Putin đang “nuôi” chủ nghĩa phát xít Nga

Biểu tượng chữ Z phổ biến kể từ khi Nga xâm lược Ukraine đang được nhiều người xem là biểu tượng mới của chủ nghĩa phát xít Nga (ảnh: Mihail Siergiejevicz/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Gán ghép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chế độ cai trị Ukraine hiện tại là “phát xít” và Nga có nghĩa vụ phải thanh trừng chủ nghĩa phát xít độc hại nhưng chính Vladimir Putin và chế độ độc tài hiện thời ở Nga mới thật sự là phát xít…

Ngày càng nhiều nhà phân tích chính trị người Nga sống ở Nga và nước ngoài gọi chế độ của Tổng thống Vladimir Putin là “phát xít”. Họ không sử dụng thuật ngữ này một cách tùy tiện mà ngụ ý nước Nga của Putin thực sự giống nước Ý của Mussolini hay nước Đức của Hitler. Mikhail Iampolski, giáo sư gốc Nga giảng dạy tại Đại học New York (NYU), nói: “Sức hấp dẫn của những bài hùng biện sặc mùi phát xít xuất hiện nhiều hơn khi nền kinh tế Nga suy sụp để ru ngủ người dân”. Người Ukraine bị buộc tội có hệ thống là đi theo chủ nghĩa phát xít, trong khi chủ nghĩa phát xít Nga được nguỵ trang hay bị thay thế bởi sự đề cao cá nhân và tôn sùng thần tượng dựa vào bệ đỡ Chính thống giáo.

Một nhóm tân phát xít được dung dưỡng tại Nga (rusiczpolska)

Cách đây vài năm, nhà bình luận chính trị Yevgeni Ikhlov ở Moscow từng tố cáo Putin đã giới thiệu “chủ nghĩa phát xít cánh tả” (left fascism) thay cho “chủ nghĩa phát xít”. Vào Tháng Một, 2015, Andrei Zubov bị sa thải khỏi Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow (Moscow State Institute of International Relations) vì phản đối các chính sách Ukraine của Putin, khi ông cho rằng Tổng thống Nga đang xây dựng “một nhà nước tập đoàn kiểu phát xít nằm trong hệ tư tưởng Xô Viết, tức hệ tư tưởng của chủ nghĩa Stalin” khiến nước Nga của Putin gần giống với chủ nghĩa phát xít Ý thập niên 1940. Nhà phân tích chính trị Aleksei Shiropaiev tại Moscow còn khẳng định “Nga đang tiến tới chủ nghĩa phát xít với tốc độ phi mã”. Ông viết: “Chủ nghĩa phát xít Nga đã trở thành một thực tế. Đó là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa sô vanh nước lớn nhưng hầu hết người Nga bị mê hoặc đã chấp nhận nó và chấp nhận cả những cuộc đàn áp chính trị qui mô lớn”.

Các chế độ phát xít thường được dẫn dắt bới một nhà độc tài có sức lôi cuốn “tôn giáo” như người hùng. Các chế độ này thường núp bóng dân tộc chủ nghĩa, sùng bái bạo lực, huy động quần chúng thanh niên, không ngại đàn áp, có bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ và tiến hành các chiến dịch mang tính đế quốc. Các chế độ phát xít được tôn sùng là vì sức hút của chính lãnh tụ khi ông ta lôi cuốn được nhiều thành phần dân chúng. Putin và nước Nga của ông ta có đầy đủ những “đặc tính” này.

Khi gọi nước Nga của Putin là phát xít, các nhà đối lập Nga đã chứng tỏ họ can đảm hơn nhiều so với những đồng nghiệp phương Tây, vốn rất thận trọng khi dùng chữ F (fascist). Một số người phương Tây thực sự tin rằng “thương hiệu độc tài” của Putin khác với các chế độ phát xít trong quá khứ. Họ so sánh sự khác biệt bằng những điều kiện lịch sử đã tạo ra Hitler, Mussolini và Putin, chứ không phải trong các đặc điểm thực tế của chế độ hiện hành. Trong một thời gian, thậm chí hiện nay, giới chính trị phương Tây vẫn tránh gọi Putin là kẻ phát xít và người ta dùng những từ trừu tượng chẳng hạn “nền dân chủ được quản lý” hoặc “chủ nghĩa Putin” (Putinism) để gọi nước Nga của Putin.

Nhưng nếu quá khứ là chỉ dẫn cho tương lai thì sự thận trọng của phương Tây về chữ F ngày nào đó sẽ sớm biến mất. Thập niên 1980, các nhà chỉ trích Nga gọi đích danh Liên Xô là “độc tài”, trong khi các học giả phương Tây lại cố tránh bị qui kết là “chống Cộng” nên họ dùng từ “phi dân chủ”, vì nó an toàn hơn. Tuy nhiên, khi người Nga can đảm dùng từ “độc tài toàn trị” như một định nghĩa chính xác và đúng đắn về chế độ Xô Viết, người phương Tây bắt đầu “thức tỉnh”. Họ nhận ra quá trình chuyển đổi của Liên Xô từ chủ nghĩa toàn trị sang dân chủ sẽ khó khăn hơn nhiều so với quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa độc tài sang dân chủ. Nhưng “thấu thị” này đã quá muộn. Bây giờ, chính người Nga sử dụng chữ F ngày càng nhiều.

Không chỉ mang đầy đủ yếu tố của một chế độ phát xít, “nước Nga của Putin” còn là cái nôi của các phong trào phát xít hiện đại. Cách đây vài năm, tạp chí Focus của Đức cho biết một nhóm thanh niên theo chủ nghĩa Tân phát xít Đức đã được huấn luyện quân sự tại các trại huấn luyện do một tổ chức khủng bố cực hữu của Nga điều hành. Chúng được dạy cách sử dụng vũ khí, chất nổ và hợp đồng tác chiến. Trại huấn luyện có tên Partizan, được điều hành bởi Phong trào Đế quốc Nga (Russian Imperial Movement-RIM), một tổ chức bán quân sự theo chủ nghĩa cực đoan với cương lĩnh “đấu tranh cho sự thống trị của chủng tộc da trắng”.

Kích động tinh thần ái quốc cuồng tín là một trong những chiến lược của chủ nghĩa phát xít (ảnh: Mihail Siergiejevicz/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa RIM vào danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu, và đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái này đối với một tổ chức cực đoan da trắng, nêu lý do “RIM đã cung cấp các khóa đào tạo bán quân sự cho những người theo chủ nghĩa cực đoan da trắng và tân phát xít ở châu Âu”. Chính phủ Nga không hề cấm sự hoạt động của RIM! Theo một báo cáo của Trung tâm Soufan, RIM đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Matthew Heimbach, người sáng lập Đảng Công nhân truyền thống (Traditionalist Worker Party) tân Quốc xã Mỹ và là người tổ chức cuộc biểu tình nổi tiếng Đoàn kết cánh hữu (Unite the Right) ở Charlottesville thuộc tiểu bang Virginia.

Và RIM cũng đang chiến đấu cùng quân đội Nga tại Ukraine – theo điều tra công bố hạ tuần Tháng Năm 2022 của Der Spiegel. Ít nhất hai nhóm tân Quốc xã Nga đang sát cánh chiến đấu cùng các lực lượng Nga ở Ukraine. Tài liệu do cơ quan tình báo Đức BND chia sẻ với các cơ quan cấp bộ khác của Đức không cung cấp số lượng chính xác các chiến binh cực hữu của Nga nhưng xác định họ là RIM và Rusich. Lá cờ của RIM đã được phóng viên tờ The Guardian (Anh) thấy ở Ukraine vào giữa Tháng Ba; trong khi tờ The Times của Anh cũng xác định một số máy bay chiến đấu Rusich tiến vào khu vực Kharkiv của miền Đông Ukraine gần biên giới Nga vào đầu Tháng Tư.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: