Nga đang học “trò ma” của Iran để né trừng phạt

Dân Đức biểu tình kêu gọi giới chức chính phủ cấm vận dầu Nga (với hình nộm Thủ tướng Olaf Scholz – giữa; Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner-trái; và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck – ảnh: Fabian Sommer/picture alliance via Getty Images)

Khi Nga đang chịu tác động của các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế. Moscow đang nhờ một đồng minh đáng tin cậy với hơn bốn thập niên kinh nghiệm để giúp đỡ vô hiệu hoá các lệnh cấm vận của phương Tây, đặc biệt là dầu hỏa, với một xảo thuật được gọi là “Ghosting”…

Ngưu tầm ngưu

Theo Castellum.Ai, tổ chức theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Iran là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Nhưng nay kỷ lục này đã được chuyển cho Nga và hai quốc gia đang ở trong tình trạng mà các nhà phân tích gọi là “cuộc hôn nhân thuận lợi” sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi chiến sự ở Ukraine leo thang. Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Gulf State Analytics tại Washington DC, giải thích: “Lợi ích chung trong việc giúp nhau né các lệnh trừng phạt của phương Tây là rất quan trọng. Nga có thể học được nhiều ở Iran”.

Trong bối cảnh các cuộc phong tỏa đường hàng không ăn miếng trả miếng giữa Moscow và phương Tây bắt đầu vào tháng trước, Bộ trưởng Giao thông Nga Vitaly Savelyev không hề che giấu khi nói đất nước ông đang nghiên cứu “kinh nghiệm Iran” để đối phó với lệnh trừng phạt về bảo trì và phụ tùng thay thế cho các máy bay do phương Tây sản xuất. Iran vẫn vận hành tốt một số máy bay Mỹ và phương Tây mua trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 dù đã cắt đứt quan hệ giữa hai bên.

Mối quan hệ song phương này càng phát triển mạnh mẽ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát, đặc biệt là nếu các cuộc đàm phán tại Vienna không thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA (thỏa thuận năm 2015 đặt ra các giới hạn có thể xác minh trong chương trình hạt nhân của Iran, được thiết kế để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân). Sự cô lập mà Nga đang phải chịu khiến Tehran trở nên hữu ích hơn nữa đối với Điện Kremlin.

Nga đang trải qua cuộc khủng hoảng tương tự Iran khi phương Tây trừng phạt Moscow trong nhiều lĩnh vục nhằm làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của nước này. Mỹ, nhóm các quốc gia giàu có G7 và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, cú đánh mạnh nhất sẽ là vào kỹ nghệ năng lượng của Nga với sản lượng xuất sang châu Âu chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Nga vào năm 2020. Mỹ và Anh đã cấm dầu Nga. EU phụ thuộc nhiều vào dầu Nga cũng đang xem xét làm tương tự dù chưa đạt được đồng thuận.

Kho dầu của tập đoàn Nga Lukoil tại Neder-Over-Heembeek (Brussels, Bỉ) (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Thủ thuật “ghosting”

Được hỏi, liệu Nga có thể làm theo lời khuyên của Iran để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số nhà phân tích trả lời là “được”. Một cách mà Nga có thể học để bỏ qua lệnh cấm vận dầu thô là “chuyển tàu” và “đổi thương hiệu”, một chiến thuật đã được Iran sử dụng thành công. Trong quá khứ, Iran đã giấu hàng triệu thùng dầu tại các cảng ít được biết đến ở châu Á (Reuters phát hiện vào năm 2012). Tại các cảng này, hoạt động chuyển thùng trong đêm từ tàu thứ nhất sang tàu thứ hai mang quốc tịch khác diễn ra bình thường, sau đó dầu được cho những người mua châu Á mà không sợ bị phương Tây phát hiện. Cormac McGarry, chuyên gia an ninh tại Control Risks ở London, nhận định: “Khoảng 8% tàu chở dầu lớn nhất thế giới tham gia buôn lậu dầu đang bị trừng phạt, chủ yếu là sản phẩm của Iran và Venezuela”.

Ghosting là cơ chế được sử dụng phổ biến nhất, theo đó các tàu tắt hệ thống nhận dạng tự động khi chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác. Mánh khóe ở đây là chiếc tàu thứ hai chở dầu pha trộn hay đổi thương hiệu vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt, còn con buôn hoặc người tiêu dùng bị lừa khi tưởng rằng họ đã mua một hàng hóa hợp pháp.

Windward, một công ty tình báo hàng hải của Israel, cho biết trong tháng qua, họ đã xác định được các hoạt động chuyển giao dầu giữa các tàu chở dầu khởi hành từ các cảng của Nga và các tàu chở dầu khác. Sau đó, các tàu chở dầu đã được đánh tráo xuất xứ này sẽ đến Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. “Trong khi lệnh cấm vận làm thay đổi hành vi của những con tàu tuân thủ pháp luật, một số công ty tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh bằng Ghosting” – Windward viết trên blog. Trong trường hợp Iran, các vùng lãnh thổ xa xôi của Malaysia được sử dụng làm nơi “pha trộn”, đánh tráo hoặc “tạo thương hiệu mới”, biến dầu Iran thành dầu của nước khác và bán cho người mua quốc tế. “Xưởng đánh tráo, đổi thương hiệu Malaysia” được biết đến như một cửa ngõ lách lệnh trừng phạt để dầu Iran đến được với những người mua châu Á mà lớn nhất là Trung Quốc mà không sợ bị Mỹ chế tài.

Vấn đề là kéo dài “trò ma” được bao lâu?

Nga cũng đang đi theo con đường tương tự, dầu của nước này hiện được đổi tên thành “Latvian”, một thương hiệu mới. 49.99% dầu Nga pha trộn với dầu nước khác được dán nhãn mới Latvian. Bloomberg đưa tin dầu Latvian từng được công ty dầu khí Shell có trụ sở tại Anh mua. Một nhà phân tích nhận định: “Dù sợ bị trừng phạt cả về danh tiếng lẫn tài chính, nhưng nhu cầu dầu thô quá cao khiến một số người mua hám lợi nhuận mạo hiểm đến tận cùng của thị trường chợ đen để tìm dầu. Thị trường dầu đang bị siết chặt về nguồn cung nên dầu Nga tráo thương hiệu vẫn được săn lùng mua” – Esfandyar Batmanghelidj, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức tư vấn Bourse & Bazaar ở London nói.

Các nhà phân tích cho rằng về mặt tài chính, Iran đã xây dựng một mạng lưới mờ ám sử dụng các công ty bình phong và các giao dịch tuần hoàn để rửa tiền và né trừng phạt. Nay thủ đoạn này đang Nga vận dụng. Richard Nephew, một học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (Columbia’s Center on Global Energy Policy) ở New York, người trước đây từng là Phó giám đốc theo dõi các biện pháp trừng phạt tại Bộ Ngoại giao và Giám đốc Các vấn đề Iran tại Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nhận định: “Những công ty bình phong được Iran sử dụng nhuần nhuyễn. Đây là một chiến thuật Nga đang học hỏi. Iran đã giúp Nga một số công cụ để né trừng phạt”. Nhưng theo Batmanghelidj, trốn tránh lệnh trừng phạt không hề dễ dàng. “Nó có thể trì hoãn sự sụp đổ kinh tế trong ngắn hạn, nhưng không thể cứu được nền kinh tế trong dài hạn” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: