Myanmar tiến dần đến bờ vực sụp đổ

Hơn năm tháng kể từ khi giành được quyền lực thông qua một cuộc đảo chính, chính quyền quân sự của Myanmar đang đẩy đất nước đến bờ vực. 

Hơn năm tháng kể từ khi giành được quyền lực thông qua một cuộc đảo chính, chính quyền quân sự của Myanmar đang đẩy đất nước đến bờ vực. 

Gần 900 thường dân đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh của quân đội Myanmar trấn áp những cuộc biểu tình của người bất đồng chính kiến, hàng nghìn người khác bị giam giữ. Các cuộc đụng độ giữa quân đội và dân quân các dân tộc thiểu số ở miền Đông của đất nước đã khiến hơn 100,000 dân thường phải di tản. Quân đội đã tấn công các đô thị ở trung tâm đất nước trong các trận chiến với quân nổi dậy mới thành lập.

Trong bối cảnh công nhân đình công và tẩy chay các công ty thuộc khu vực công do quân đội kiểm soát, nền kinh tế Myanmar đang đối mặt với mức suy giảm GDP ít nhất 10% trong năm 2021, trong khi Liên Hiệp Quốc dự báo một nửa trong số 54 triệu dân Myanmar sẽ rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong những tháng tới.

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh

Và sau đó là đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, Myanmar, giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, dường như đã tránh được đợt lây lan tồi tệ nhất của coronavirus. Nhưng bây giờ Myanmar đang chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm virus khi biến thể Delta độc hại hơn quét qua Đông Nam Á.

Hồi Tháng Năm, Myanmar chỉ ghi nhận vài chục trường hợp nhiễm bệnh hàng ngày, nhưng số ca nhiễm chính thức của Myanmar đã vượt qua 5,000 trường hợp/ngày, lần đầu tiên vào Thứ Hai 12 Tháng Bảy. Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, mức nhiễm bệnh trung bình bảy ngày trong một trăm ngàn dân Myanmar đã tăng từ 1.18 trường hợp vào ngày 25 Tháng Sáu lên 6.08 trường hợp vào ngày 9 Tháng Bảy. Khoảng một phần tư đến một phần ba số người được xét nghiệm coronavirus có kết quả dương tính, dấu hiệu của một đợt bùng phát sâu rộng. Trong khi đó, chỉ một phần nhỏ dân số Myanmar được tiêm một liều vaccine coronavirus.

Ông Joy Singhal thuộc Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc tế nói với hãng tin Reuters: “Sự gia tăng gần đây của COVID-19 ở Myanmar thực sự đáng báo động. Tỷ lệ rất cao các trường hợp dương tính trong vài tuần qua cho thấy tình trạng nhiễm virus lan rộng hơn nhiều. Chuyện này sẽ nhanh chóng trở thành cấp bách vì có nhiều người không được vào bệnh viện và cơ sở y tế để chữa trị”.

Theo các báo cáo, các cơ sở điều trị coronavirus do nhà nước điều hành đã hoạt động hết công suất. Giường bệnh và ô-xy thiếu thốn. Những bệnh nhân bị cho là bệnh quá nặng không thể cứu được hoặc bệnh quá nhẹ đều bị bệnh viện từ chối chữa trị. Những cảnh đau lòng diễn ra vào đầu năm nay ở nước láng giềng Ấn Độ – và cũng đang diễn ra ở các nước Thái Lan và Indonesia: những dòng người tìm kiếm bình ô-xy trong tuyệt vọng, đang được tái diễn ở các thành phố lớn Yangon và Mandalay của Myanmar.

Cuộc đảo chính đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Phong trào bất tuân dân sự chống chính quyền quân sự đã thu hút nhiều bác sĩ và nhân viên y tế, nhiều người trong số họ hiện không muốn làm việc cho các bệnh viện của chính phủ hoặc đã bị chính quyền quân sự đàn áp. Những người chỉ trích chế độ nói chính quyền quân sự cũng đã làm gián đoạn nỗ lực chống đại dịch được chính phủ dân sự trước đây thực hiện. Nhà lãnh đạo dân sự, bà Aung San Suu Kyi, cùng với nhiều đồng minh chính trị khác hiện vẫn đang bị giam giữ.

Ông Zeyar Tun, người sáng lập nhóm hành động công dân Clean Yangon, nói với hãng tin Associated Press: “Không một người khôn ngoan nào có trái tim nhân hậu và chân thành mong muốn sự thật lại muốn làm việc dưới sự cai trị của quân đội. Dưới thời bà Suu Kyi, chính phủ và các tình nguyện viên đã làm việc cùng nhau để ngăn chặn đại dịch này, nhưng rất khó dự đoán tương lai sẽ ra sao dưới sự cai trị của quân đội”.

“Sự tin tưởng của tôi đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của quân đội này là 0%”, một bệnh nhân COVID 23 tuổi sống ở miền Tây Myanmar nói với hãng tin Reuters. “Trung tâm cách ly kiểm dịch không có ai chăm sóc. Sẽ không có ai để giúp đỡ trong trường hợp cấp cứu”.

Nhưng chính quyền quân sự không quan tâm

Các lợi ích an ninh của quân đội được coi trọng hơn các lợi ích của sức khỏe cộng đồng. Bài báo của tờ South China Morning Post (SCMP) lưu ý: “Lệnh giới nghiêm do quân đội đặt ra cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những người tình nguyện khẳng định quân đội đã không sẵn sàng giúp đỡ mà thay vào đó họ để công chúng tự lo.”

Một tình nguyện viên 24 tuổi đến từ Yangon nói với nhật báo SCMP của Hong Kong: “Xe cứu thương của chúng tôi đã bị chặn lại trên đường vào lúc nửa đêm và [họ] cảnh báo chúng tôi nên đi sớm hơn nếu đó là trường hợp khẩn cấp.”

Tuy nhiên, chính quyền dường như không thèm để ý tới nỗi đau khổ của dân chúng hoặc mối quan tâm của nước ngoài. Tuần này, có thông tin cho rằng chính quyền quân sự đang tìm cách gán thêm bốn cáo buộc bổ sung chống lại bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự nổi tiếng hiện đang bị truy tố trong một loạt các vụ án có động cơ chính trị do quân đội khởi xướng. Các biện pháp trừng phạt từ một số chính phủ phương Tây đã không làm thay đổi hành vi của các tướng lãnh đầy tai tiếng hàng đầu của đất nước, những người từ lâu đã giữ quyền thống trị và đang dần dần đảo ngược các bước cải cách ôn hòa tiến tới tự do hóa chính trị trong thập niên qua.

Thất vọng trước tình thế này, các nhà hoạt động dân chủ của Myanmar đã chuyển sang sử dụng các biện pháp cực đoan; các đơn vị “tự vệ” mới được thành lập ở nhiều vùng khác nhau của đất nước và thực hiện các cuộc tấn công bạo lực vào lực lượng an ninh địa phương. Họ có rất ít cơ hội để tự mình đánh bại chế độ quân phiệt nhưng họ vẫn cầm vũ khí đứng dậy.

“Việc phe đối lập chấp nhận một đường lối cấp tiến và đầy rủi ro phản ánh nỗi thất vọng sâu sắc trước sự thất bại của thế giới bên ngoài, không có hành động dứt khoát chống lại cuộc đảo chính,” ban biên tập của The Washington Post lưu ý. “Trong khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt, Trung Quốc và Nga lại ngăn chặn hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, còn phản ứng của các nước châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản, rất yếu ớt.”

Một quốc gia thất bại

Theo cảnh báo của nhà sử học kiêm nhà bình luận người Myanmar, Thant Myint-U, đất nước này đang đứng trước bờ vực trở thành một quốc gia thất bại. Ngoài tình trạng vô chính phủ về chính trị và các thủ đoạn đàn áp của chính quyền quân sự, nền kinh tế đang suy sụp: Du lịch, nông nghiệp và ngành may mặc làm ra tiền của đất nước đều rơi vào tình trạng hỗn loạn, trong khi cuộc khủng hoảng ngân hàng do đảo chính gây ra đã làm cạn kiệt tiền mặt trong lưu thông và khiến các nhà đầu tư bên ngoài sợ hãi mà xa lánh.

“Khi sự bế tắc tiếp tục, nền kinh tế sẽ sụp đổ, nghèo đói cùng cực sẽ tăng vọt, hệ thống chăm sóc sức khỏe không còn và bạo lực vũ trang sẽ gia tăng, đưa làn sóng người tị nạn sang các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan”, ông Myint-U viết trong số mới nhất của tờ Foreign Affairs.

Ông nói thêm: “Myanmar sẽ trở thành một quốc gia thất bại, và những thế lực mới sẽ xuất hiện để lợi  dụng sự thất bại đó: Phát triển hoạt động kinh doanh chất ma túy tổng hợp methamphetamine trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm, chặt phá những khu rừng là nơi có các khu vực đa dạng sinh học quý giá nhất thế giới, mở rộng các mạng lưới buôn bán lậu động vật hoang dã, bao gồm cả những loài vật có thể gây ra đại dịch COVID-19 ở nước láng giềng Trung Quốc. Bản thân đại dịch sẽ không suy giảm.”

(Theo Washington Post)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: