Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse sụp đổ, bán cho UBS

Theo thỏa thuận vào tối Chủ Nhật 19 tháng Ba 2023, Ngân hàng Credit Suisse sẽ sáp nhập vào đối thủ là Ngân hàng UBS theo dàn xếp của chính phủ Thụy Sĩ để tránh một sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Ảnh Arnd Wiegmann/Getty Images

Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ đã đồng ý mua đối thủ lâu năm của nó là Ngân hàng Credit Suisse với giá khoảng 3 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương $3.2 tỷ để ngăn chặn cơn hoảng loạn tài chính đã càn quét thế giới trong tuần qua.

Cái chết bất ngờ của tổ chức tài chính 166 tuổi

Thỏa thuận được chính phủ Thụy Sĩ môi giới vội vã chỉ trong vài ngày, được công bố vào tối Chủ nhật 19 tháng Ba 2023, đánh dấu sự sụp đổ đáng kinh ngạc của Credit Suisse (CS) – tổ chức tài chính 166 tuổi từng là biểu tượng của niềm tự hào Thụy Sĩ. 

Được thành lập vào năm 1856 để tài trợ cho mạng lưới đường sắt của Thụy Sĩ, Credit Suisse đã vươn lên vị trí dẫn đầu về tài chính, có thời điểm ngang hàng với những người khổng lồ của Mỹ như JPMorgan Chase. Tuy nhiên, ngân hàng có trụ sở tại thành phố Zurich này cũng trải qua nhiều thập niên bê bối, biến động trong quản lý và những nỗ lực cải cách thất bại đã làm tổn hại đến danh tiếng của nó, bị vướng vào nhiều vụ kiện và quay cuồng vì thua lỗ. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ lên tới $147 tỷ!

Sự sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank cách đó 5,800 dặm mười ngày trước đã khiến các lỗ hổng tồn tại lâu nay trong ngân hàng CS trở nên rõ ràng và đẩy nhanh sự sụp đổ của nó, khiến các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu của CS.

Các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý của chính phủ Thụy Sĩ cho biết hôm Chủ nhật rằng thỏa thuận sáp nhập UBS-CS là cách hiệu quả nhất để trấn an các nhà đầu tư về sức khỏe của lĩnh vực tài chính của đất nước và ngăn chặn khả năng những rắc rối của nó tràn qua biên giới do vị trí của Credit Suisse – được coi là một trong 30 tổ chức có tầm quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo thỏa thuận, UBS sẽ trả 0.76 cổ phiếu của mình cho mỗi cổ phiếu của Credit Suisse, định giá ngân hàng CS vào khoảng 3 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương $3.2 tỷ – bằng một phần nhỏ so với giá trị thị trường của CS vào thứ Sáu.

Để hỗ trợ tài chính cho UBS thực hiện thương vụ này, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã đồng ý cho vay số tiền lên tới 100 tỷ franc Thụy Sĩ. Và Finma, cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ, đã thực hiện một số bước bất thường để giúp UBS nhanh chóng loại bỏ đối thủ cạnh tranh chính của mình, bao gồm xóa sạch số trái phiếu trị giá $17 tỷ mà Credit Suisse đã phát hành và thực hiện thỏa thuận sáp nhập giữa hai ngân hàng mà không cần tổ chức đại hội cổ đông để bỏ phiếu.

Thỏa thuận được dàn xếp vội vàng đến mức Ngân hàng UBS nói với các nhà phân tích rằng họ không có thời gian để mô hình hóa đầy đủ tất cả các tác động tài chính của việc mua Credit Suisse.

Một tuần căng thẳng

Khi cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse lao dốc trong tuần qua, các nhà phân tích và nhà đầu tư ngày càng suy đoán rằng chính phủ Thụy Sĩ sẽ buộc công ty này phải hợp nhất với UBS để tránh hỗn loạn và suy đoán đó đã thành sự thật vào cuối ngày Chủ nhật.

Trong tuần qua, khi những người gửi tiền rút hàng tỷ Mỹ kim tiền của họ và các tổ chức tài chính khác ngừng giao dịch với ngân hàng CS, các nhà quản lý đã thấy rõ rằng Credit Suisse không thể tiếp tục kinh doanh nếu không có sự tiếp quản của chính phủ hoặc Ngân hàng UBS. 

Nhưng cho đến phút cuối cùng, cả hai bên đều không chắc họ có thể đạt được một thỏa thuận hay không vì quan điểm của hai bên khác nhau rất xa về các điều khoản của thỏa thuận. Vào tối hôm qua thứ Bảy, UBS đề nghị mua Credit Suisse với giá khoảng $1 tỷ, nhưng hội đồng quản trị của Credit Suisse đã từ chối với lập luận rằng chỉ riêng bất động sản của họ đã có giá trị như vậy.

Tuy nhiên, UBS gần như là tổ chức duy nhất có khả năng mua lại CS vì chính phủ Thụy Sĩ có các điều khoản bảo vệ đặc biệt chỉ dành cho một tổ chức tài chính Thụy Sĩ.

Tổ chức tài chính 166 tuổi và từng là niềm tự hào của ngành ngân hàng Thụy Sĩ giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh trụ sở tổng hành dinh của Credit Suisse ở thành phố Zurich hôm thứ Năm 16/03/2023 sau khi cổ phiếu mất giá hơn 30%, đặt ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ. Ảnh Arnd Wiegmann/Getty Images

Hôm thứ Năm, các nhà quản lý Thụy Sĩ đã chứng nhận công khai bảng cân đối kế toán của ngân hàng Credit Suisse, trong khi ban quản trị ngân hàng cho biết họ sẽ tận dụng khoản cứu trợ $54 tỷ từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để bổ sung quỹ tiền mặt. Nhưng giá cổ phiếu và trái phiếu của CS tiếp tục giảm mạnh, trong khi chi phí bảo hiểm đối với trường hợp vỡ nợ của ngân hàng tăng lên mức cao đáng báo động.

Đến thứ Sáu, các nhà phân tích cho biết niềm tin vào ngân hàng CS tiếp tục bị xói mòn bất chấp sự ổn định tương đối của bảng cân đối kế toán, buộc ngân hàng phải hành động quyết liệt hơn. Vào thứ Tư, chính phủ Thụy Sĩ đã liên hệ với Ngân hàng UBS, yêu cầu UBS xem xét việc mua lại Credit Suisse. Theo một phần của thỏa thuận đạt được vào tối Chủ nhật, sau khi sáp nhập, Ngân hàng UBS sẽ đóng cửa ngân hàng đầu tư của Credit Suisse. 

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận sáp nhập UBS-CS hôm Chủ nhật là một mối lợi lớn cho UBS, giúp UBS tăng cường hoạt động kinh doanh quản lý tài sản cốt lõi vừa giành được hệ thống ngân hàng bán lẻ được đánh giá cao của Credit Suisse.

Johann Scholtz, nhà phân tích tại công ty đầu tư Morningstar, đã viết email cho khách hàng: “Tổng các phần của Credit Suisse lớn hơn nhiều so với những gì UBS đang trả”.

Lo ngại ảnh hưởng toàn cầu

Việc giải tán Credit Suisse là hậu quả mới nhất từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Mặc dù là một công ty cho vay quy mô trung bình hoạt động chủ yếu ở Hoa Kỳ, nhưng sự sụt đổ nhanh chóng của SVB đã đánh thức các nhà đầu tư và người gửi tiền về nỗi sợ hãi những rủi ro tiềm ẩn đang rình rập các tổ chức tài chính khác, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Cổ phiếu của các ngân hàng trên khắp thế giới đã giảm mạnh vào tuần trước, xóa sạch gần $500 tỷ giá trị thị trường. Các cơ quan quản lý và những ngân hàng cho vay lớn đã thực hiện các bước bất thường để ngăn chặn thảm họa lớn hơn, bao gồm cả việc các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc giải cứu trị giá $30 tỷ cho ngân hàng hạng trung First Republic.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tổ chức cho vay quốc tế nào bị ảnh hưởng nặng nề như Credit Suisse.

Bà Janet L. Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và ông Jerome H. Powell, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho biết trong một tuyên bố chung: “Chúng tôi hoan nghênh các thông báo của chính quyền Thụy Sĩ hôm nay nhằm hỗ trợ ổn định tài chính.” Hai nhà lãnh đạo Mỹ cũng trấn an dư luận: “Tình hình vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ rất vững mạnh và hệ thống tài chính Hoa Kỳ rất bền bỉ”.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cũng hoan nghênh “hành động nhanh chóng” của các nhà điều hành Thụy Sĩ, nói rằng họ đã hành động có trách nhiệm “để khôi phục trật tự thị trường và bảo đảm sự ổn định tài chính”.

Tiếp theo thỏa thuận sáp nhập UBS-CS ở Thụy sĩ, để ngăn chặn một cuộc náo loạn dây chuyền, vào cuối ngày Chủ nhật, Fed và năm ngân hàng trung ương lớn nhất đã thông qua một kế hoạch tài chính phối hợp để ổn định dòng tiền của các ngân hàng thương mại, bắt đầu từ ngày mai thứ Hai 20 tháng Ba. Theo kế hoạch này, các ngân hàng trung ương sẽ cải thiện tình trạng thanh khoản bằng cách luân chuyển đồng Mỹ kim cho nhau và nếu có nhu cầu các ngân hàng thương mại sẽ được quyền vay tiền đô la Mỹ hằng ngày thay vì mỗi tuần như hiện nay – một sự thay đổi đã từng được áp dụng rộng rãi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và thời gian đầu của đại dịch Covid-19 năm 2020.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: