Phó Tổng thống Kamala Harris: “Hoa Kỳ vẫn là nhà lãnh đạo toàn cầu”

Trong chuyến công du Singapore và Việt Nam đang diễn ra, Phó Tổng thống Kamala Harris cố gắng nêu bật vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong mọi vấn đề toàn cầu và trấn an các đồng minh đang hoài nghi ý định của người Mỹ sau những biến cố bi thảm gần đây ở Afghanistan.

Các chính phủ Hoa Kỳ nối tiếp nhau đã cam kết rút ra khỏi những cuộc chiến không hồi kết, và tập trung chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi nhiều quốc gia đang lo lắng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và mong muốn có sự can dự của Hoa Kỳ. Nhưng trong chuyến thăm của bà Harris, các đồng minh ở khu vực Đông Nam Á đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có thể thực hiện cam kết đó như thế nào, sẽ giữ uy tín như thế nào sau vụ sụp đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan và những chính sách ngoại giao hỗn loạn trong thời Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi của bà Harris vô hình chung trở thành phép thử ý chí và năng lực của Hoa Kỳ, trong việc lãnh đạo chiến lược chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Chuyến thăm Đông Nam Á của bà Harris chính thức bắt đầu vào Thứ Hai 23 Tháng Tám, khi bà gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong cuộc họp kéo dài hơn một giờ, hai bên đã thảo luận về việc tăng cường gắn kết kinh tế, thúc đẩy chuỗi cung ứng, khởi động quan hệ đối tác khí hậu giữa hai quốc gia, mở rộng hợp tác an ninh mạng và các vấn đề khác.

“Lý do tôi đến đây là vì Hoa Kỳ là nước dẫn đầu toàn cầu, và chúng tôi coi trọng vai trò đó”, bà Harris nói trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý. Singapore là một trong những quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ đã gửi binh sĩ tới Afghanistan trong khuôn khổ Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, bắt đầu từ năm 2007 và rút đi vào năm 2013. 

Ngày mai Thứ Ba bà Harris dự kiến ​​sẽ có một bài phát biểu về chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên trước cuộc họp báo của Harris hôm Thứ Hai rằng Đông Nam Á “rất quan trọng, trước những biến cố gần đây ở Afghanistan; bây giờ nó càng quan trọng; và nó sẽ vẫn quan trọng với Hoa Kỳ, cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.” “Chúng tôi đang cố gắng làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác với Đông Nam Á vì lợi ích kinh tế và an ninh, cũng như lợi ích về y tế toàn cầu, và nhiều hơn nữa”, quan chức này nói với điều kiện ẩn danh theo quy định của Tòa Bạch Ốc.

Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du của bà Harris là Việt Nam, nơi từng diễn ra một cuộc rút quân lộn xộn của Mỹ giống như ở Afghanistan hiện nay. Việt Nam nay đã trở nên thân thiết hơn với Hoa Kỳ, cả hai cùng chia sẻ mối lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. (Việt Nam đã có một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu với Trung Quốc năm 1979 và có các tuyên bố chủ quyền trên biển chồng chéo với Bắc Kinh)

Truyền thông nhà nước của Trung Quốc, vẫn chế nhạo Hoa Kỳ về những sự kiện hỗn loạn ở Afghanistan, nói rằng chuyến thăm Đông Nam Á của bà Harris diễn ra vào thời điểm “đáng xấu hổ” đối với Washington. “Việc Mỹ vội vàng rút quân khỏi Afghanistan đã làm thay đổi tình hình của đất nước đó. Điều này cũng tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ ”, ông Trương Đằng Quân (Zhang Tengjun), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của đảng Cộng sản.

Các nhà phân tích cho rằng cả hai quốc gia mà bà Harris đến thăm đều mong muốn bà Phó Tổng thống đưa ra những cam kết chắc chắn và hữu hình, đặc biệt là các cam kết kinh tế sâu sắc hơn và trong trường hợp của Việt Nam là quan hệ quốc phòng bền chặt hơn.

Bà Harris hôm Thứ Hai cũng đã đến thăm Căn cứ Hải quân Changi và thăm chiến hạm USS Tulsa, một tàu chiến đấu cận duyên, nơi bà nói chuyện với các thủy thủ Mỹ, cảm ơn vì sự phục vụ của họ và thừa nhận cảm xúc mà họ phải cảm thấy khi xem các sự kiện đang diễn ra ở Afghanistan. “Các sứ mệnh khác vẫn tiếp tục đồng thời trên khắp thế giới. Vì vậy, tất cả các bạn đang ở đây, ở Singapore, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đều có sứ mệnh của riêng bạn, một sứ mệnh quan trọng đối với người dân Mỹ”, bà nói.

Khu trục hạm USS John S. McCain (DDG 56) bỏ neo gần căn cứ hải quân Changi sau khi bị va chạm tại eo biển Malacca. Singapore cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các cơ sở quân sự của mình và là nơi có sự hiện diện thường trực của hải quân Mỹ trong khu vực. Ảnh U.S. Navy photo by Grady T. Fontana/U.S. Navy via Getty Images.

Singapore cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các cơ sở quân sự của mình và là nơi có sự hiện diện thường trực của hải quân Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, đây không phải là một căn cứ quân sự lâu dài, vì Singapore rất thận trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Một số quan hệ đối tác được công bố hôm Thứ Hai tại Singapore không quy định cụ thể thời điểm bắt đầu thực hiện, hoặc chỉ là các biên bản ghi nhớ (MOU) không có tính ràng buộc. Ông Chong Ja Ian, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore chuyên nghiên cứu sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực, nhận định sự phát mối quan hệ đối tác này “đang tiến triển”.

Phó Tổng thống Harris và Thủ tướng Lý cũng thảo luận về tình hình Myanmar, nơi hơn 1,000 người đã bị lực lượng an ninh giết hại kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính vào ngày 1 Tháng Hai vừa qua. Trong cuộc họp báo chung, bà Harris nói Hoa Kỳ muốn thấy nền dân chủ được khôi phục ở Myanmar. Cả hai nhà lãnh đạo đều không cung cấp chi tiết cụ thể về cách thức mà đất nước của họ sẽ áp dụng để giải quyết tình hình, vốn đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn có thể gây mất ổn định khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch coronavirus.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Lý đã bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Hoa Kỳ đã trở thành một đối tác không đáng tin cậy. Ông cho biết, với tư cách là đồng minh, Singapore sẽ cử một phi cơ vận tải chở dầu đa năng để giúp sơ tán công dân Afghanistan cùng với Hoa Kỳ. Ông Lý nói: “Các quốc gia phải điều chỉnh lập trường theo thời gian. Đôi khi sự điều chỉnh được thực hiện suôn sẻ, đôi khi có những trục trặc, đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ và mất thời gian để tinh chỉnh lại….” “Nhưng Singapore hy vọng và làm việc trên cơ sở rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gắn kết với khu vực trong nhiều năm tới,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn nhấn mạnh chính quyền Biden đã nhiều lần nhắc lại ưu tiên của Washington là đối nội, và các hành động ở Afghanistan là một ví dụ. Theo ông Chong của Đại học Quốc gia Singapore, thành công của chuyến đi của Phó Tổng thống Harris phụ thuộc vào khả năng của bà trong việc để chứng minh rằng Washington có “ý chí chính trị và nguồn lực” để thực hiện các tuyên bố và cam kết của mình. “Các đồng minh, đối tác và thậm chí đối thủ của Hoa Kỳ trong khu vực cần được thuyết phục rằng Hoa Kỳ sẽ dành thời gian, năng lượng, nguồn lực và sự chú ý cho châu Á, ngay cả khi nước này đang cố gắng ổn định lại ngôi nhà của mình”, ông Chong nói.

(theo Washington Post)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: