Nga phóng hỏa tiễn vào trung tâm mua sắm đông đúc ở Ukraine

Nhiều thành phố của Ukraine tan hoang sau những cuộc tấn công từ xa bằng hỏa tiễn của Nga. Ảnh Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hỏa tiễn của Nga đã tấn công một trung tâm mua sắm đông đúc ở miền Trung Ukraine hôm Thứ Hai 27 Tháng Sáu 2022, đồng thời ra sức chiếm một thành phố quan trọng ở phía Đông trong lúc các nhà lãnh đạo phương Tây hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv “chừng nào Ukraine cần”.

Vụ tấn công ghê tởm

Hơn 1,000 người có mặt bên trong trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchuk, phía Đông Nam Kyiv, khi hai hỏa tiễn của Nga đánh vào, ông Zelenskiy viết trên mạng Telegram. Các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 13 người thiệt mạng và 50 người bị thương và số người thương vong có thể sẽ tăng lên. 

“Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên mà là một cuộc tấn công có tính toán của Nga, bắn chính xác vào trung tâm mua sắm này”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu video buổi tối. 

Cuộc tấn công bị Liên Hiệp Quốc và các đồng minh phương Tây của Ukraine lên án. Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói tấn công là “tệ hại“. Các nhà lãnh đạo của nhóm bảy nền dân chủ lớn (G7) đang họp hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Đức, đã lên án cái mà họ gọi là một cuộc tấn công “ghê tởm“. “Chúng tôi đoàn kết với Ukraine thương tiếc các nạn nhân vô tội của cuộc tấn công tàn bạo này. Tổng thống Nga Putin và những người chịu trách nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm”, một tuyên bố chung của nhóm G7 do người phát ngôn chính phủ Đức đăng trên Twitter viết. 

Nga chưa lên tiếng bình luận về vụ tấn công. Nhưng Phó đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc, Dmitry Polyanskiy, cáo buộc Ukraine sử dụng vụ việc để gây thiện cảm trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự NATO ngày 28 và 30 Tháng Sáu tại Tây Ban Nha.

Điểm nóng chiến sự ở Lysychansk

Ở những nơi khác trên chiến trường, Ukraine phải trải qua một ngày khó khăn nữa sau khi mất thành phố Sievierodonetsk hiện đã đổ nát sau nhiều tuần bị bắn phá và giao tranh trên đường phố.

Pháo binh Nga đang chuyển sang tấn công Lysychansk, thành phố đối diện với Sievierodonetsk bên kia sông Siverskyi Donets. Lysychansk là thành phố lớn cuối cùng còn do Ukraine nắm giữ ở phía Đông tỉnh Luhansk, là mục tiêu chính của Kremlin hiện nay.

Thống đốc khu vực Luhansk Serhiy Gaidai cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Lysychansk hôm Thứ Hai đã khiến 8 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Không có bình luận ngay lập tức của Nga.

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng của Nga đang cố gắng cô lập Lysychansk khỏi vùng đất phía Nam Ukraine. Reuters không thể xác nhận các báo cáo của Nga rằng quân đội của Moscow đã tiến vào thành phố.

Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 đang diễn ra ở Đức, các nhà lãnh đạo các nước dân chủ cam kết viện trợ cho Ukraine “chừng nào nước này còn cần” để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ảnh Thomas Lohnes/Getty Images

G7 hỗ trợ Ukraine “đến khi nào nước này còn cần”

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Đức, các nhà lãnh đạo G7 – gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden – cho biết họ sẽ duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong thời gian cần thiết và gia tăng áp lực quốc tế đối với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin và đồng minh Belarus. Tổng thống Ukraine Zelenskiy tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 qua liên kết video từ Kyiv.

Hoa Kỳ cho biết đang sắp phê chuẩn một gói vũ khí viện trợ khác cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không tầm xa – loại vũ khí mà ông Zelenskiy đã yêu cầu cụ thể khi ông phát biểu với các nhà lãnh đạo G7 hôm nay.

Ông Zelenskiy cũng yêu cầu G7 giúp đỡ để xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine và áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga.

Các quốc gia G7 hứa sẽ siết chặt tài chính của Nga hơn nữa – bao gồm một thỏa thuận giới hạn giá dầu của Nga – và hứa viện trợ thêm cho Ukraine tới $29.5 tỷ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine chừng nào mà đất nước này cần,” một tuyên bố của G7 cho biết.

Tòa Bạch Ốc cho biết Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua vì các lệnh trừng phạt sâu rộng đã khiến Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: