Năm Mới Putin vẫn ngoan cố, chiến tranh chắc chắn kéo dài

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm bộ tư lệnh quân khu miền Nam Nga và đọc bài diễn văn mừng năm mới trong đó ông ta biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine mà Nga bắt đầu từ tháng 2-2022. Ảnh Kremlin Press Office / Handout/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng bài diễn văn mừng năm mới để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine, mắng nhiếc phương Tây vì cái mà ông nói là nỗ lực sử dụng cuộc xung đột để chia rẽ nước Nga, đồng thời báo hiệu quyết tâm của ông ta kéo dài cuộc chiến hiện đã sang tháng thứ mười một, theo tường thuật của báo The Wall Street Journal.

Đọc diễn văn trong chuyến thăm sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu Miền Nam Nga ở thành phố Rostov-on-Don hôm thứ Bảy 31 tháng Mười Hai, ông Putin nói năm 2022 được đánh dấu bằng “những quyết định khó khăn nhưng cần thiết” để bảo đảm nền độc lập hoàn toàn của Nga, củng cố sự gắn kết của xã hội Nga đã bị xói mòn bởi ảnh hưởng của phương Tây.

“Đây là một năm của những sự kiện thực sự có tính chuyển hóa, định mệnh,” nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhận xét. “Những sự kiện đó đã đặt nền móng cho tương lai chung của chúng ta, nền độc lập thực sự của chúng ta. Đó là những gì chúng ta đang chiến đấu ngày hôm nay, bảo vệ người dân của chúng ta trong các lãnh thổ lịch sử của chúng ta và cả trong các khu vực mới của Liên bang Nga,” ông nói, ám chỉ những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga chiếm được một cách bất hợp pháp bằng vũ lực trong cuộc chiến đang diễn ra.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng Hai 2022 là cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. Những ai có đầu óc suy nghĩ bình thường đều thấy Nga đã vô cớ xua quân tấn công một nước láng giềng nhỏ hơn nhưng độc lập và có chủ quyền – một hành vi không thể chấp nhận được cả theo luật pháp quốc tế và theo lẽ công bằng thông thường. Thế nhưng, theo Putin, cuộc xâm lược – mà ông ta gọi trệch đi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” – là nhằm ngăn chặn phương Tây xâm nhập vào Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Qua mười tháng binh lửa, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn thường dân, buộc hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt quốc tế đối với nền kinh tế Nga. Hàng chục nghìn binh sĩ Nga và Ukraine đã bị tàn sát khiến ông Putin phải huy động khoảng 300,000 lính quân dịch vào tháng Chín để bù đắp cho những tổn thất ngày càng tồi tệ trên chiến trường.

Ông Putin cũng tỏ ý muốn leo thang chiến tranh bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân, coi cuộc chiến như một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại những gì ông nói là chủ nghĩa đế quốc phương Tây trong khi khẳng định mình là người bảo vệ các giá trị truyền thống. “Sự thật lịch sử, đạo đức đứng về phía chúng ta,” ông Putin nói trong bài phát biểu.

Các nhà phân tích cho biết khi bắt đầu cuộc chiến, Putin tự tin rằng quân đội Nga có thể chiến thắng nhanh chóng. Nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine, các chỉ huy quân sự của Nga đã từ bỏ mục tiêu ban đầu là chiếm thủ đô Kyiv, chuyển sang tranh giành lãnh thổ ở phía đông và nam Ukraine. Rồi khi bị sa lầy trên chiến trường và bị đuổi khỏi những phần đất đã chiếm được, quân Nga lại chuyển hướng tấn công vào mạng lưới hạ tầng của Ukraine, pháo kích bừa bãi vào các nhà máy điện, trường học, trạm cấp nước và hơi đốt, gây nên bao thảm họa cho thường dân Ukraine trong mùa đông lạnh giá. Hành vi của Putin đã có thể bị liệt vào tội ác diệt chủng.

Nhưng Putin và các quan chức cấp cao của Nga trong bộ sậu của ông ta cho rằng, sở dĩ Ukraine kiên cường chống đỡ như vậy là nhờ nguồn yển trợ hỗ trợ quân sự và tài chính từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ủng hộ chính nghĩa của người Ukraine kháng chiến, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine loại hỏa tiễn vác vai Javelin để tiêu diệt các đoàn xe tăng Nga, các bệ phóng tên lửa Himars tân tiến để đẩy lùi lực lượng Nga ở nhiều khu vực. Đầu tháng này, chính quyền Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí trị giá gần $2 tỷ cho Ukraine, lần đầu tiên bao gồm hệ thống phòng không Patriot để giúp Kyiv tự bảo vệ trước những cơn mưa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mà Nga liên tục nhắm vào các nhà máy điện, lưới điện cùng các mục tiêu chiến lược khác của nước này.

Phần còn lại của hỏa tiễn và đạn pháo Nga bắn vào thành phố Kharkiv được các công tố viên Ukraine thu thập để làm bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của Nga. Ảnh Ảnh Vyacheslav Madiyevskyi / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images

Trong bài phát biểu Putin cáo buộc phương Tây lừa dối về cam kết giúp bảo đảm hòa bình ở khu vực Donbass phía đông Ukraine, nơi một cuộc xung đột đã kéo dài suốt tám năm, trước khi Nga xâm lược Ukraine. “Phương Tây đang nói dối về hòa bình trong khi chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Họ đang sử dụng một cách trắng trợn đất nước Ukraine và người dân Ukraine để làm suy yếu và chia rẽ nước Nga. Chúng tôi chưa bao giờ cho phép bất cứ ai làm như vậy và chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra trong tương lai”, Putin nói.

Ông Putin khẳng định cuộc chiến tranh đã giúp củng cố xã hội Nga, trong khi thực tế hàng trăm ngàn người Nga, bao gồm nhiều chuyên gia trẻ trong độ tuổi chiến đấu, đã trốn khỏi đất nước để tránh bị nhập ngũ.

“Đây là năm [2022] đã đặt nhiều thứ vào đúng vị trí của chúng, tách biệt rõ ràng lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khỏi sự phản bội và hèn nhát, đồng thời cho thấy không có sức mạnh nào cao hơn tình yêu dành cho gia đình và bạn bè, lòng trung thành với bạn bè và đồng đội, và cống hiến cho quê hương của một người,” Putin nói và tránh đề cập đến thực tế bi đát của nền kinh tế Nga do hậu quả của chiến tranh.

Hồi đầu tháng này, ngân hàng trung ương Nga cho biết họ lo ngại rằng việc chuyển hướng nhân lực và nguồn lực vào cuộc chiến ở Ukraine có thể gây ra một đợt lạm phát mới trong năm tới sau khi nó đã được kiềm chế phần lớn. Vào tháng Mười Một, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết quy mô nền kinh tế đã co lại 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp thực tế đó, trong bài phát biểu năm mới, Putin đã giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế và nói nước Nga đã thách thức những người ở phương Tây “mong đợi sự phá hủy hoàn toàn ngành công nghiệp, tài chính và giao thông của chúng ta”. 

Trong những tháng gần đây, Điện Kremlin cũng đã cố gắng tô vẽ nước Nga như một bức tường thành chống lại những gì họ nói là giới tinh hoa tự do ở phương Tây đang muốn thống trị phần còn lại của thế giới. Putin đã tăng cường quan hệ với các quốc gia chuyên chế như Belarus, Iran và Trung Quốc để lập một liên minh chống phương Tây.

Các nhà phân tích cho rằng, điều đáng chú ý trong phát biểu đầu năm của Putin là không có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Ukraine sắp kết thúc.

Điện Kremlin nhiều lần lên tiếng nói họ sẵn sàng đàm phán, nhưng đã bác bỏ kế hoạch do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề ra, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân. Moscow đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán là các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được phải thuộc về nước Nga – điều mà Kyiv không thể nào chấp nhận được.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh Moscow sẽ không lùi bước. “Chiến thắng của chúng ta, giống như Năm Mới, là không thể tránh khỏi,” ông Shoigu trong lời chúc năm mới gửi tới quân đội Nga.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: