Myanmar phóng thích hàng ngàn tù nhân chính trị

Bất chấp bị đàn áp dã man, các cuộc biểu tình ở Myanmar phản đối đảo chính vẫn nổ ra dữ dội suốt mấy tháng. Ảnh myanmar-now.org

Chính quyền quân sự Myanmar hôm Thứ Hai đã công bố kế hoạch trả tự do cho hơn 5,600 tù nhân chính trị bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính trong mấy tháng qua.

Vụ phóng thích xảy ra khi Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, bắt đầu kỳ nghỉ lễ ba ngày, bắt đầu từ Thứ Ba, gọi là Lễ hội Ánh sáng. Thân nhân của những người bị giam giữ đã khóc và hoan hô hôm Thứ Hai khi những người thân yêu của họ được thả ra ngoài nhà tù Insein ở thành phố Yangon.

Một số quan chức cấp cao của chính phủ dân sự bị phe quân đội đảo chính lật đổ và bắt giam vẫn còn ở trong tù. Không rõ họ và các nhà lãnh đạo biểu tình khác có được thả ra trong đợt này hay không.

Quân đội Myanmar đã nắm quyền sau cuộc đảo chính đầu Tháng Hai, bắt giam những người bất đồng chính kiến, những người biểu tình phản đối và hơn 1,000 người đã bị lực lượng an ninh giết chết kể từ đó. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (Miến Điện), một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận, có ít nhất 7,355 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án trong thời kỳ hậu đảo chính.

Các nhà phân tích chính trị đánh giá cuộc phóng thích tù nhân này, dù đáng hoan nghênh, nhưng là một mưu đồ xảo quyệt của quân đội nhằm tìm kiếm thiện chí và chấm dứt sự cô lập quốc tế – hoặc để chuyển sự chú ý của dư luận khỏi các cuộc đàn áp an ninh bộc lộ các hành vi vi phạm nhân quyền của họ.

Tháng trước, một chính phủ lưu vong được thành lập bởi các đối thủ của quân đội – bao gồm cả nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi – đã kêu gọi một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại các tướng lĩnh, làm nổ ra các cuộc đụng độ mới giữa quân đội và dân quân ủng hộ dân chủ.

Chuyên gia Joshua Kurlantzick, một thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, nói rằng việc thả tù nhân không phải là dấu hiệu cho thấy “bất kỳ bước thay đổi quan trọng nào” của quân đội – mà có thể là do các nhà tù quá đông của Myanmar. Ông nói, những vụ phóng thích như vậy đã từng xảy ra trước đây, và bản chất của chế độ quân sự vẫn như cũ.

Các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar cũng có thể đưa ra lệnh ân xá để xoa dịu các nước láng giềng trước thềm hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ diễn ra vào cuối Tháng Mười tại Brunei.

Tại cuộc họp khẩn hôm Thứ Sáu, các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã quyết định loại trừ Thống tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu cuộc đảo chính và hiện lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, khỏi hội nghị thượng đỉnh ASEAN do chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc khôi phục hòa bình cho Myanmar. Bộ Ngoại giao Singapore hôm Thứ Sáu nói rằng việc loại trừ nhà lãnh đạo quân sự Myanmar là “một quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để duy trì uy tín của ASEAN”, theo Reuters.

Phản đối quyết định của ASEAN, phát ngôn viên của quân đội Myanmar nói rằng “sự can thiệp của nước ngoài” là đáng trách. Trong một tuyên bố, chính quyền quân sự nói rằng Myanmar “vô cùng thất vọng và phản đối mạnh mẽ” kết quả của cuộc họp, đồng thời nói thêm rằng quyết định này “sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thống nhất và tính chất trung tâm của ASEAN.”

Nói chuyện với báo chí hôm Thứ Hai, tướng Aung Hlaing cho rằng tập đoàn quân sự cầm quyền Myanmar vẫn cam kết xây dựng hòa bình và dân chủ; đồng thời nói ASEAN cần phải xem xét các hành vi gây hấn và bạo lực do các nhóm đối lập thực hiện.

(theo Washington Post, Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: