Nguy cơ từ kho khí tài quân sự Hoa Kỳ lọt vào tay Taliban

Trực thăng Black Hawk và xe jeep Humvee thông dụng và nổi tiếng của quân đội Mỹ đã có mặt trong “bộ sưu tập quân sự hiện đại không chiếm mà có” của Taliban. Một đoạn video gần đây được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các chiến binh Taliban thử vận hành một “biểu tượng sức mạnh Mỹ”, trực thăng Black Hawk tại sân bay tỉnh Kandahar…

Không tốn một xu để có

Chiếc máy bay đa năng bốn cánh có cả bộ phim mang tên nó chỉ di chuyển trên đường băng nhưng cũng đủ để gửi đi một “thông điệp” đến thế giới: Taliban không còn là một nhóm binh sĩ hoang dã rậm râu cầm súng trường Nga Kalashnikov, đi dép và ngồi trên những chiếc xe bán tải rỉ sét; mà bây giờ đã là một quân đội hiện đại được trang bị vũ khí của kẻ thù mà không phải tốn một xu để mua! Sau khi thủ đô Kabul thất thủ ngày 15 Tháng Tám một số chiến binh Taliban cởi bỏ trang phục truyền thống kameez salwar để khoe hàng loạt quân trang, vũ khí và phương tiện do Mỹ sản xuất trong các bài đăng trên mạng xã hội.

Quân phục và trang thiết bị chiến đấu “thay thế” hoàn chỉnh đến nỗi không thể phân biệt được lính Taliban với các lực lượng đặc biệt khác, trừ bộ râu dài đặc trưng. Kho khí tài quân sự cực lớn chủ yếu là do binh lính thuộc Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (Afghan National Defence and Security Forces) để lại tại các thành phố “tự thất thủ”. Số khác do chính Mỹ để lại vì chi phí di tản về Mỹ hay đến các căn cứ Mỹ còn tốn hơn là làm cái mới! Nhờ may mắn “bất ngờ” này mà Taliban đang trở thành nhóm Hồi giáo cực đoan duy nhất trên thế giới có lực lượng không quân.

Thực lực không quân của Taliban

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (Special Inspector General for Afghanistan Reconstruction-Sigar) có trụ sở tại Mỹ, tính đến cuối Tháng Sáu, Không quân chính phủ Afghanistan có tổng cộng 167 máy bay, gồm cả trực thăng tấn công. Nhưng không rõ Taliban đã thu được bao nhiêu. Angad Singh, một chuyên gia hàng không quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Foundation) trụ sở tại Delhi đưa ra một ảnh chụp vệ tinh sáu ngày sau khi Kabul thất thủ cho thấy có năm máy bay với ít nhất hai trực thăng MI-17, hai Black Hawks (UH-60) và một chiếc UH-60 đậu trên đường băng Kandahar.

Một bức ảnh vệ tinh khác cho thấy 16 máy bay – gồm chín Black Hawks, hai trực thăng MI-17 và năm máy bay cánh cố định – được chụp vào ngày 16 Tháng Bảy. Taliban cũng đã chiếm được chín căn cứ không quân, trong đó có các căn cứ ở Herat, Khost, Kunduz và Mazar-i-Sharif – dù không rõ bao nhiêu máy bay chiếm được vì không ảnh vệ tinh không có vào lúc bị chiếm. Các chiến binh Taliban, truyền thông địa phương và mạng xã hội cũng đăng ảnh một số máy bay không người lái (drone) bị tịch thu.

Một chuyên gia hàng không sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp trong ngày 16 Tháng Tám tại sân bay Termez của nước láng giềng Uzbekistan, khẳng định có hơn hai chục máy bay trực thăng, bao gồm MI-17, MI-25, Black Hawks và một số máy bay cường kích hạng nhẹ A-29, C-208. Các chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn an ninh CSIS tin rằng chúng thuộc Không quân Afghanistan.

Thêm lợi thế trên mặt đất

Trong khi các chuyên gia chưa thống nhất về sức mạnh không quân của Taliban và khả năng tác chiến của nó thì họ cùng đồng ý rằng Taliban sẽ dễ dàng sử dụng các loại súng, phương tiện hiện đại Mỹ để lại. Video phát tán cho thấy những chiến binh Taliban chân đất trông khá thoải mái khi làm quen với các khí tài mặt đất của Mỹ.

Theo báo cáo kiểm toán US Government Accountability Report của chính phủ Mỹ, từ 2003 đến 2016, Mỹ đã cung cấp cho chính phủ Afghanistan khoảng 358,530 súng trường các loại; hơn 64,000 súng máy; 25,327 súng phóng lựu và 22,174 xe địa hình Humvee. Sau khi NATO kết thúc sứ mệnh chiến đấu vào năm 2014, quân đội Afghanistan được giao nhiệm vụ chính giữ an ninh. Khi Taliban đẩy mạnh tấn công, Mỹ cung cấp thêm thiết bị quân sự và thay thế những cái cũ.

Riêng năm 2017 gần 20,000 khẩu súng trường M16. Từ 2017-2021, bổ sung thêm 3,598 khẩu súng trường M4; 3,012 xe Humvee và nhiều khí tài khác cho lực lượng an ninh Afghanistan. Quân đội Afghanistan cũng có các xe tấn công (4×4 Mobile Strike Force Vehicle) dễ huy động trong thời gian ngắn để chở người và thiết bị đến chiến trường.

Nguy cơ của vũ khí mặt đất Mỹ để lại không chỉ giới hạn ở Afghanistan mà còn được bán trên thị trường chợ đen để tiếp sức cho khủng bố ở các nơi khác. Vittori nói: “Nguy cơ không xuất hiện lập tức, nhưng sẽ có trong vài tháng tới”. Campbell nhận định: “Dù Taliban có vẻ muốn thể hiện là một chính quyền có trách nhiệm khi chiếm lại Afghanistan lần này nhưng cũng rất khó để nó không ủng hộ các nhóm có tư tưởng giống mình trên khắp thế giới. Ngoài ra, theo bà Vittori, vài nhóm nhỏ lẻ liên minh với Taliban có thể quyết định tách ra và mang theo các vũ khí nhỏ của Mỹ đến một chiến trường khác. Nếu khí tài quân sự Mỹ lọt vào tay al-Qaeda và ISIS-K, nguy cơ còn lớn hơn nhiều.

Nguy cơ trên bầu trời

Taliban có máy bay trong tay là một chuyện còn khả năng vận hành lại là chuyện khác. Tiến sĩ Jonathan Schroden, Giám đốc nhóm tư vấn CNA và cựu cố vấn lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cho biết việc thu giữ máy bay có thể dễ dàng đối với Taliban, nhưng việc vận hành và bảo trì chúng sẽ rất khó khăn. Để vận hành được trơn tru, các bộ phận thường phải bảo dưỡng định kỳ hoặc thay thế thông qua đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp đến từ các công ty tư nhân Mỹ ký hợp đồng (thường gọi là nhà thầu quân sự).  Đội ngũ này đã rời đi trước khi Taliban chiếm các tỉnh và thành phố. Jodi Vittori, nữ giáo sư chính trị và an ninh toàn cầu tại Đại học Georgetown từng tham gia không quân Mỹ tại Afghanistan, nhận định: “Taliban thiếu kỹ năng và phương tiện để sử dụng máy bay. Vì vậy, họ không thể sử dụng ngay máy bay chiếm được. Đó là chưa nói máy bay có thể đã bị lấy đi những phần quan trọng”.

Tuy nhiên, Jason Campbell, nhà nghiên cứu tại Rand Corporation và là cựu Giám đốc phụ trách Afghanistan của Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách, cảnh báo: “Taliban sẽ ép các phi công chính quyền cũ lái những chiếc máy bay chiếm được và dùng gia đình họ làm con tin. Khả năng bay của số máy bay này là rất cao. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn khá mù mờ do không được bảo dưỡng và tháy thế định kỳ”.

Ngoài ra, Taliban còn có các máy bay MI-17 do Nga sản xuất và khá thành thạo với chúng. Taliban cũng có thể nhờ các nước “bạn bè” bảo trì và đào tạo giúp. Michael Kugelman, Phó giám đốc Trung tâm Wilson ở Washington, xem việc Taliban có trong tay các vũ khí hiện đại và máy bay Mỹ là một “thất bại to lớn” cho sứ mệnh chống khủng bố toàn cầu. Đó là chưa nói Taliban dùng bí mật của các vũ khí Mỹ hiện đại để thương lượng trao đổi với các đối thủ Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: