Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị – 70 năm trên ngai vàng

Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị (ảnh: Joe Giddens/WPA Pool/Getty Images)
Share:

Ngày 6 Tháng Hai 2022, Nữ hoàng Elizabeth II mừng lễ platinum 70 năm ngự trị ngai vàng Vương quốc Anh và 14 nước và lãnh thổ! Một thành tích không ông vương bà chúa nào vượt qua trong thế giới hiện đại ngày nay. Bà cũng lập kỷ lục trị vì lâu hơn hẳn các tổ tiên trong lịch sử nước Anh.

Elizabeth II dự một buổi lễ tại Vương cung Thánh đường St Paul’s, London, ngày 7 Tháng Ba 2012 (ảnh: Geoff Pugh/ WPA Pool/Getty Images)

Câu chuyện cuộc đời của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ly kỳ, hấp dẫn với một khởi đầu không khác gì chuyện cổ tích. Chiều ngày 5 Tháng Hai 1952, Công chúa Elizabeth Alexandra Mary cùng chồng là Hoàng tử Philip bước lên các bậc thang gỗ để vào Treetops Hotel nghỉ đêm, giữa vùng rừng núi cao nguyên Aberdare ở miền Bắc đất nước Kenya. Sáng hôm sau, bước xuống đất từ khách sạn hạng sang được thiết kế độc đáo trên một dàn cây cổ thụ khổng lồ vẫn còn xanh tươi, cô công chúa đã trở thành nữ hoàng chính thức của thần dân Anh. Vì bố của cô, Vua George VI, đã băng hà trong đêm tại London.

Do nhà vua tuổi già sức yếu và đổ bệnh từ năm 1951 nên trong các chuyến công du Mỹ, Canada và Úc thay bố, trong hành trang của Công chúa Elizabeth luôn có sẵn văn bản tuyên ngôn sẽ đọc khi đăng quang, vì không thể để ngai vàng Vương quốc Anh không người ngự trị, dù chỉ vài giờ. Nên khi lên nhà trên cây còn là một công chúa thì khi trở xuống đã thành nữ hoàng. Lúc ấy bà mới 25 tuổi. Lễ đăng quang chính thức diễn ra vào ngày 2 Tháng Sáu 1953 tại Westminster Abbey tại London nên lễ platinum chính thức kỷ niệm sự kiện cũng sẽ diễn ra vào Tháng Sáu 2022 tới đây.

Queen Elizabeth II tại lâu đài Balmoral, ngày 28 Tháng Chín 1952 (Getty Images)

Tính đến nay, Nữ hoàng Elizabeth II đã ngồi trên ngai vàng suốt bảy thập niên, qua bao nhiêu biến động và thăng trầm lịch sử. Bà là chứng nhân của tất cả sự kiện lịch sử lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 và hơn hai thập niên của thế kỷ 21. Bà đã cùng nước Anh trải qua nhiều thử thách, vô số biến động chính trị, ngoại giao và khủng hoảng kinh tế, tuy không nguy hiểm cùng cực và đầy máu lửa như những năm của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai mà bố của bà kinh qua trước đó. Nữ hoàng đã giữ vững truyền thống lãnh đạo của tổ tiên. Bà là hình ảnh biểu tượng để người dân Anh nhìn vào mà tin tưởng rằng họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, từ thời Chiến tranh lạnh; những năm nội loạn Bắc Ireland; khủng hoảng chính trị, chủ quyền tại Canada, các nước châu Phi, các nước Nam Á; cuộc chiến Maldives; đến sự kiện nhập rồi tách khỏi Liên hiệp châu Âu…

Elizabeth II trong trang phục Nữ hoàng (Getty Images)

Bà kinh qua đủ cột mốc khó quên như vậy. Bà cũng đã tiếp hoặc được đón tiếp bởi đủ các nhà lãnh đạo quốc gia và đủ năm vị giáo hoàng, từ Jean-Paul XXIII, Paul VI, John-Paul II, Benedict đến Francis. Về phần chuyện gia đình nội bộ nhưng ảnh hưởng không tốt đến uy danh, bà cũng đã trải qua một “annus horribilis” 1992 (năm kinh khủng, với nhiều biến cố liên quan con gái, con trai thứ hai, con dâu cũ, lâu đài Windsor bị cháy…) và tiếp nữa là sự kiện con dâu cũ của bà, Lady Diana, qua đời trong tai nạn xe hơi tại Paris năm 1997.

Nữ hoàng Elizabeth II chào thần dân từ ban công Điện Buckingham, ngày 2 Tháng Sáu 1953 (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Tháng Tư 2021, bà đã vĩnh viễn chia tay với người bà yêu và sống với mình trọn đời, trong một cuộc tình hình thành từ Tháng Bảy 1939 (khi bà còn là cô gái 13 tuổi) cho đến ngày ông trở thành hôn phu của mình ngày 20 tháng Mười Một 1947. Đó là Philip, qua đời ở tuổi 95 vì ung thư phổi. Ông từng là một hoàng tử Đan Mạch và Hy Lạp nhưng rất nghèo và chấp nhận từ bỏ tước vị quý tộc để nên chồng nên vợ với Công chúa Elizabeth Alexandra Mary.

Những ngày đầu năm 2022, London bắt đầu tràn ngập quà lưu niệm in hình Hoàng gia (ảnh: Hollie Adams/Getty Images)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nổi tiếng thế giới, lại trải qua tuổi niên thiếu đúng trong thời đại chiến nên bà luôn biết ứng xử đúng cách của một nữ hoàng can đảm. Năm 1947, lần đầu tiên được xuất ngoại cùng bố mẹ trong chuyến công du các nước miền Nam châu Phi, vào đúng sinh nhật thứ 21, qua đài phát thanh, cô công chúa đã gửi đến người dân Khối Thịnh vượng Chung Anh (British Commonwealth) lời cam kết phục vụ thần dân đến suốt đời…

Vào ngày 21 Tháng Tư 2022 tới đây, Nữ hoàng sẽ mừng sinh nhật thứ 96. Đến ngày 2 Tháng Sáu 2022, sự kiện hấp dẫn nhất trong chuỗi sự kiện mừng 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II ngự trị ngai vàng là chương trình Nữ hoàng dự lễ duyệt binh (Trooping the Color) biểu diễn bởi Tiểu đoàn Vệ Binh Ireland, với những nghi thức có từ thế kỷ 17, được thực hiện với sự tham gia của trên 1,400 sĩ quan và binh sĩ; cùng 200 con ngựa chiến và 400 nhạc công. “Long live the Queen!” người Anh sẽ lại tung hô chúc tụng bà!

Trong tất cả hoàng gia thế giới hiện nay, Hoàng gia Anh được chú ý nhiều nhất và Nữ hoàng Anh Elizabeth II được thế giới yêu mến nhiều nhất. Bà thường xuyên nhận vô số thư từ từ nhiều nước thế giới gửi đến hỏi thăm (ảnh: Steve Parsons-WPA Pool/Getty Images)

Về nguyên tắc, Nữ hoàng Elizabeth II có quyền khai mạc cũng như giải tán Quốc hội, thực hiện các chuyến kinh lý nước ngoài… Ngoài ra, Nữ hoàng Elizabeth II còn có một số vai trò mang tính tượng trưng: nguyên thủ Cộng đồng chung liên hiệp Anh; Lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh; tổng chỉ huy quân đội. Trong 70 năm cai trị, Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến cơ man xìcăngđan liên quan Hoàng gia nhưng người Anh vẫn yêu quí bà.

Elizabeth II chưa bao giờ nhận lời phỏng vấn trực tiếp báo chí và gần như chẳng ai biết quan điểm chính trị của bà, trừ một số ít nguyên thủ từng trò chuyện với Nữ hoàng. Xuất hiện trước đám đông, Nữ hoàng Elizabeth II luôn ăn vận theo cùng phong cách, và các buổi diện kiến trực tiếp Nữ hoàng luôn được nhắc nhở theo khuôn phép Luật Hoàng gia. Ðến nay, chỉ có vài người phá luật khi dám chạm vào Nữ hoàng. Người đầu tiên là Paul Keating (thủ tướng Úc), khi ông choàng tay ôm eo Nữ hoàng trong bức ảnh năm 1992; người thứ hai là tay đua xe đạp Canada Louis Garneau; và thứ ba là John Howard (thủ tướng Úc, kế nhiệm Paul Keating).

Mỗi ngày, Nữ hoàng bỏ ra khoảng ba tiếng để đọc-xem xét báo cáo gửi từ các bộ chính phủ, tòa đại sứ, văn phòng các chính phủ. Nữ hoàng Elizabeth II là người cai trị lâu nhất lịch sử Anh và Cộng đồng chung liên hiệp Anh (hơn Vua George III và Nữ hoàng Victoria – cả hai đều từ trần ở tuổi 82)…

– Nữ hoàng Elizabeth II là triều đại thứ 40 kể từ thời Vua William-Chinh phục giành Vương miện Anh.

– Nữ hoàng Elizabeth II nói sõi tiếng Pháp và thường dùng ngôn ngữ này trong các chuyến kinh lý nước ngoài. Năm 1986, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành quốc vương Anh đầu tiên đến Trung Quốc.

– Nữ hoàng Elizabeth II nhận được vô số quà tặng trong đó có nhiều động vật sống và nhiều vật phẩm khá buồn cười, chẳng hạn quả dứa, trứng, một thùng vỏ sên, một khóm cây thích…

– Nữ hoàng Elizabeth II đã ngồi làm “người mẫu” cho hàng trăm bức chân dung; và chủ trì lễ khai mạc Quốc hội mỗi năm; trừ 1959 và 1963, khi bà sắp sinh hoàng tử Andrew và hoàng tử Edward.

– Nữ hoàng Elizabeth II từng gửi thông điệp chúc mừng phi hành đoàn Apollo 11 khi họ lần đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng ngày 21 Tháng Bảy 1969; từng tiếp tại Buckingham người đầu tiên đi vào không gian Yuri Gagarin; người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ Valentina Tereschkova và nhóm người đầu tiên lên Mặt trăng (Neil Armstrong, Edwin Aldrin, Michael Collins).

– Tháng Mười Một 2004, Nữ hoàng Elizabeth II mời các diễn viên diễn vở Les Miserables tại West End (một Broadway của London) đến lâu đài Windsor diễn cho Tổng thống Pháp Jacques Chirac (đây là lần đầu tiên một đoàn kịch West End được diễn trong một dinh thự Hoàng gia). Thời còn trẻ, Elizabeth từng đóng nhiều vở kịch câm.

– Năm 2005, Nữ hoàng Elizabeth II cho biết bà sở hữu vài chục con thiên nga trên dòng Thames. Theo luật Hoàng gia, Nữ hoàng cũng sở hữu cá tầm, cá voi và cá heo tại các vùng biển quanh nước Anh. Khi bị bắt trong phạm vi ba dặm thuộc duyên hải Anh hoặc bị đánh dạt vào bờ (dù còn chết hay sống), chúng thuộc về Hoàng gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: