Người Nga: “Chúng tôi không hề chọn điều này!”

Hơn một triệu người Ukraine đã di tản tránh chiến tranh (ảnh: Janos Kummer/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
“Chúng tôi không hề chọn điều này!”
/

Vào một buổi sáng lạnh giá ở thành phố St. Petersburg của Nga, cô gái trẻ Tasya, 19 tuổi, đứng cùng bạn bè, cùng nhau hoà vào tiếng hô vang của những người biểu tình chống lại cuộc tấn công Ukraine. Họ hét vang “Нет войне!” (Không chiến tranh!).

Tasya, (người chỉ nói tên và yêu cầu không đăng họ của mình vì lý do an toàn,) nói với CNN, rằng cô phải đi cùng nhiều người, thậm chí phải đứng sau lưng người khác để nếu có gì còn chạy kịp. Nhưng chỉ một lúc sau, Tasya nói bạn bè của cô rời khỏi cuộc biểu tình để về nhà, hoặc đi đâu đó để sưởi ấm. Chỉ còn cô đứng một mình trên đường phố lạnh cóng. Sau đó, cô bị cảnh sát bắt.

Cuộc biểu tình đó diễn ra vào ngày 24 Tháng Hai, 2022, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine.

Các cuộc biểu tình đang tiếp tục diễn ra trên khắp nước Nga, khi những công dân trẻ, cùng với những người trung niên và cả giới hưu trí cũng xuống đường để lên tiếng phản đối cuộc xung đột quân sự – một quyết định mà họ không có tiếng nói.

Bây giờ, họ mới đang tìm tiếng nói của mình. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nga đang có ý định ngăn chặn mọi bất đồng công khai, chống lại cuộc tấn công vào Ukraine. Cảnh sát nhanh chóng ngăn chặn các cuộc biểu tình, khi thấy ở đâu đó manh nha xuất hiện, kéo theo nhiều người tham gia.

Xác lính Nga tại Sytniaky, phía Tây Kiev; ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Hôm Thứ Tư, ngày 3 Tháng Hai, 2022, cảnh sát ở St.Petersburg bắt giữ ít nhất 350 người biểu tình chống chiến tranh, nâng tổng số người biểu tình bị giam giữ hoặc bị bắt lên 7,624 người kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, theo một tổ chức độc lập chuyên theo dõi các vi phạm nhân quyền ở Nga.

Sự phản đối hoạt động quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, mặc dù vẫn còn hạn chế, nhưng lại đến từ một số nơi không mong muốn. Tỷ phú doanh nhân Mikhail Fridman, một trong những người giàu nhất nước Nga, người sinh ra ở Ukraine, gọi đây là một “thảm kịch,” và nói thêm rằng “chiến tranh không bao giờ là câu trả lời,” dù ông ngừng chỉ trích trực tiếp Putin, theo Financial Times. “Nếu tôi đưa ra bất kỳ tuyên bố chính trị nào được coi là ‘không thể chấp nhận được’ ở Nga, điều đó ảnh hưởng rất rõ ràng đối với công ty, đối với khách hàng, đối với các chủ nợ, với những bên liên quan của chúng tôi,” Fridman nói.

Một nhà tài phiệt khác, Oleg Deripaska, đăng trên kênh Telegram của mình: “Hoà bình là rất quan trọng! Các cuộc đàm phán nên bắt đầu càng sớm càng tốt.”

Trong khi đó, các thành viên của giới trí thức Nga, các học giả, nhà văn, nhà báo và những người khác đồng loạt đưa ra lời kêu gọi công khai chỉ trích cuộc chiến, bao gồm cả một “bức thư ngỏ” hiếm hoi gởi cho ông Putin, với chữ ký của 1,200 sinh viên, giảng viên và nhân viên của Đại Học Moscow State Institute of International Relations (MGIMO – Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow,) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nơi cho ra hầu hết các nhân viên ưu tú của chính phủ và các nhà hoạt động ngoại giao của Nga. Những người ký tên tuyên bố họ “kiên quyết chống lại các hành động quân sự của Liên bang Nga ở Ukraine.”

Bức thư viết: “Chúng tôi coi việc đứng ngoài lề và giữ im lặng về mặt đạo đức là không thể chấp nhận được, khi mọi người đang chết dần chết mòn ở một quốc gia láng giềng. Họ đang chết vì lỗi của những người ưa thích sử dụng vũ khí, thay vì ngoại giao hòa bình.” Những người ký tên giải thích: “Nhiều người trong chúng tôi có bạn bè và người thân sống ở những vùng lãnh thổ đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động quân sự này. Nhưng chiến tranh không chỉ đến với họ, chiến tranh đã đến với mỗi chúng ta, và con cháu của chúng ta, và con cháu của chúng ta sẽ là người nhận lãnh hậu quả đó. Nhiều thế hệ ngoại giao tương lai sẽ phải xây dựng lại lòng tin đối với nước Nga, và mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng đã bị mất.”

Theo báo The Washington Post, các nhà ngoại giao của Nga đang ở trong tình trạng bế tắc với Điện Kremlin. Chẳng hạn, Oleg Anisimov – người đứng đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, thay mặt cho “tất cả những người Nga không thể ngăn chặn cuộc xung đột này” xin lỗi về hoạt động quân sự đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Ông Oleg Anisimov nói thêm rằng: “Những người biết điều gì đang xảy ra sẽ không tìm được bất kỳ lời biện minh nào cho cuộc tấn công”. Trên thực tế, nhiều người Nga hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra ở Ukraine. Truyền hình do nhà nước Nga kiểm soát hầu như không có báo cáo về việc Nga ném bom và pháo kích ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine. Thay vào đó, nó tập trung vào những người được gọi là “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc” và “phát xít mới” (“nationalists” and “neo-fascists”).

Trước đó, Hoa Kỳ và các quan chức phương Tây khác đã cảnh báo về cuộc tấn công sắp tới của Nga trong nhiều tuần liền, nhưng truyền thông nhà nước Nga, đặc biệt là các chương trình truyền hình chế nhạo những tuyên bố đó, cho rằng “Moscow không có ý định thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Kiev”.

Trong một cuộc thăm dò của CNN được hoàn thành trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, chỉ có 13% người Nga cho rằng có khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Nga và 2/3 (65%) mong đợi một kết thúc hoà bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhưng những thanh niên người Nga, như Arina, 25 tuổi, sống ở Moscow, không coi tivi. Arina nói rằng cô đã không coi tivi trong suốt bảy năm qua. Arina truy cập Internet, đọc blog và lắng nghe các vlogger.

Dù chưa tham gia cuộc biểu tình nào, nhưng cô đã thấy những người trẻ trên đường phố tham gia “biểu tình im lặng,” dán khẩu hiệu “không chiến tranh” trên ba-lô hoặc túi xách của họ. Arina cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm hiểu tại sao cuộc chiến ở Ukraine lại xảy ra, và nó sẽ có ý nghĩa ra sao đối với cuộc sống của cô, với tư cách là một người Nga trẻ tuổi. “Rất khó để đoán trước bất cứ điều gì, tất nhiên, tình hình hiện nay là rất kinh khủng,” – Arina, người yêu cầu CNN cũng chỉ sử dụng tên, vì sự an toàn của cô, cho biết – “Trong số những người bạn của tôi, có rất nhiều đứa lo lắng về tương lai, họ rất sợ hãi, bởi vì chúng tôi không biết nó sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi như thế nào nữa.”

Lính Ukraine tại một cây cầu bị phá để cản bước tiến quân Nga; mặt trận Irpin, Ukraine, ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Nhưng với mẹ của Arina, người luôn tin răm rắp những gì đài truyền hình quốc gia nói.

“Mẹ tôi tin tất cả những gì bà thấy trên tivi,” Arina cho biết. “Bà tin Putin đưa ra biện pháp đúng đắn, cần thiết, vì ‘có nhiều vũ khí bao quanh đất nước,’ có ‘một mối đe dọa từ phương Tây,’ và đó là lý do tại sao Putin làm điều này.”

Arina cho biết cô có xem hướng dẫn trên Doxa – tạp chí trực tuyến của Nga dành cho sinh viên, gợi ý về cách những người Nga trẻ tuổi có thể nói chuyện với cha mẹ và những người khác về cuộc chiến ở Ukraine.  “Chúng ta đau đớn như thế nào khi cha mẹ, đồng nghiệp, ông bà của bạn trở thành những người ủng hộ chiến tranh,” tạp chí Doxa viết. “Vì vậy, chúng tôi quyết định chuẩn bị một hướng dẫn về cách nói về cuộc chiến với những người đang biện minh cho nó. Trong hướng dẫn của chúng tôi, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho 17 trong số những lập luận phổ biến nhất được lan truyền qua các cuộc tuyên truyền và thường được nghe thấy nhất trong các cuộc ẩu đả”.

Arina đọc nó đúng lúc. Vào ngày 28 Tháng Hai, 2022, tạp chí đưa tin rằng cơ quan chính phủ Nga giám sát truyền thông, công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng đã yêu cầu Doxa gỡ bỏ hướng dẫn này khỏi trang web của mình.

Arina cho biết cô và mẹ mình “đã có một cuộc tranh cãi rất gay gắt.” “Mẹ tôi không chấp nhận quan điểm của tôi, và cho rằng tôi là một ‘người thân phương Tây’, rằng tôi ‘không hiểu gì cả’. Mẹ không tin những gì tôi nói. Chúng tôi có các nguồn thông tin rất khác nhau: Tôi tìm hiểu mọi thứ từ các phương tiện truyền thông độc lập, hầu hết đã bị chặn từ lâu ở Nga, còn mẹ thì chỉ coi tivi.”

Khi Arina và bạn bè theo dõi tin tức về Ukraine trên mạng xã hội, họ thấy nhiều người ở phương Tây phản đối quyết định tấn công Ukraine của Putin. Trong khi đó, người Nga có những phản ứng trái ngược nhau, đối lập nhau. “Điều đầu tiên, là mọi người đều nói: ‘Đúng, chúng ta nên xấu hổ’. Câu thứ hai là: ‘Không, chúng ta đừng xấu hổ về bản thân và đừng ghim vào mình những quyết định không phải do chúng ta đưa ra’.”

Arina nói: “Nhưng cả hai phía đều đồng ý ở một điều, họ muốn cộng đồng quốc tế biết rằng người gây ra cuộc chiến tranh này không phải là tổng thống của họ, và nói “chúng tôi không hề chọn điều này.” (“we didn’t choose this”).

Xem thêm:

-5 tin giả liên quan Ukraine

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: