Nga dùng vũ khí khí đốt, châu Âu lo ngại

Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu để gây áp lực kinh tế
Trạm tiếp nhận và phân phối khí đốt từ Nga chuyển tới theo đường ống Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Chính phủ Đức đã quyết định đóng cửa đường ống này ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, làm giá khí đốt tăng mạnh. Nay thì Nga đơn phương quyết định giảm khối lượng khí đốt truyền qua đường ống Nord Stream để gây áp lực kinh tế với EU. Ảnh Christian Ender/Getty Images

Nga đã bắt đầu sử dụng việc cung cấp khí đốt làm vũ khí kinh tế để trừng phạt châu Âu vì các nước này tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của Nga. Hành động cắt giảm nguồn khí đốt tự nhiên của Moscow xuất sang châu Âu đang đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) vào một giai đoạn mới nguy hiểm, có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nhiên liệu và làm suy yếu nền kinh tế của lục địa này, theo tường thuật của báo The Wall Street Journal.

Tập đoàn khai thác và xuất cảng khí đốt khổng lồ của nhà nước Nga Gazprom PJSC đã khóa bớt van điều chỉnh dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream tới Đức trong tuần này, đổ lỗi cho việc họ thiếu các bộ phận turbine đang bị mắc kẹt ở Canada do lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng các quan chức và nhà phân tích châu Âu bác bỏ lời giải thích và cho rằng Moscow đang “vũ khí hóa khí đốt” chống lại các thành viên EU đã ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Chúng tôi được thông báo rằng Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho toàn châu Âu là do yếu tố kỹ thuật. Chúng tôi và những người khác nghĩ rằng đó là lời nói dối. Trên thực tế, đây là cách Nga sử dụng khí đốt mang tính chính trị, giống như việc sử dụng lúa mì làm chính trị”, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết hôm Thứ Năm 16 Tháng Sáu trong một cuộc họp báo ở Kyiv thủ đô Ukraine. Thủ tướng Ý, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có mặt ở Ukraine để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, ở đó nhà lãnh đạo ba nước lớn nhất EU thông báo sẽ đẩy nhanh việc kết nạp Ukraine làm thành viên EU và gia tăng viện trợ quân sự cho cuộc kháng chiến của nước này.

Trong khi đó Đại sứ Nga tại EU, Vladimir Chizhov, cảnh báo đường ống có thể bị đóng do thiếu các bộ phận. Đường ống này là con đường chính dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu, chuyển tải khoảng một nửa tổng lượng khí đốt vào năm 2021. “Tôi nghĩ đó sẽ là một thảm họa đối với Đức,” ông Chizhov nói với tờ báo nhà nước Nga RIA Novosti.

Dữ liệu từ ban điều hành đường ống Nord Stream cho thấy dòng khí đốt chảy qua nó giảm xuống khoảng 55% khối lượng từ đầu tuần. Giá khí đốt giao sau của châu Âu tăng hơn 20% vào Thứ Năm 16 Tháng Năm, trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức giá cao hơn 3.3%, đạt 124.36 euro, tương đương khoảng $130 một megawatt-giờ.

Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie Endowment tại Washington, nhận định: “Kremlin tin rằng họ đang trong một cuộc chiến tranh lâu dài với Hoa Kỳ và EU cả trên chiến trường Ukraine và trên các vấn đề địa kinh tế. Khí đốt là ‘vũ khí’ mạnh nhất của họ, và có vẻ như Moscow đã quyết định sử dụng đòn ngừng cung cấp khí đốt ngay từ bây giờ mà không cho châu Âu có thời gian chuẩn bị và làm đầy các kho dự trữ”.

Việc cắt nguồn khí đốt bán cho châu Âu cũng là một quyết định “đau đớn” của Nga bởi vì ngoài việc xuất cảng năng lượng, nền kinh tế Nga hầu như đã bị cô lập khỏi thị trường phương Tây. Tập đoàn Gazprom của Nga và các công ty năng lượng châu Âu đã ký kết với nhau nhiều hợp đồng mua bán khí đốt dài hạn nhưng chưa rõ việc đơn phương cắt giảm hoặc ngừng cung cấp của Gazprom có phù hợp với hợp đồng hay không.

Người đứng đầu tập đoàn Gazprom, ông Alexei Miller, hôm Thứ Năm cho biết công ty cảm thấy thoải mái với việc giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vì giá đã tăng cao hơn rất nhiều. Trong vài tháng sau khi Moscow xâm lược Ukraine, Gazprom đã cắt nguồn khí đốt xuất cảng cho các công ty ở Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria và vài nơi khác, với lý do các công ty đã không tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp Nga. Trong tuần này, Gazprom đi xa hơn và cắt nguồn cung cấp cho các công ty năng lượng của Đức, Áo, Ý và Pháp, dù các công ty này đã đồng ý thanh toán bằng đồng rúp.

Công nhân lò luyện kim loại Siempelkamp Giesserei ở Krefeld, Đức. Công ty Siempelkamp foundry đang lo ngại hoạt động sản xuất của họ có thể bị đình trệ do thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Ảnh Sascha Schuermann/Getty Images

Ở Berlin chính phủ Đức cho biết nguồn cung cấp khí đốt được bảo đảm và Đức có thể mua nhiên liệu từ các nguồn khác dù với giá cao hơn. Tuy vậy, việc giảm nguồn cung từ Nga sẽ gây khó khăn cho việc làm đầy kho khí đốt trước mùa Đông và có khả năng khiến các nhà máy và hộ gia đình trên khắp nước gặp nguy hiểm.

Việc tăng giá khí đốt sẽ làm khó khăn thêm cho cuộc chiến chống lạm phát của châu Âu, vốn đang làm dấy lên những nỗi lo lắng về sự ổn định của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Giá khí đốt ở Hà Lan, giá chuẩn của khu vực Tây Bắc châu Âu, đã tăng 47% trong tuần qua và cao hơn bốn lần so với một năm trước.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Moscow đang tống tiền EU bằng nguồn khí đốt. Đại diện của EC và các quốc gia thành viên đã gặp nhau vào Thứ Năm và cho biết không có mối đe dọa ngay lập tức đối với nguồn cung cấp khí đốt.

Trong thời gian ngắn hạn, các công ty châu Âu đã tích cực tìm các nguồn cung cấp thay thế và đã đạt được thỏa thuận với Mỹ, Ai Cập và Israel cũng như bảo đảm khối lượng cung cấp cao hơn từ các nhà sản xuất Azerbaijan và Na Uy. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhập cảng và tồn trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng của EU còn yếu và được phân bổ không đồng đều ở các nước thành viên EU.

Cơ sở nhập cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Đức sẽ hoạt động sớm nhất là vào cuối năm nay. Một vụ hỏa hoạn tại nhà máy của công ty Freeport LNG ở tiểu bang Texas, Mỹ có thể hạn chế lượng khí LNG xuất cảng của Hoa Kỳ trong vài tháng tới. Nhu cầu của Trung Quốc có thể làm gia tăng cuộc cạnh tranh về khí đốt trên thị trường toàn cầu.

Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch nghiên cứu khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, cho biết: “Nếu đường ống Nord Stream bị đóng hoặc giảm xuống mức 40%, thì tình hình EU sẽ rất tồi tệ”. Nếu Gazprom ngừng bơm khí đốt vào đường ống Nord Stream và không chuyển khí đốt qua một tuyến đường khác, thì các cửa hàng khí đốt ở châu Âu có thể sẽ hết hàng vào Tháng Giêng 2023.

Tom Marzec-Manser, nhà phân tích khí đốt tại công ty dữ liệu hàng hóa ICIS, cho biết nếu Nga chỉ bơm khoảng 67 triệu mét khối khí mỗi ngày vào đường ống Nord Stream, dưới mức mức dự kiến là 167 triệu mét khối thì châu Âu sẽ thiếu khoảng 13.5 tỷ mét khối khí đốt, tương đương khoảng 17% lượng khí đốt mà EU ​sẽ dự trữ vào Tháng Mười Một.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Rõ ràng là Nga đang theo đuổi chiến lược gây bất ổn và tăng giá”. Ông Habeck kêu gọi người Đức tiết kiệm năng lượng. Ông nói: “Tình hình hiện nay cũng cho thấy tiết kiệm năng lượng là mệnh lệnh của thời đại”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: