Peace Corps Việt Nam: Dấu hiệu quan hệ Việt – Mỹ tăng tốc

Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama nói chuyện với các tình nguyện viên của US Peace Corps tại Siem Reap, Cambodia ngày 21 tháng Ba 2015 khi đến nước này vận động cho sáng kiến Let Girls Learn của chính quyền Obama. Ảnh tài liệu của Nicolas Axelrod/Getty Images.

Sau 17 năm đàm phán giữa hai nước và sau khi khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Phó Tổng thống Kamala Harris vào cuối tháng trước, Đoàn Hòa Bình Mỹ (US Peace Corps) đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đang được đẩy mạnh.

Peace Corps là gì?

Được coi là “công cụ” thực hiện sức mạnh mềm (soft power) của Hoa Kỳ, Peace Corps đưa các tình nguyện viên người Mỹ đến các quốc gia kém phát triển hơn làm các công việc nhân đạo như giảng dạy tiếng Anh, chăm sóc sức khỏe và phổ biến kiến thức về vệ sinh phòng dịch. Peace Corps được thành lập năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh, với mục đích vun trồng thiện cảm của các dân tộc đối với văn hóa phương Tây. 

Kể từ khi thành lập, Peace Corps đã đưa hơn 241,000 tình nguyện viên – hầu hết là nữ với độ tuổi trung bình là 27 tuổi – đến khoảng 143 quốc gia. Châu Phi là nơi nhận được nhiều tình nguyện viên Peace Corps nhất với 45% tổng số, trong khi chỉ có khoảng 13% phục vụ ở châu Á. Hầu hết các dự án tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển thanh thiếu niên.

Ngân sách hoạt động của Peace Corps do Quốc Hội Hoa Kỳ tài trợ. Theo báo cáo tài chính của Peace Corps, năm ngoái cơ quan này nhận được $410.5 triệu, cộng thêm $88 triệu được chi cho việc đưa các tình nguyện viên, thực tập sinh và các nhân viên khác trở về nhà trong bối cảnh đại dịch bùng phát ở những nước mà Peace Corps hoạt động. Ngân sách của Peace Corps chiếm khoảng 1% ngân sách hoạt động đối ngoại của Hoa Kỳ, theo trang web của tổ chức. Ngoài ngân sách được cấp, Peace Corps cũng nhận các khoản đóng góp từ công chúng.

Tại Đông Nam Á, chương trình thiện nguyện này đã hiện diện tại Cambodia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Philippines trong nhiều năm nhưng chưa từng có mặt ở Việt Nam. Sự hiện diện của Peace Corps ở Trung Quốc đã bị chấm dứt vào mùa Hè năm ngoái sau 26 năm hoạt động, trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung về thương mại, công nghệ và quyền tự do dân sự ngày càng gia tăng.

Hồi tháng Tư, 11 cựu giám đốc của cơ quan này đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chính quyền tăng số lượng tình nguyện viên của Peace Corps lên 15,000 người trong vòng 10 năm tới và nâng ngân sách hàng năm lên $600 triệu vào năm 2025. “Việc không có tình nguyện viên nào của Peace Corps phục vụ ở nước ngoài trong thời đại dịch đã gây thiệt hại không kể xiết đối với hình ảnh của Hoa Kỳ ở nước ngoài”. Việc Peace Corps rút khỏi Trung Quốc hồi Tháng Bảy năm ngoái cũng cắt đứt một kênh đối thoại Trung – Mỹ quan trọng.

Cầu nối Mỹ- Việt

Theo nhà báo Sen Nguyen trên báo The South China Morning Post, sự kiện Peace Corps rút ra khỏi Trung Quốc nhưng lại bắt đầu hoạt động ở Việt Nam – dù khá muộn màng – được các chuyên gia giải thích bằng tình trạng thiếu tin cậy của chính quyền Việt Nam đối với các tổ chức xã hội dân sự của Mỹ và phương hướng vận động khác nhau của quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Việt.

Khi được hỏi tại sao phải mất 17 năm đàm phán mới thành lập được Peace Corps Việt Nam, bà Kate Becker, Giám đốc quốc gia Việt Nam của chương trình, cho biết với “lịch sử phức tạp” giữa Mỹ và Việt Nam, việc thiết lập lòng tin không phải là một quá trình đơn giản. “Xây dựng sự hiểu biết về nền văn hóa của nhau và cùng sống hàng ngày với nhau như một người hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè, dùng bữa cùng nhau… là không đơn giản. Kết nối con người với con người trong sự phục vụ là bản chất của Peace Corps,” bà nói.

Mặc dù nhìn chung được yêu thích, từ lâu Peace Corps đã phải đối mặt với những mối nghi ngờ rằng họ là bình phong cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, là một phần mở rộng của cái được gọi là “phức cảm cứu tinh của người da trắng”.

Tiến sĩ Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết tư duy Chiến tranh Lạnh và lo ngại về ảnh hưởng của văn hóa Mỹ có thể giải thích phần nào sự do dự của chính quyền Việt Nam trong việc cấp giấy phép hoạt động cho Peace Corps. “Cũng có thể do chính quyền lo ngại về Trung Quốc vì chắc chắn Trung Quốc không muốn Việt Nam thân với Mỹ. Việt Nam dù không thích, thậm chí phản đối Trung Quốc, nhưng cũng không dám bộc lộ điều đó một cách công khai”, ông Minh, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhận định.

Bà Hoàng Thị Hà, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhìn nhận vấn đề theo hướng khác: “Điều thú vị cần lưu ý là trong khi sự cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra mạnh mẽ hơn về ý thức hệ, thì quan hệ Việt-Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng đi lên bất kể khác biệt về ý thức hệ”, bà Hà nói và nhận xét thêm rằng “Nếu có thể, sự kiện này cho thấy quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ Mỹ-Việt trong những năm sắp tới sẽ diễn ra theo những quỹ đạo khác nhau”. Bà Hà cho rằng, việc mở văn phòng Peace Corps tại Hà Nội đánh dấu sự tin tưởng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang tăng lên sau khi hai nước khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Ông Minh của Đại học KHXH và NV Hà Nội nói thêm, sự hiện diện của Peace Corps Việt Nam là một bước nâng cấp mang tính biểu tượng của quan hệ Việt – Mỹ – mặc dù hai bên chưa chính thức là “đối tác chiến lược”. “Nó cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng lên một tầm cao mới vì trước đây Peace Corps được coi là một‘ công cụ đế quốc ’, một tổ chức tình báo của CIA… Peace Corps sẽ là cầu nối giữa hai bên: Làm cho Việt Nam hiểu Mỹ hơn và Mỹ cũng hiểu Việt Nam hơn”, ông Minh nói.

Đề phòng cú sốc văn hóa

Theo trang web của tổ chức này, chương trình Peace Corps Vietnam hỗ trợ “ưu tiên quốc gia về trình độ tiếng Anh cho học sinh trung học và lực lượng lao động mới, cũng như tăng cường năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên”.

Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa giữa hai nước, chương trình thông báo với các tình nguyện viên rằng  người Việt Nam “có thể sẽ tò mò về công việc, sự phát triển ngôn ngữ và hòa nhập cộng đồng của các tình nguyện viên”, quyền riêng tư trên mạng trực tuyến có thể bị vi phạm vì “chính phủ Việt Nam thường xuyên giám sát tất cả các phương tiện truyền thông xã hội”.

Ông Luis Valadez, Giám đốc đào tạo của Peace Corps Việt Nam, cho biết các tình nguyện viên phải có đầu óc cởi mở và hiểu biết về văn hóa, vì họ không chỉ có nhiệm vụ hòa nhập với văn hóa địa phương trong thời gian phục vụ mà còn phải hoạt động như một cầu nối văn hóa khi họ trở lại Mỹ.

“Do đó, điều quan trọng là các tình nguyện viên của chúng tôi sẽ không có thái độ ‘chuyên gia’ hoặc như thể họ đã biết mọi thứ,” ông Valadez nói và cho biết thêm rằng nhóm công tác đầu tiên gồm khoảng 20 tình nguyện viên ​​sẽ bắt đầu làm việc tại các trường học xung quanh Hà Nội vào năm tới, thêm 20 trường nữa vào năm 2023. “Các tình nguyện viên sẽ sống với các gia đình bản xứ trong cùng cộng đồng nơi họ làm việc và sẽ được yêu cầu tiêm chủng COVID-19 đầy đủ”, ông Valadez nói.

(theo SCMP)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: