Năm thứ hai chiến tranh Ukraine: Mỹ tăng viện trợ và trừng phạt

Bước sang năm thứ hai của cuộc chiến Ukraine, chính phủ Mỹ công bố gia tăng viện trợ quân sự cho Kyiv với những loại vũ khí tân tiến, trong đó có xe tăng Abrams, được đánh giá là số 1 thế giới hiện nay. Ảnh xe tăng Abrams của Mỹ tập trận với xe tăng Leopard do Đức chế tạo tại Ba Lan cuối tháng 12 vừa qua, Ảnh Artur Widak/NurPhoto via Getty Images

Đánh dấu sự khởi đầu năm thứ hai của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai đã công bố viện trợ quân sự bổ sung cho Kyiv hàng tỷ đô la đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên những công ty Nga và nước ngoài đã hỗ trợ cuộc xâm lược.

$2 tỷ viện trợ quân sự mới

Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Sáu sẽ chi thêm $2 tỷ để cung cấp cho quân đội Ukraine các sản phẩm vũ khí mới nhất bao gồm các hệ thống máy bay không người lái (UAV) hiệu Cyberlux K8, Switchblade 600, Altius-600 và Jump 20. Mỹ cũng cung cấp đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS; đạn pháo 155 ly; đạn cho hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser; thiết bị rà phá bom mìn; và thiết bị thông tin liên lạc.

Không giống như phần lớn những gì Mỹ đã chuyển giao trước đây, số vũ khí mới này sẽ không được lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ mà thay vào đó, Bộ sẽ mua từ các nhà sản xuất và gửi chúng đến Ukraine – việc giao hàng có thể bị chậm hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm dù vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu quân sự lâu dài của Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News vào tối thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden cho biết “vào lúc này” ông chưa tính tới việc gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine như yêu cầu của Kyiv và sự thúc giục của một số quốc gia đồng minh.

Trong một năm chiến tranh vừa qua, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng $54 tỷ viện trợ cho Ukraine, phần lớn là viện trợ quân sự, trở thành nước viện trợ lớn nhất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine. Vào cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá $50 tỷ cho Ukraine, được chi tiêu trong suốt cả năm. Thông báo viện trợ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai 2023 là một phần của khoản viện trợ này.

Ngoài vũ khí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hơn $10 tỷ viện trợ phi quân sự mới cho Ukraine, gần như tất cả đều hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho chính phủ nước này để giúp duy trì các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Mở rộng trừng phạt kinh tế

Ngoài viện trợ quân sự và tài chính, chính phủ Mỹ đã gia tăng nỗ lực làm suy yếu tiềm lực chiến tranh của Nga bằng cách ngăn chặn các công ty Nga và nước ngoài trốn tránh các biện pháp hạn chế xuất cảng của Mỹ và mua sắm các sản phẩm công nghệ, kể cả những hàng hóa tiêu dùng có công nghệ không cao.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu đã thêm vào “sổ đen” 86 công ty và tổ chức mà họ cho là đã hỗ trợ cuộc chiến của Nga hoặc tham gia vào các hoạt động khác trái với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các công ty và tổ chức này bị cấm mua một số sản phẩm và công nghệ của Hoa Kỳ. Trong danh sách các thực thể bị trừng phạt có 79 công ty ở Nga, năm công ty Trung Quốc; hai công ty Canada; Pháp, Luxembourg và Hà Lan mỗi nước có một công ty.

Trong số các công ty Nga có tập đoàn viễn thông Megafon – nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai của nước này, bị Mỹ cáo buộc “thâu tóm và cố thâu tóm” công nghệ Mỹ để phục vụ quân đội Nga. Năm công ty Nga khác bị trừng phạt vì hỗ trợ cho điều mà Mỹ gọi là “các chiến dịch xâm nhập” vào các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng, “sử dụng công nghệ sinh trắc học (biometrics) để đàn áp sự phản kháng của người dân và cưỡng bức người Ukraine phải thể hiện sự trung thành với Nga”.

Ngay cả thủ đô Kyiv của Ukraine cũng không tránh được sự tàn phá của cuộc xâm lược mà Nga thực hiện đúng một năm trước. Ảnh một đứa trẻ chơi xích đu trước một tòa nhà bị phi pháo Nga làm hư hại ở Kyiv hôm 25 Tháng Hai 2023. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Trong số các công ty Trung Quốc bị trừng phạt có hai tập đoàn công nghệ hàng không và vệ tinh nhân tạo là công ty Spacety Co Ltd và công ty China HEAD Aerospace Technology Co; trong đó Spacety Co. đã bị trừng phạt từ Tháng Một 2023.

Bộ cũng đặt ra các hạn chế trong việc bán công nghệ cho Iran, sau khi phát hiện ra máy bay không người lái của Iran trên chiến trường Ukraine. Hôm thứ Sáu, chính quyền Biden cho biết càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga đang lên kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran như một phần của mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc, đổi lại việc Iran cung cấp cho Nga các loại UAV và đạn đại bác để sử dụng tại Ukraine. 

“Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Iran đã vận chuyển pháo và đạn xe tăng tới Nga để sử dụng ở Ukraine và Nga đang có kế hoạch hợp tác với Iran để có được nhiều thiết bị quân sự hơn nữa. Đổi lại, Nga đã cung cấp cho Iran sự hợp tác quốc phòng chưa từng có, bao gồm cả tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không”, ông John Kirby, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia cho biết và nói thêm rằng mối quan hệ hợp tác quân sự Nga – Iran không chỉ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine mà cả môi trường an ninh ở Trung Đông.

Cấm vận có hiệu quả không?

Quyết định trừng phat kinh tế các thực thể của Nga và một số nước nói trên được phối hợp với các đồng minh trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. “Các lệnh trừng phạt của chúng tôi vừa có tác động trước mắt vừa lâu dài, ngăn chặn năng lực của Nga bổ sung kho vũ khí và vực dậy nền kinh tế bị cô lập của họ”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố. “Hành động của chúng tôi hôm nay cùng với các đồng minh G7 cho thấy chúng tội sẽ sát cánh cùng Ukraine chừng nào điều đó là cần thiết”.

Bà Yellen đang tham dự hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Bengaluru, Ấn Độ. Vào sáng thứ Sáu 24 Tháng Hai, bà Yellen nói với phái đoàn Nga tại hội nghị rằng “chuyện họ làm việc cho Điện Kremlin đã khiến họ trở thành tòng phạm trong những hành vi tàn độc của Putin”. “Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống và sinh mạng bị cướp mất ở Ukraine và những tai họa gây ra trên toàn cầu”.

Cùng quan điểm với bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng biện pháp cấm vận kinh tế “vẫn chưa xong”; đồng thời công bố những biện pháp trừng phạt mới lên những công ty cung cấp thiết bị chiến tranh cho Nga, cấm xuất cảng sang Nga những mặt hàng dùng trong chiến tranh như phụ tùng phi cơ, thiết bị radio, linh kiện điện tử dùng trong vũ khí… Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Marie thì nhận định “các biện pháp cấm vận của chúng ta là mạnh mẽ và có hiệu quả và sẽ có hiệu quả hơn nữa trong tương lai”.

Chỉ có Trung Quốc – một nước không thuộc nhóm G7 – trong bản minh định “lập trường về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine” công bố hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai thì cho rằng cần phải chấm dứt ngay các biện pháp trừng phạt “đơn phương” không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Hội đồng Bảo an là tổ chức quốc tế quan trọng nhất nhưng đang bị tê liệt vì lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc, cho nên đề nghị của Bắc Kinh chỉ nhằm mang lại lợi ích cho Nga, và cả cho Trung Quốc sau này.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: