Myanmar biểu tình lớn ba tuần sau vụ đảo chính

Người Myanmar biểu tình phản đối đảo chính quân sự, đòi tái lập chế độ dân chủ hôm 09/02. Ảnh Ninjastrikers, Wikimedia.

H.C.

Các doanh nghiệp ở Myanmar đã đóng cửa hôm nay thứ Hai 22-02-2021 trong một cuộc biểu tình lớn phản đối cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng; hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập ở các thị trấn và thành phố bất chấp thông điệp lạnh lùng từ quân đội rằng cuộc đối đầu sẽ khiến nhiều người thiệt mạng hơn.

Hôm Chủ nhật 21/02, hàng trăm người đã tham dự lễ tang của cô Mya Thwate Thwate Khaing, một phụ nữ trẻ đã trở thành biểu tượng của cuộc phản kháng sau khi bị bắn vào đầu vào ngày 9 tháng 2 trong lúc biểu tình ở thủ đô Naypyidaw.

Hôm thứ Bảy, thêm hai người biểu tình thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng vào đoàn người ở thành phố Mandalay, đánh dấu ngày đẫm máu nhất trong chiến dịch khôi phục nền dân chủ Myanmar.

Ba tuần sau khi nắm quyền, chính quyền quân sự Myanmar vẫn không thể ngăn chặn các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự diễn ra hàng ngày, kêu gọi đảo ngược cuộc đảo chính ngày 1-2-2021 và trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.

“Chúng tôi không muốn chính quyền quân phiệt (junta), chúng tôi muốn dân chủ. Chúng tôi muốn tạo ra tương lai của chính mình.”

Htet Htet Hlaing, 22 tuổi

Đài truyền hình nhà nước MRTV đã cảnh báo người biểu tình phải chịu hậu quả nặng nề khi chống lại chính quyền. “Những người biểu tình đang kích động người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và giới trẻ dễ xúc động, dẫn họ vào con đường đối đầu mà họ sẽ phải chịu thiệt hại về nhân mạng,” đài này nói.

Cô Htet Htet Hlaing, 22 tuổi, cho biết cô rất sợ hãi và đã cầu nguyện trước khi tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Hai, nhưng cô không nản lòng. “Chúng tôi không muốn chính quyền quân phiệt (junta), chúng tôi muốn dân chủ. Chúng tôi muốn tạo ra tương lai của chính mình. Mẹ tôi không ngăn cản tôi xuống đường, bà chỉ bảo “hãy cẩn trọng”,” cô nói.

Ở một đất nước vẫn tin vào ngày lành tháng tốt, những người biểu tình đã lưu ý tới ý nghĩa của ngày hôm nay 22/2/2021, so sánh nó với cuộc biểu tình ngày 8/8/1988 khi một thế hệ trước tổ chức cuộc biểu tình chống quân đội và bị đàn áp đẫm máu, được biết tới với tên Phong trào 8888.

Lần này phản ứng của lực lượng an ninh có vẻ bớt chết chóc hơn. Ngoài ba người biểu tình đã thiệt mạng, quân đội cho biết một cảnh sát đã chết vì bị thương trong các cuộc biểu tình.

Những cái chết ở Mandalay hôm thứ Bảy đã không làm những người biểu tình vào Chủ nhật phải sợ hãi; hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường trong các ngày Chủ nhật và thứ Hai ở Mandalay, ở Yangon và nhiều thành phố khác.

Nhà văn và nhà sử học Thant Myint-U nhận định cơ hội cho một giải pháp hòa bình đang đóng lại. “Kết quả của những tuần tới sẽ được quyết định bởi hai điều: ý chí của một đội quân đã đè bẹp nhiều cuộc biểu tình trước đó và lòng dũng cảm, kỹ năng và quyết tâm của những người biểu tình,” ông viết trên Twitter.

Cùng với các doanh nghiệp địa phương, các chuỗi cửa hàng quốc tế đã thông báo đóng cửa từ thứ Hai, bao gồm KFC, dịch vụ giao hàng Food Panda. Công ty Grab cũng đã ngừng dịch vụ giao hàng nhưng vẫn để taxi hoạt động.

Bộ Ngoại giao Myanmar ra tuyên bố nói chính quyền quân sự đã “thực hiện các biện pháp kiềm chế tối đa”, đồng thời quở trách một số quốc gia về những nhận xét mà họ gọi là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Myanmar.

“Kết quả của những tuần tới sẽ được quyết định bởi hai điều: ý chí của một đội quân đã đè bẹp nhiều cuộc biểu tình trước đó và lòng dũng cảm, kỹ năng và quyết tâm của những người biểu tình,”

Nhà văn và nhà sử học Thant Myint-U

Một số nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và chỉ trích bạo lực chống lại những người biểu tình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “có hành động cương quyết” chống lại các nhà cầm quyền đàn áp thô bạo những người phản đối vụ đảo chính, đòi tái lập chế độ dân chủ. “Chúng tôi sát cánh với người dân Miến Điện,” ông Blinken viết.

Vương quốc Anh, Đức, Nhật Bản và Singapore cũng đã lên án bạo lực và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng vũ lực gây chết người là không thể chấp nhận được.

Biểu tình đòi tái lập dân chủ ở Myanmar ngày 09/02/2021. Ảnh VOA Burmese

Cư dân ở Yangon cho biết đường đến một số đại sứ quán, bao gồm cả đại sứ quán Hoa Kỳ, đã bị chặn vào thứ Hai. Các cơ quan đại diện ngoại giao đã trở thành điểm tập trung của những người biểu tình kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại Myanmar, Tom Andrews, cho biết ông vô cùng lo ngại trước cảnh báo của quân đội nước này đối với những người biểu tình. “Không giống như năm 1988, các hành động của lực lượng an ninh đang được ghi lại và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm,” ông nói trên Twitter.

Quân đội đã đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền lực sau khi cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020 trong đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo. Bà Suu Kyi và nhiều người trong ban lãnh đạo đảng NLD đã bị bắt giam khi vụ đảo chính bắt đầu. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ các khiếu nại gian lận.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar cho biết 640 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án kể từ cuộc đảo chính – bao gồm các cựu thành viên chính phủ và những người chống đối quân đội chiếm quyền.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: