Philippines: Tổng thống Duterte muốn “truyền ngôi” cho con

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông đang cân nhắc khả năng ra tranh cử chức phó tổng thống trong cuộc bầu cử vào giữa năm 2022 mà ứng cử viên tổng thống cùng liên danh không ai khác hơn là bà Sara Duterte, con gái ông.

Sau vài tháng tỏ ra rụt rè, mới đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông đang cân nhắc khả năng ra tranh cử chức phó tổng thống trong cuộc bầu cử vào giữa năm 2022. Hiến Pháp Philippines quy định một công dân chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ tổng thống một nhiệm kỳ duy nhất dài sáu năm chứ không phải hai nhiệm kỳ bốn năm như Mỹ. 

Theo đồn đại trong chính giới Philippines, dẫn đầu cuộc đua vào ghế tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới không ai khác hơn là con gái của ông, bà Sara Duterte, hiện là Thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam Philippines, nơi ông Duterte cầm quyền nhiều năm trước khi bước lên vũ đài chính trị quốc gia. Nếu ý đồ tranh cử phó tổng thống của ông Duterte được thực hiện thì trong cuộc bầu cử, cử tri sẽ nhìn thấy một liên danh “Duterte (con) + Duterte (cha)”.

Trên báo Asia Times, nhà báo Jason Castaneda cho biết, phe đối lập chính trị ở Philippines hiện đang hỗn loạn và đang tìm cách tập hợp lại xung quanh một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn. Trong hoàn cảnh đó, ông Duterte, nhà lãnh đạo dân túy có sức thu hút mạnh mẽ, đã công khai tán dương viễn cảnh về sự kế vị “cha truyền con nối” như một triều đại đầu tiên trong lịch sử đất nước.

Trước đây ở Philippines có những gia tộc nắm giữ các chức vụ tối cao của đất nước như gia tộc Aquino có tổng thống Corazon Aquino (mẹ) và Benigno Aquino III (con); gia tộc Macapagal-Arroyos có tổng thống Diosdado Arroyo (cha) và Gloria Arroyo (con gái) nhưng chưa có trường hợp nào được “truyền ngôi” trực tiếp như ý đồ của ông Rodrigo Duterte.

Tại sao ông Duterte chưa chịu từ bỏ quyền lực?

Theo nhà báo Castaneda, có hai lý do chính khiến nhà lãnh đạo dân túy đương nhiệm của đất nước Philippines muốn duy trì quyền lực bằng mọi cách. 

Thứ nhất, ông ta đã thất bại trong việc thông qua một bản hiến pháp mới gây nhiều tranh cãi và rất đáng ngờ, nhờ sự hoài nghi rộng rãi của công chúng và sự phản đối của các thượng nghị sĩ theo khuynh hướng độc lập – những người cũng có tham vọng cá nhân, kể cả tham vọng ra tranh cử tổng thống. Không thể sửa đổi hiến pháp để kéo dài thời gian cầm quyền tối cao như ông Vladimir Putin ở nước Nga hay ông Tập Cận Bình ở nước Tàu, ông Duterte phải tìm cách khác để bám trụ.

Ông Duterte là người không coi trọng các giới hạn pháp lý về nhiệm kỳ. Ông đã nắm quyền lãnh đạo tối cao của thành phố Davao nhiều thập niên, trực tiếp và sau đó ủy quyền cho con gái ông, Sara. Khi ra tranh cử tổng thống, ông ta tin rằng ông ta có thể tiếp tục nắm quyền vì ông nghĩ việc cầm quyền đó là cần thiết, không chỉ có lợi cho bản thân ông mà còn cho đất nước nữa. Ông Duterte thực sự tin rằng các thể chế dân chủ của Philippines đã bị phá vỡ đến mức chỉ một nhân vật độc tài được cho là quyết đoán và không khoan nhượng như ông mới có thể cứu nó khỏi ngày tận thế. Chỗ này, ông Duterte cho thấy ông có những suy nghĩ giống hệt ông Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Trong những ngày cầm quyền cuối cùng ông Trump vẫn tin rằng chỉ có ông ta mới cứu được nước Mỹ, cứu nền dân chủ đang bị những kẻ cấp tiến của đảng Dân Chủ phá hoại, như được mô tả trong cuốn sách “I Alone Can Fix It” của hai nhà báo Philip Rucker và Carol D. Leonnig mới phát hành. 

Thứ đến, ông Duterte có những động lực lớn để tiếp tục tại vị, trên hết là nỗi sợ bị truy tố về tội giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi dai dẳng của ông ta. Ông ta lo sợ phải đối mặt với viễn cảnh bị xét xử bởi tất cả những tay chơi chính mà ông ta xa lánh, cả trong lẫn ngoài nước Philippines, và thậm chí quan trọng hơn, phải “kết toán sổ sách” cho những hành vi giết người hàng loạt tàn bạo của ông ta trong suốt những tháng năm chiến tranh ma tuý làm tan nát biết bao nhiêu gia đình. 

Nếu một nhân vật đối lập giành chiến thắng ở Philippines trong năm tới thì Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court, ICC), Quốc hội Hoa Kỳ, và các tòa án dễ uốn nắn trong nước có thể sẽ truy lùng ông ta một khi ông ta mất quyền lực. Và ông Duterte lo sợ rằng họ có thể không chỉ truy đuổi ông ta mà truy đuổi cả triều đại của ông; nhiều lãnh chúa và đối thủ đang chờ cơ hội để tấn công vào nền chính trị tàn ác trên đảo Mindanao ở miền Nam, nơi có thành phố Davao mà gia đình ông truyền đời ngự trị.

Liệu một liên danh tranh cử tổng thống “Duterte-Duterte” có hợp pháp hay không theo luật Philippines quy định giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống?

Hầu hết các chuyên gia hiến pháp, và thậm chí một số đồng minh của ông Duterte cho rằng, nếu đắc cử chức phó tổng thống, ông Duterte sẽ ngồi vào vị trí có thể lên làm tổng thống bất cứ lúc nào và điều đó vi phạm rõ ràng và trực tiếp tinh thần và văn bản của hiến pháp năm 1987 – bản hiến pháp được ban hành để ngăn chặn một chế độ độc tài được bầu cử khác như thời Tổng thống Ferdinand Marcos. Vì vậy, nếu cần thiết, có thể một số nhà chính trị đối lập hoặc các nhóm xã hội dân sự sẽ cố gắng thách thức việc tranh cử của ông tại Ủy ban Bầu cử hoặc Tối Cao Pháp Viện. Nhưng điều đáng chú ý là nhân sự của cả hai cơ quan quan trọng này đều là những người được ông Duterte bổ nhiệm trong vài năm gần đây.

Duterte, bản thân là một luật sư, tự tin rằng không có tòa án hoặc cơ quan bầu cử nào dám chống lại ông, vì tất cả đều được thống trị bởi các đồng minh hoặc thẩm phán trung thành với ông. Rốt cuộc, cũng không có điều gì trong hiến pháp quy định rõ ràng cấm một tổng thống đương nhiệm tìm cách tranh cử chức phó tổng thống.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) muốn lặp lại kịch bản của Tổng thống Nga Putin trong việc bám lấy quyền lực sau khi mãn nhiệm kỳ. Ảnh www.kremlin.ru/Wikipedia

Không cần phải là một luật sư về luật hiến pháp mới hiểu ý nghĩa của chức vụ phó tổng thống mà ông Duterte nhắm tới và cách thức nó sẽ cho phép ông ta né tránh các giới hạn nhiệm kỳ, nếu một người được ông ta ủy quyền trở thành tổng thống. Ở nước Nga trước đây, ông Putin đã từ ghế tổng thống lùi xuống làm thủ tướng dưới quyền danh nghĩa của ông Dmitry Anatolyevich Medvedev – một đàn em của ông – trong bốn năm 2008-2012 trước khi quay trở lại cương vị tổng thống và tiếp tục cai trị cho đến nay. Có thể con đường của ông Duterte cũng diễn ra theo kịch bản tương tự: Tổng thống Rodrigo Duterte trở thành phó tổng thống dưới quyền con gái ông, bà Sara Duterte và sẽ quay lại chiếc ghế tổng thống trong tương lai.

Tại sao liên danh Duterte-Duterte dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận?

 Có ba yếu tố cần lưu ý. Trước hết, Duterte là người rất nổi tiếng và được ủng hộ ở Philippines. Vì vậy, nhiều người sẽ bỏ phiếu cho con gái ông, nghĩa là sẽ bỏ phiếu cho một nhiệm kỳ tại vị khác của ông. Bà Sara chỉ là người được ủy nhiệm. Và miền Nam Philippines, cụ thể là đảo Mindanao vẫn ủng hộ mạnh mẽ gia tộc này, dường như hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa chính trị bộ lạc hơn là dựa trên hiệu suất làm việc.

 Thứ hai, cả phe đối lập và phe độc lập vẫn chưa tuyên bố ứng cử viên của họ. Gia đình Dutertes rõ ràng đang được hưởng lợi thế của kẻ đi đầu, chưa kể việc ông ta sử dụng ngân quỹ và nguồn lực của nhà nước để quảng cáo cho liên danh “Duterte-Duterte” trên khắp đất nước. Là tổng thống đương nhiệm, ông ta có nguồn lực và nhân lực rất dồi dào mà các đối thủ của ông không có được.

 Và thứ ba, “người dẫn đầu” thực sự không bất bại như vẻ bề ngoài. Có những chính trị gia đối lập được ưa thích trong quá khứ như cựu phó tổng thống Jejomar Binay hay võ sĩ quyền Anh Emmanuel “Manny” Pacquaio, một cựu đồng minh trở thành đối thủ của Duterte trong cuộc bầu cử năm 2016. Do cuộc đua hãy còn quá sớm, bộ đôi Duterte có thể sẽ phải đối mặt với sự phản kháng đồng bộ của tất cả các đối thủ, bao gồm cả một số đồng minh, sau khi họ trơ trẽn công bố chiến dịch tranh cử sớm trong bối cảnh một đại dịch đang hoành hành và kinh tế xuống dốc thảm hại.

Sara Duterte sẽ trở thành một tổng thống của Philippines?

Lý do duy nhất mà bà Sara được xem xét cho vị trí tổng thống, dù bà thiếu kinh nghiệm trong chính trị quốc gia, là vì bà ấy là con gái của một tổng thống đương nhiệm. 

Tuy nhiên, những người quen thuộc với chính trường Davao nói rằng Sara là một phiên bản tốt hơn nhiều so với người cha Rodrigo Duterte. Sara được biết có sự chú trọng đến việc tham vấn nhiều bên liên quan, tôn trọng bằng chứng và các chuyên gia học thuật trong việc xây dựng chính sách công, và có quan điểm quốc tế hơn trong quản trị và chính trị – những điều trái ngược với người cha ghét phương Tây, yêu Bắc Kinh, hành xử phần lớn theo bản năng hơn là sự suy nghĩ chín chắn.

(theo Asia Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: