỳ không chỉ yểm trợ cho Ukraine mà còn theo dõi sát tình hình chiến sự để rút ra bài học cho kế hoạch ứng phó với Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh Đài Loan. Ảnh Marek M. Berezowski/Anadolu Agency via Getty Images

Trong cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Ukraine, Hoa Kỳ không chỉ hỗ trợ một đồng minh mà còn nghiên cứu những bài học để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ có thể xảy ra trong tương lai với Trung Quốc, phân tích của hãng tin AP.

Không ai biết cuộc xung đột quân sự lớn tiếp theo của Hoa Kỳ là ở đâu hoặc liệu Hoa Kỳ sẽ gửi quân tham chiến như đã làm ở Afghanistan và Iraq hay chỉ cung cấp một lượng lớn viện trợ và chuyên môn như đang làm với Ukraine.

Trung Quốc vẫn là mối quan tâm lớn nhất của Mỹ. Các quan chức quân sự Hoa Kỳ nói rằng Bắc Kinh muốn sẵn sàng xâm chiếm đảo quốc Đài Loan tự trị vào năm 2027 hoặc sớm hơn. Và Hoa Kỳ là đồng minh chính, là nhà cung cấp vũ khí quốc phòng chính của hòn đảo dân chủ này.

Trong một báo cáo công bố tháng trước, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nhận định mặc dù có những sự khác biệt về địa lý và cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan so với Ukraine, nhưng “có sự tương đồng rõ ràng giữa cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và một cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc vào Đài Loan”. Vì thế các nhà chiến lược Hoa Kỳ đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine để điều chỉnh kế hoạch ứng phó trong trường hợp một cuộc chiến tranh xảy ra ở Đông Á. 

Một số bài học từ cuộc chiến Ukraine và cách chúng có thể áp dụng cho cuộc xung đột Đài Loan được AP tổng kết như sau:

Vũ khí đi trước

Hỏa tiễn diệt hạm Harpoon – cơn ác mộng của hạm đội Hắc Hải của Nga hiện nay – sẽ được Mỹ bán cho Đài Loan để tăng sức phòng thủ trước sự bao vây của chiến hạm Trung Quốc. Ảnh Dirck Halstead/Getty Images

Sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào Tháng Hai năm ngoái, Hoa Kỳ và các đồng minh mới bắt đầu gửi một lượng lớn vũ khí qua biên giới để yểm trợ cuộc kháng chiến của Ukraine. Bài học ở đây là Đài Loan cần phải được trang bị vũ khí đầy đủ từ trước – đó là kết luận của CSIS rút ra từ hàng chục kịch bản mô phỏng cuộc chiến tranh mà họ đã thực hiện để làm căn cứ cho báo cáo của mình.

CSIS – một tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận và lưỡng đảng – nhận thấy: “Mô hình Ukraine không thể áp dụng ở Đài Loan vì Trung Quốc có thể cô lập hòn đảo trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Đài Loan phải bắt đầu cuộc chiến với mọi thứ họ cần,” CSIS cho biết.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks nói Ukraine “là cách tiếp cận bắt đầu từ đầu hơn là cách tiếp cận theo kế hoạch mà chúng tôi đang thực hiện đối với Đài Loan, và chúng tôi sẽ áp dụng những bài học đó”.

Bà Hicks nói với hãng tin AP rằng, đối với Trung Quốc, đổ bộ quân đội lên đảo Đài Loan là thách thức cam go nhất về quân sự. Nhưng chính thách thức đó cũng sẽ khiến việc tiếp tế cho Đài Loan trở nên khó khăn, đặc biệt nếu Trung Quốc chặn đường con đường tiếp cận từ đại dương.

Thiếu hàng dự trữ

Cuộc chiến Ukraine đang càng ngày càng gây áp lực nặng nề lên các kho dự trữ quốc phòng của Mỹ và châu Âu, đồng thời cho thấy cả hai đều chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn bằng vũ khí thông thường.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế thuộc CSIS và là tác giả của báo cáo về Đài Loan, cho biết, đối với một số mặt hàng, “chúng ta có những điểm yếu trong cả kho hàng dự trữ và năng lực sản xuất. Một số lĩnh vực, đặc biệt là đạn pháo, có thể trở thành một cuộc khủng hoảng.”

Javelin – bách phát bách trúng (ảnh: Scott Barbour/Getty Images)

Ukraine đang bắn tới 7,000 viên đạn pháo mỗi ngày để tự vệ và phụ thuộc các chuyến hàng đạn dược mới từ Mỹ gửi tới hai tuần một lần.

Kể từ khi Nga xâm lược, Mỹ đã gửi cho Ukraine hàng triệu viên đạn, bao gồm đạn cho vũ khí nhỏ và đạn pháo, 8,500 hỏa tiễn chống tăng Javelin, 1,600 hệ thống phòng không vác vai Stinger và 100,000 viên đạn xe tăng 125 mm. Mặt hàng gây áp lực lớn nhất là phi pháo 155 mm. Theo Ngũ Giác Đài, Mỹ đã gửi cho Ukraine 160 khẩu lựu pháo và hơn một triệu viên đạn; đây là loại vũ khí được sử dụng nhiều với khoảng 3,000 viên đạn bắn ra mỗi ngày.

Ông Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân phụ trách mua sắm, nói rằng Ukraine đang thực hiện một kiểu chiến tranh khác với kiểu chiến tranh mà Mỹ có thể sẽ đối đầu với Trung Quốc. Một chiến dịch trong tương lai của Hoa Kỳ có thể sẽ liên quan đến nhiều sức mạnh không quân và hải quân hơn, giảm bớt một số áp lực cho các hệ thống và đạn dược bộ binh trên mặt đất. Nhưng các đồng minh vẫn cần được hỗ trợ các hệ thống và đạn dược trên bộ.

Chạy đua với thời gian

Chiến lược phòng thủ của Ngũ Giác Đài nói rằng Hoa Kỳ phải có khả năng tiến hành một cuộc chiến trong khi ngăn chặn một cuộc chiến khác, nhưng chuỗi cung ứng vũ khí không phản ánh điều đó.

Bà Hicks cho biết sự gia tăng vũ khí cho Ukraine “không làm chậm lại sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan,” nhưng nhiều hợp đồng bán vũ khí ký kết với Đài Loan đang gặp những áp lực tương tự như cung cấp vũ khí cho Ukraine, chẳng hạn như thiếu các bộ phận hoặc thiếu lực lượng lao động để sản xuất vũ khí.

Đáp lại, Hoa Kỳ đã thiết lập một cơ chế cho phép chính phủ Mỹ lấy vũ khí từ kho dự trữ của quân đội để gửi cho Ukraine thay vì ký kết các hợp đồng mới với các công ty sản xuất, theo bà Hicks. Quân đội Mỹ cũng đang làm việc với Quốc hội để có thẩm quyền thực hiện các hợp đồng nhiều năm, điều cần thiết để các công ty yên tâm đầu tư nhằm đáp ứng các nhu cầu dài hạn, đặc biệt là đối với các hệ thống mà ông Bush gọi là “tứ đại” – hỏa tiễn chống tăng Javelin, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn cho hệ thống tên lửa phóng đa hướng (GMLRS) và đạn phi pháo 155 mm.

HIMARS tại mặt trận Đông Ukraine (ảnh: Anastasia Vlasova for The Washington Post via Getty Images

Quân đội Mỹ đang bổ sung các dây chuyền sản xuất đạn pháo 155 mm ngoài một nhà máy hiện có ở Iowa. Nhưng tất cả những việc đó đòi hỏi có thời gian. CSIS báo cáo có thể mất năm năm hoặc hơn để bổ sung kho dự trữ phi pháo 155 mm, Javelin và Stinger.

“Tin tốt là cuộc xung đột Ukraine đã làm cho mọi người nhận ra những điểm yếu này. Tin xấu là chúng sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết ngay cả khi có ý chí chính trị mạnh,” ông Hal Brands, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết.

Các kho dự trữ vũ khí của châu Âu cũng không còn nhiều hàng dư thừa để gửi đi và nhiều quốc gia đang gấp rút ký hợp đồng mới với ngành công nghiệp vũ khí để bổ sung hàng tồn kho. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo trong tuần này tại Brussels rằng một số vũ khí, đặc biệt là các loại đạn cỡ nòng lớn như pháo mặt đất, có thể phải mất tới hai năm rưỡi thì mới có hàng mới.

Không gian là tiền tuyến

Với xe tăng và pháo binh, cuộc chiến Ukraine có vẻ như là sự quay lại của các cuộc chiến tranh trên bộ trong thế kỷ 20, nhưng nó đã cung cấp những bài học về giá trị của công nghệ không gian đối với tình báo, thông tin liên lạc và tuyên truyền.

Trước chiến tranh, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy các lực lượng Nga tập trung dọc biên giới, phản bác tuyên bố của Kremlin rằng họ chỉ đang tập trận quân sự. Khi quân đội Nga vượt qua biên giới, dân thường Ukraine dùng điện thoại thông minh của họ cung cấp hình ảnh và video thời gian thực để vạch trần các vị trí quân sự của Nga, ghi lại lời thú tội của các binh sĩ Nga bị bắt và công khai những thất bại và thương vong của quân Nga. Hoạt động của người dân thường đã góp phần quảng bá câu chuyện về cuộc kháng chiến chính nghĩa của họ và phản bác lập luận tuyên truyền sai trái của Putin.

Khi các tháp vô tuyến di động và điện của Ukraine bị đánh sập, Giám đốc điều hành của công ty SpaceX, tỷ phú Elon Musk, đã cung cấp một phương án thay thế bằng cách gửi hàng trăm thiết bị đầu cuối Starlink tới Kyiv để giữ cho Ukraine được kết nối thông tin thông suốt.

Thiết bị đầu cuối Internet SpaceX Starlink được lắp đặt trên thảm hoa vào ngày 5 Tháng Năm năm 2022 ở Vorzel, Ukraine. (ảnh: Taras Podolian / Getty Images)

Ông Brands nhận xét: “Nga đã không kiểm soát được câu chuyện từ Ukraine rằng nền dân chủ đang bị tấn công. Chúng ta nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không phạm sai lầm tương tự, rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng rất nhiều để kiểm soát không gian thông tin.”

Các chuyên gia vũ trụ của Hoa Kỳ cũng đang xem xét việc mở rộng thông tin liên lạc vệ tinh, dựa trên những thành công của Starlink. Hiện Starlink là “vòng” thông tin thương mại chính trên quỹ đạo, nhưng nhiều hệ thống thông tin thương mại tư nhân khác của Mỹ đã bắt đầu hoạt động.

Starlink có hàng ngàn vệ tinh quay quanh Trái đất ở cùng độ cao, trong một vòng tròn khép kín. Trong một cuộc xung đột tương lai, nếu một vệ tinh Starlink bị tấn công và hủy hoại, nó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi một vệ tinh khác từ vị trí phía sau nó.

John Plumb, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách vũ trụ, nói với AP rằng kiểu liên lạc vệ tinh phổ biến đó là “con đường của tương lai”. “Đây là điều chúng ta cần phải thích nghi,” ông Plumb nói thêm.

Hãy sẵn sàng cho chiến tranh mạng

Trong khi các vệ tinh và đường truyền thông tin phải được bảo vệ, các trạm mặt đất để xử lý và phổ biến thông tin cũng dễ bị tổn thương. Khi Nga xâm lược, một cuộc tấn công phần mềm nhằm vào mạng liên lạc vệ tinh Viasat của Ukraine đã vô hiệu hóa hàng chục nghìn modem kết nối mạng lưới máy tính của nước này. Dù Viasat không nói thủ phạm là ai, Ukraine đã đổ lỗi cho tin tặc Nga.

Brands cho biết Trung Quốc có thể sẽ sử dụng chiến tranh mạng để ngăn Đài Loan gửi đi những thông điệp tương tự, cho thấy đảo quốc đang chống lại một cách hiệu quả bất kỳ cuộc tấn công nào.

Vấn đề đó đã thu hút sự chú ý của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ.

Giám đốc điều hành không gian, Tướng Chance Saltzman, cho biết: “Nếu chúng ta không nghĩ đến việc bảo vệ các mạng mặt đất của mình,” thì các mạng này sẽ dễ bị tổn thương và các vệ tinh sẽ không thể phân phối thông tin được.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: