Nhật – Đức hợp tác đối phó Trung Quốc ở châu Á

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida họp báo chung sau cuộc “tham vấn chính phủ” lần đầu tiên giữa hai nước tại Tokyo hôm 18/03/2023 mà nội dung chính là Đức – Nhật hợp tác đối phó Trung Quốc ở châu Á. Ảnh Kay Nietfeld/picture alliance via Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tổ chức vòng tham vấn chính phủ đầu tiên tại Tokyo, đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng để đối phó tốt hơn với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và những lo ngại về an ninh toàn cầu.

Thủ tướng Scholz đã dẫn đầu một phái đoàn chính phủ Đức, trong đó có sáu bộ trưởng trong số 16 thành viên nội các – gồm các bộ trưởng kinh tế, tài chính, ngoại giao, nội vụ, giao thông và quốc phòng – đến thăm Nhật từ ngày 17 tháng Ba 2023 và tổ chức một cuộc “tham vấn chính phủ”, ở đó các bộ trưởng sẽ hội đàm với người đồng cấp phía bên kia về những vấn đề chính sách mà hai bên quan tâm. “Nhật Bản và Đức, cả hai quốc gia công nghiệp chia sẻ các giá trị cơ bản, cần nắm vai trò lãnh đạo toàn cầu để tăng cường khả năng phục hồi của xã hội chúng ta,” Thủ tướng Kishida nói.

Theo tường thuật của hãng tin AP, phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida nói hai chính phủ đã đồng ý tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản, chất bán dẫn, pin xe hơi và các lĩnh vực chiến lược khác, nhằm “chống lại sự ép buộc kinh tế, nỗ lực của nhà nước nhằm mua lại công nghệ một cách bất hợp pháp và các hành vi phi thị trường”. Ông không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng rõ ràng ám chỉ các hành động của Bắc Kinh.

Cụ thể các bộ trưởng Nhật và Đức đã thảo luận về tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ trên biển và quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh và Moscow.

Tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo Nhật và Đức một lần nữa lên án cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, đồng ý duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow và ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, ông Kishida cho biết.

Ngoài Nhật, Đức đã có hoạt động “tham vấn chính phủ” tương tự với một số quốc gia. Ông Scholtz nói các cuộc tham vấn của chính phủ sẽ “thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác chiến lược của chúng ta và chúng là một phần rất quan trọng trong việc tạo động lực mới cho sự hợp tác chặt chẽ mà chúng ta muốn cùng nhau đạt được”, hãng thông tấn Đức dpa đưa tin.

Trong các cuộc hội đàm riêng rẽ, hai bộ trưởng quốc phòng xác nhận lực lượng vũ trang Đức tiếp tục tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn giữa các nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và người đồng cấp Đức Boris Pistorius đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai quân đội Đức trong khu vực trong tương lai và đẩy mạnh các cuộc tập trận chung. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, hai bên cũng nhất trí tìm kiếm một khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phòng thủ chung, cũng như hợp tác về thiết bị và công nghệ quốc phòng.

Nhật Bản, nhận thấy các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên, đã mở rộng hợp tác quân sự ra bên ngoài đồng minh chính là Hoa Kỳ và đã phát triển quan hệ đối tác với Úc, Anh, các quốc gia châu Âu và Đông Nam Á. Chính phủ của ông Kishida cuối năm ngoái đã thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó Nhật Bản đang triển khai các tên lửa hành trình tầm xa để tăng cường khả năng tấn công trả đũa của mình, một sự thay đổi lớn so với nguyên tắc chỉ tự vệ sau chiến tranh của đất nước.

Ông Scholtz đã đến thăm Nhật Bản vào năm ngoái trước khi đến Trung Quốc, cho thấy Berlin ưu tiên các mối quan hệ kinh tế của Đức với Tokyo hơn là với Bắc Kinh. Ông Scholz đang thúc đẩy đa dạng hóa các đối tác thương mại của Đức, nhưng cũng phản đối việc tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Nhật Bản, cùng với Hoa Kỳ, đang tìm cách đứng vững trước ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tokyo cũng muốn củng cố an ninh kinh tế với các nền dân chủ khác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng và bảo vệ các công nghệ nhạy cảm, dường như là một biện pháp đối phó với Trung Quốc.

Nhưng Nhật Bản, đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ và là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, đang ở trong một tình thế tế nhị và phải cân bằng vị thế của mình giữa hai siêu cường.

Đức cũng vậy. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này vào năm 2021 và các mối quan hệ kinh doanh đã phát triển mạnh mẽ mặc dù quan hệ chính trị trở nên căng thẳng.

Nhật và Đức là hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của thế giới, chỉ xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai nước này cũng đã trỗi dậy mạnh mẽ từ đống tro tàn sau khi bị tàn phá, bị đánh bại và phải đầu hàng không điều kiện trong Thế Chiến thứ Hai.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: