Nhật Bản và Việt Nam cùng lo ngại Trung Quốc

Tokyo sẽ cung cấp thêm tàu ​​chiến và các thiết bị quốc phòng khác cho Hà Nội
Thủ tướng VN Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) trước khi vào họp tại Văn phòng Thủ tướng Nhật ở Tokyo hôm Thứ Tư 24-11-2021. Ảnh Koji Sasahara/Pool/Anadolu Agency via Getty Images

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng cộng sản Phạm Minh Chính, đã bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” trước các hành động gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.

Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo hôm thứ Tư 24 Tháng Mười Một, ông Kishida và ông Chính đã thảo luận về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, và đồng ý rằng Nhật Bản sẽ gia tăng xuất cảng sang Việt Nam nhiều thiết bị quốc phòng hơn, kể cả tàu chiến.

Ông Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ khi ông Kishida nhậm chức. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Kishida với một nguyên thủ quốc gia khác, ngoài các hội nghị quốc tế. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật-Việt, ông Kishida nhấn mạnh Việt Nam là “đối tác quan trọng” trong việc tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã thăm Việt Nam hồi Tháng Chín và dự lễ ký kết thỏa thuận xuất cảng thiết bị quốc phòng của Nhật sang Việt Nam nhằm góp phần đối phó Trung Quốc. Hôm qua thứ Ba, ông Kishi cũng đã gặp người đồng cấp Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang, để thảo luận về việc mở rộng xuất cảng các thiết bị này của Nhật Bản.

Việt Nam có thể nhận tàu hải quân và các thiết bị liên quan từ Nhật Bản, đồng thời hai nước cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự về an ninh mạng và y tế cho các lực lượng hải quân và không quân, theo tin của truyền thông nhà nước Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản đã đồng ý đóng sáu tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cho Việt Nam trong một thỏa thuận trị giá $350 triệu.

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Đại học New South Wales của Úc, cho biết từ năm 1999 đến năm 2018, Việt Nam phụ thuộc vào Nga về thiết bị quốc phòng; Nga cung cấp 84% mua vũ khí của Việt Nam nhưng hiện nay Việt Nam có thể đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp bởi vì Nga cũng là bạn hàng lớn cung cấp vũ khí tân tiến cho Trung Quốc.

Thỏa thuận gia tăng xuất cảng thiết bị quốc phòng của Nhật Bản sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gay gắt sau khi Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam cũng thể hiện mong muốn duy trì ảnh hưởng của nước này ở Đông Nam Á. Năm tới, Cambodia sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc với ASEAN sẽ tăng lên do quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Phnom Penh.

Ngoại giao kinh tế, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CT-TPP), cũng là một trọng tâm của hội nghị Nhật – Việt. Với tư cách là thành viên của hiệp định CP-TPP, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về cách ứng phó với đơn xin gia nhập gần đây của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang nói chuyện với Mexico, Brunei và Chile, cố gắng thuyết phục họ ủng hộ việc kết nạp Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc không đáp ứng đủ các tiêu chí để gia nhập, do nước này cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các công ty nhà nước và có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém. Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ yêu cầu các nước Mỹ Latinh và các thành viên khác nới lỏng các điều kiện và cho phép nước này gia nhập nhóm thương mại.

Nhật Bản yêu cầu Việt Nam không nới lỏng các điều kiện áp dụng với Trung Quốc để đảm bảo một hệ thống thương mại tự do và công bằng. Thủ tướng Kishida nói với các phóng viên rằng ông và người đồng cấp Việt Nam xác nhận rằng cả hai bên sẽ duy trì các tiêu chuẩn “cấp cao” hiện hành liên quan đến các yêu cầu tham gia CP-TPP.

Kishida và Chinh cũng nói về việc thúc đẩy du lịch. Hai nhà lãnh đạo hy vọng sẽ nâng số lượng du khách hàng năm giữa hai nước lên 1.5 triệu lượt, bằng với mức trước COVID.

Nhật Bản cũng cung cấp thêm 1.54 triệu liều vaccine COVID cho Việt Nam để giúp nước này chống lại đại dịch.

(theo Nikkei Asia)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: