Phi trường Kabul trước nguy cơ bị tấn công

Ngày 26 Tháng Tám, Mỹ, Anh và Úc đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Kabul đồng thời khuyến cáo công dân không nên đến sân bay. Những người tập trung ngoài sân bay nên rời khỏi khu vực ngay lập tức.

Hạn chót 31 Tháng Tám mong manh

Tính đến nay đã có hơn 82,000 người được không vận khỏi sân bay Kabul, sau 10 ngày thành phố rơi vào tay Taliban. Nhiều quốc gia đang gấp rút di tản công dân trước hạn chót 31 Tháng 8 mà Taliban gọi là “Lằn ranh đỏ” (Red Line).

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Taliban không đồng ý gia hạn thời gian rút hết quân Mỹ nhưng “hứa để người nước ngoài và người Afghanistan muốn ra đi rời khỏi đất nước sau ngày 31 Tháng Tám”. Ngày 25, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết: “Có một mối đe dọa rất cao về một cuộc tấn công khủng bố”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo “Tình hình an ninh ở Afghanistan còn nhiều biến động và có mối đe dọa rất cao về một cuộc tấn công khủng bố”. Bộ yêu cầu “Những người đang đợi ở Cổng Tu viện, Cổng Đông hoặc Cổng Bắc (Abbey Gate, East Gate or North Gate) đi vào phi cảng hãy rời đi ngay lập tức”.

Đại sứ quán Mỹ tại Kabul ra thông báo: “Do các mối đe dọa an ninh bên ngoài cổng sân bay Kabul, chúng tôi khuyến cáo công dân Mỹ tránh đến sân bay và tránh các cổng sân bay, trừ khi bạn nhận được hướng dẫn riêng từ sứ quán”. Vương quốc Anh cũng ra khuyến cáo tương tự và khuyên các công dân “Hãy di chuyển đến một địa điểm an toàn và đợi lệnh mới”. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết khoảng 19,000 người đã được di tản trên các chuyến bay do Mỹ tổ chức trong 24 giờ qua sau khi các thang lên máy bay được tăng cường để giảm hỗn loạn. Ông tin rằng “sứ mệnh đang đi đúng hướng và Mỹ sẽ hoàn tất di tản tại sân bay Kabul vào cuối tháng”.

Trong cuộc họp báo về Afghanistan tại Washington, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Chỉ có Mỹ mới có khả năng tổ chức và thực hiện sứ mệnh quy mô và phức tạp này. Taliban đã thực hiện cam kết cho phép công dân Mỹ, công dân nước thứ ba và người Afghanistan có nguy cơ cao đi lại an toàn. Mỹ sẽ giúp những người muốn rời Afghanistan cả sau hạn chót di tản. Mục tiêu của chúng tôi là di tản càng nhiều người Afghanistan muốn rời đất nước càng tốt”. Ông cũng xác nhận có thể còn 1,500 công dân Mỹ vẫn kẹt tại bên ngoài sân bay nhưng “chính phủ đang nỗ lực theo dõi họ”.

Các quan chức Mỹ tiết lộ với tờ The Wall Street Journal là “CIA và quân đội Mỹ đã và đang tiến hành các hoạt động mật và nguy hiểm bằng máy bay trực thăng và lính mặt đất để ‘bốc’ những người Mỹ cả bên trong và ngoài Kabul. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đến ngày 26 Tháng Tám, khoảng 10,000 người vẫn đang chờ máy bay Mỹ di tản khỏi sân bay Kabul. Hàng ngàn người Afghanistan nữa muốn ra đi nhưng không thể đến sân bay. Vương quốc Anh cho biết hoạt động di tản của họ đang diễn ra với tốc độ đáng kể, với khoảng 1,200 người đã di tản vào ngày 26. Sân bay Kabul hiện đang được bảo vệ bởi 5,800 lính Mỹ và 1,000 lính Anh.

Đe doạ từ ISIS-K

Dù không quốc gia nào cung cấp thông tin chi tiết về mối đe dọa an ninh, nhưng trong bài phát biểu trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn cuộc di tản do Mỹ kiểm soát phải sớm kết thúc vì mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan. Ngày 25, khi xác nhận sẽ không kéo dài thời hạn sơ tán quá ngày 31 Tháng Tám, ông Biden thừa nhận “Mỗi ngày ở trên mặt đất là một ngày chúng tôi nhận thức rằng ISIS-K đang tìm cách tấn công sân bay, lực lượng Mỹ, đồng minh và dân thường vô tội”. Một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định: “Lo ngại về an ninh quanh sân bay Hamid Karzai ở Kabul đã gia tăng với mối đe dọa rất cụ thể là ISIS-K đã lên kế hoạch sẽ sớm mở cuộc tấn công nhằm vào đám đông bên ngoài sân bay”.

ISIS-Khorasan (tên gọi chung cho vùng lãnh thổ gồm cả Afghanistan và Pakistan) là một nhánh của nhóm khủng bố xuất hiện lần đầu ở Syria và Iraq. Mặc dù các chi nhánh IS có chung một hệ tư tưởng và chiến thuật, nhưng chiều sâu của mối quan hệ của họ liên quan đến tổ chức và chỉ huy và kiểm soát chưa bao giờ được thiết lập hoàn toàn. Mỹ tin rằng ISIS-K, kẻ thù không đội trời chung của Taliban, rất muốn tạo ra tình trạng hỗn loạn tại sân bay Kabul. Thông tin tình báo cho thấy nhóm này có khả năng thực hiện cuộc tấn công.

Những lo ngại gia tăng sau khi hơn 100 tù nhân ISIS trốn thoát khỏi hai nhà tù gần Kabul. Một nguồn tin cho biết khoảng vài trăm thành viên của ISIS-K có thể đã trốn thoát khỏi các nhà tù ở Bagram và Pul-e-Char khi phía Đông Kabul bị rơi vào tay Taliban trước khi họ tiến vào Kabul. Ngày 25, một phát ngôn viên Taliban khẳng định “một số kẻ xấu muốn gây rối an ninh bằng cách tấn công vào người dân và giới truyền thông. Vì vậy, hãy tránh sân bay”. Có khoảng 5,000 tù nhân tại nhà tù Bagram khi Mỹ rời bỏ nó vào Tháng Bảy, trong đó có cả tù nhân Taliban, al Qaeda và ISIS-K.

Theo các quan chức tình báo Mỹ, ISIS-K gồm số ít các chiến binh thánh chiến kỳ cựu đến từ Syria và các chiến binh khủng bố nước ngoài khác. Mỹ cũng xác định được 10 đến 15 đặc nhiệm hàng đầu của chúng ở Afghanistan. Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ về Afghanistan cho biết trong một báo cáo cách nay vài tháng là “ISIS-Khorasan đã khai thác sự bất ổn chính trị và bạo lực gia tăng bằng cách tấn công các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của các cộng đồng thiểu số nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi”.

Từ 2016, ISIS-K đã thành lập các “tổ tác chiến” ở Kabul để thực hiện một số vụ tấn công liều chết bên trong và ngoài thủ đô. Tháng Năm năm nay, ISIS-K đã tấn công một trường học dành cho nữ sinh ở Kabul, giết chết ít nhất 68 người, làm bị thương hơn 165. Đến Tháng Sáu, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong một cuộc tấn công vào tổ chức từ thiện rà phá bom mìn HALO Trust của Anh-Mỹ. ISIS-K nhận trách nhiệm vụ tấn công vào trại lính ở tỉnh Baghlan. Chúng cũng xây dựng được các căn cứ ở miền Đông Afghanistan, đặc biệt là ở hai tỉnh Nangahar và Kunar. Tháng Tám năm ngoái chúng đã tấn công nhà tù chính ở Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangahar để giải thoát hàng chục người ủng hộ chúng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: