Nếu Mỹ và Trung Quốc thực chiến, ai sẽ thắng?

Hải quân Đài Loan luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Mỹ có thể mất tới 900 máy bay chiến đấu khi tham chiến chống lại cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc, nhưng cuối cùng Mỹ sẽ giành chiến thắng. Đó là kết luận bước đầu của một trò chơi giả lập chiến tranh.

Hậu quả khủng khiếp, nhưng Trung Quốc bị nặng hơn và sẽ thua

Một loạt trò chơi giả lập chiến tranh đã được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS), một tổ chức tư vấn (think tank) có trụ sở tại Washington DC tiến hành để mô phỏng cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Nhóm nghiên cứu nói với Business Insider, Mỹ và Đài Loan sẽ thành công trong việc đẩy lui cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, thậm chí Mỹ có thể Mỹ mất đến 900 máy bay chiến đấu. Mục tiêu của CSIS khi mô phỏng trò chơi chiến tranh là để hình dung cuộc xung đột Mỹ-Trung trong tương lai gần sẽ diễn ra như thế nào. Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại CSIS nói: “Tin tốt là ở tất cả các lần giả lập, khi kết thúc chúng tôi đều có một Đài Loan độc lập. Cuối cùng, Mỹ và Đài Loan đã thành công trong việc giữ hòn đảo khỏi sự chiếm đóng của Trung Quốc, nhưng cái giá phải trả là rất cao, thiệt hại hàng trăm máy bay, tàu sân bay. Nền kinh tế Đài Loan bị tàn phá khủng khiếp. Hải quân và không quân Trung Quốc còn tệ hơn”.

Một cuộc tập trận giả lập của quân đội Đài Loan khi mô phỏng cuộc đổ bộ của quân xâm lược Trung Quốc; Tân Đài Bắc, Tháng Bảy 2022 (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Trong một kịch bản mô phỏng, 900 máy bay chiến đấu và cường kích của Mỹ sẽ bị phá hủy trong bốn tuần giao tranh, bằng phân nửa số máy bay chiến đấu hiện có của Không quân và Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, trong khi Mỹ bị tổn thất nặng nề trong một cuộc xung đột toàn diện với Trung Quốc, Mark Cancian cho biết: “Nhìn chung, Trung Quốc vẫn chịu nhiều thiệt hại hơn. Tôi có thể nói rằng trong hầu hết các kịch bản chiến tranh, hạm đội Trung Quốc phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn vì nó rất dễ bị lộ. Họ có thể mất hơn 100 tàu ngay trong cuộc đổ bộ đầu tiên” – ông nói.

Phương pháp giả lập

Các trò chơi chiến tranh được thiết kế để giúp hình dung một cuộc xung đột giữa hai cường quốc sẽ diễn ra như thế nào và hậu quả ra sao. Trong cuộc xung đột tưởng tượng sẽ xảy ra vào năm 2026, mỗi bên đều có các năng lực quân sự đã được chứng minh và có thể huy động ngay khi thực chiến.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã giả lập trò chơi 18 lần trong kế hoạch 22 lần, và dự kiến sẽ hoàn tất và ​​công bố báo cáo tổng kết chính thức vào Tháng Mười Hai. Trong bản đồ trò chơi chiến tranh, hai phe (Mỹ và Trung Quốc) sẽ tham chiến tại khu vực Tây Thái Bình Dương, gồm cả Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc với những trận đánh di chuyển khắp bản đồ. Nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình (model) chiến tranh do máy tính đưa ra và bảng kết quả chiến đấu để quyết định điều gì sẽ xảy ra dựa trên phân tích kinh nghiệm lịch sử chiến tranh. Xúc xắc cũng được sử dụng để thêm yếu tố ngẫu nhiên.

Sau đó, các nhà phân tích chuyển sang một bản đồ riêng cho Đài Loan, với trò chơi chiến tranh trên mặt đất để giả lập cuộc xâm chiếm và bảo vệ đảo. Cancian cho biết CSIS vẫn chưa giả lập tình huống chiến tranh tồi tệ nhất nhưng một trong những giả lập (được Wall Street Journal đưa tin đầu tiên) có đưa vào hai yếu tố bi quan: Mỹ phải chia lửa cho một cuộc khủng hoảng khác trên thế giới, chẳng hạn Ukraine, và người Đài Loan phản ứng chậm vì các hoạt động và phá hoại thông tin của Trung Quốc.

Ông cho biết CSIS đã có kế hoạch thực hiện thêm các mô phỏng chiến tranh nữa với một số giả định còn bi quan hơn, khi lục địa Trung Quốc bị tấn công và sự can dự trực tiếp của Nhật Bản. Cancian nói: “Sau khi kế hoạch giả lập hoàn tất, CSIS sẽ đề xuất một số cải tiến trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, chẳng hạn mua thêm tên lửa tầm xa và xây dựng các hầm trú ẩn ở Guam và Nhật Bản để bảo vệ máy bay vì đa số máy bay bị phá hủy đều đậu trên mặt đất”.

Hàng rào được dựng tại bờ biển đảo Kim Môn (Kinmen), Đài Loan (ảnh: Carl Court/Getty Images)

____________

Một số chỉ huy quân đội Hoa Kỳ cho rằng thời điểm Trung Quốc tấn công Đài Loan có thể là năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong một tình huống giả lập, Trung Quốc sẽ mở chiến dịch tấn công cực mạnh, với ý đồ khuất phục Đài Loan càng nhanh càng tốt trong khi ngăn chặn phản ứng dự kiến ​​của Mỹ. Quân đội Trung Quốc sẽ bắn tên lửa đạn đạo vào các căn cứ không quân của Mỹ ở Nhật Bản và hạm đội mẫu hạm ở Thái Bình Dương, phá hủy phi đội máy bay chiến đấu và đánh chìm hạm đội Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng triển khai một tuyến phòng thủ gồm các chiến hạm trên duyên hải mạn Đông của Đài Loan và ném bom vào cơ sở hạ tầng của hòn đảo để cản trở sự di chuyển của bộ binh Đài Loan. Cuối cùng, Trung Quốc đổ bộ 22,000 quân lên bờ biển phía Đông Nam Đài Loan và từ đó kéo đại binh về phía Bắc, với mục đích chiếm cảng hoặc sân bay trong khi tránh các thành phố và cuộc chiến đô thị.

Phần mình, Mỹ sẽ oanh tạc những cảng Trung Quốc, tiêu diệt hàng loạt tàu chiến và tấn công những tàu đổ bộ mà Trung Quốc cần để chở quân và tiếp tế cho chiến trường Đài Loan…

____________

Chiến tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi?

Những khác biệt không thể hoá giải về vấn đề Đài Loan đang làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung và một số nhà phân tích quân sự tin rằng cuối cùng Trung Quốc cũng sẽ xâm chiếm hòn đảo này và chiến tranh Mỹ- Trung là “không thể tránh khỏi”.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã gây sức ép để các chính phủ trên thế giới không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và hứa sẽ thống nhất với hòn đảo tự quản này vào năm 2050 dù phải dùng vũ lực. Từ lâu, Mỹ đã cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc hỗ trợ Đài Loan và tránh kích hoạt chiến tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, các căng thẳng gần đây đã làm tăng nguy cơ này, đặc biệt là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Bắc bất chấp cảnh báo và hù dọa liên tục của Trung Quốc.

Trung Quốc gọi chuyến thăm “hành động khiêu khích nghiêm trọng” và thề sẽ “trừng phạt đích đáng” Đảng Dân chủ và gia đình bà Pelosi. Nhưng theo các chuyên gia, phản ứng của họ nhìn chung vẫn nằm trong “giới hạn an toàn”, chủ yếu là tập trận bắn đạn thực và phóng tên lửa “không mục tiêu” mà Trung Quốc gọi là “quá trình đào tạo và chuẩn bị chiến tranh”. Ngay cả sau khi đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ thứ hai do Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey dẫn đầu đến thăm Đài Bắc ngày 14 Tháng Tám, chỉ hai tuần sau Pelosi, phản ứng của Trung Quốc cũng chẳng khác hơn. Kèm theo cảnh báo “đừng đùa với lửa” là tập trận và… tập trận! Khi Trung Quốc tập trận họ cũng đã để lộ “kịch bản” chiếm đảo và Mỹ sẽ có vô số thông tin để phân tích.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: