Putin phá vỡ khế ước xã hội với người dân Nga

Người Nga chia tay thân nhân lên đường nhập ngũ – Moscow, ngày 29 Tháng Chín 2022 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ khế ước xã hội (social contract) đã giúp ông ta nắm quyền trong hơn hai thập niên.

Từ lâu, thỏa thuận bất thành văn của Putin với cử tri Nga là họ sẽ đứng ngoài chính trường và ông ta sẽ đảm bảo cuộc sống của họ ổn định. Nhưng cam kết này hoá ra chỉ là “màn đánh lừa” khi Putin quyết định tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine. Vào thời điểm đó, ông ta đã cẩn thận nhấn mạnh cuộc tấn công chỉ là “hoạt động quân sự đặc biệt” và được thực hiện bởi các lực lượng quân sự chuyên nghiệp.

Hoá ra đó chỉ là một câu chuyện hư cấu để ru ngủ nhiều người Nga thiếu thông tin, tạo cho họ “cảm giác bình thường” và đẩy họ ra ngoài lề cuộc tàn sát khủng khiếp ở Ukraine. Nhưng mới đây, lệnh “tổng động viên một phần” đã đột ngột chấm dứt sự bình yên giả tạo và làm dấy lên nỗi bất bình lẫn sợ hãi trong dân chúng khiến giới chính trị Nga “sống an toàn trong tháp ngà với bổng lộc hậu hĩnh” đau đầu.

Cảnh sát Nga bắt người biểu tình chống lệnh tổng động viên – Moscow, ngày 24 Tháng Chín 2022 (Getty Images)

Phản ứng tức giận và tuyệt vọng của người dân đã quá rõ. Đoàn xe hơi xếp hàng dài tại biên giới của Nga với Phần Lan, Georgia, Mông Cổ cho thấy hàng ngàn người đàn ông Nga đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự đang “bỏ phiếu bằng chân” khi rời khỏi đất nước vào thời điểm mà những người dân tại các khu vực bị Nga xâm chiếm ở Ukraine bị bắt buộc “bỏ phiếu bằng tay” để gia nhập Nga và chết cho Putin.

Các cuộc biểu tình nổ ra ở cả các khu vực dân tộc thiểu số và chống đối bắt lính ở các vùng nông thôn. Nhiều văn phòng nhập ngũ bị đốt cháy và một sĩ quan tuyển dụng bị một thanh niên bắn. Các tin đồn hiện lan rộng là chính phủ Nga có thể chuẩn bị đóng cửa biên giới để ngăn chặn hoàn toàn những người đàn ông trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự rời khỏi đất nước, thậm chí Putin có thể ban bố một hình thức thiết quân luật.

Những lời phủ nhận của Kremlin về đóng cửa biên giới hầu như không trấn an được lòng dân. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khả năng đóng cửa biên giới: “Chưa có quyết định nào về vấn đề này!”. Putin đã xây dựng quyền lực của mình bằng cách tự xác định là người đối lập với cựu lãnh đạo Boris Yeltsin, người đưa ông ta lên nắm quyền sau khi điều hành quá trình chuyển đổi hỗn loạn của nước Nga thời hậu Liên Xô vào thập niên 1990.

Nhưng ngày nay, cảnh đám đông giận dữ hét vào mặt các quan chức tuyển quân và ẩu đả với cảnh sát địa phương về việc bắt chồng và con họ đi lính khiến nhiều người hồi tưởng về thời kỳ đó. Điều tương tự cũng xảy ra trên các kênh Telegram của Nga và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Một số video cho thấy giới quản lý doanh nghiệp Nga nhận được tin họ sẽ phải ra mặt trận sau một khóa huấn luyện ngắn.

Bữa ăn cuối cùng trước khi (chuẩn bị) lên đường vào chiến trường địa ngục Ukraine (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Một video được chia sẻ rộng rãi cho thấy một phụ nữ mặc quân phục nói với những người mới vào nghề là cần phải chuẩn bị bộ trang bị thiết yếu từ túi ngủ đến băng… vệ sinh! “Hãy hỏi bạn gái, vợ, mẹ bạn về băng vệ sinh. Bạn có biết nó dùng để làm gì không? Khi bị thương, bạn nhấn nó vào, vết thương phù lên và giữ cho phần thịt xung quanh cố định. Tôi học được điều này từ Chechnya” – cô nói.

Cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya từ 1994 đến năm 1996 kết thúc với thất bại nhục nhã cho Liên bang Nga. Nó cũng bóc trần sự tham nhũng trong hàng ngũ quân đội và sự sụp đổ sức mạnh quân sự Nga. Những hình ảnh binh lính Nga bị chết, bị bắt cũng như những thiết bị quân sự bị phá hủy ở Ukraine ngày nay làm gợi nhớ cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất thảm khốc, khi các nhiếp ảnh gia phát tán cả hình ảnh những lính nghĩa vụ sợ hãi, trang bị kém hay bị đối phương giam cầm.

Khi Putin lên nắm quyền trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai năm 1999, Kremlin đã cẩn thận hơn trong việc kiểm soát truyền thông, và xây dựng hình ảnh Putin như một lãnh đạo có khí chất, năng lực và cứng rắn. Vũ lực được sử dụng tối đa bất chấp sinh mạng dân thường và nhà cửa bị huỷ diệt qui mô lớn. Chiến thắng bằng máu đã dẫn đến thành lập một chính phủ tàn bạo thân Nga tại Chechnya. Rút ra bài học từ cuộc chiến Chechnya, Putin đã chủ trì quá trình chuyên nghiệp hóa quân đội với mục đích giảm lệ thuộc vào lính nghĩa vụ theo hợp đồng.

Hồ sơ nhập ngũ (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Từ lâu, việc đối xử với những người lính nghĩa vụ trong quân đội Nga được xem là tàn bạo, khiến các nhóm như Ủy ban Các bà mẹ Chiến sĩ (Committee of Soldiers’ Mothers) phải vào cuộc để cung cấp lời khuyên pháp lý cho lính nghĩa vụ. Uỷ ban cũng tự tổ chức truy tìm những binh lính Nga bị người Chechnya bắt làm tù binh. Các cuộc biểu tình gần đây phản đối chiến dịch tổng động viên một phần là lời nhắc nhở cho thấy lệnh tuyển quân luôn là một vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị Nga.

Ngày 25 Tháng Chín, trong các cuộc biểu tình lớn chống tuyển quân ở Makhachkala, thủ phủ nước Cộng hoà Dagestan nằm phía Bắc khu vực Caucasus, một phụ nữ bị bắt (được thấy trong video trên mạng xã hội) chất vấn cảnh sát: “Tại sao các người lại bắt con chúng tôi? Ai tấn công ai? Chính Nga đã tấn công Ukraine!” – dẫn lại từ CNN.

Những chính quyền địa phương còn làm công chúng phẫn nộ khi đưa cả giấy triệu tập cho những người không đủ sức khoẻ và đập cửa nhà dân để bảo đảm đạt được hạn ngạch tuyển quân quy định. Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình nhà nước RT (trước đây là Russia Today), cái loa tuyên truyền cho Putin, cho đăng một loạt lời phàn nàn về sự nặng tay của các quan chức địa phương, trong đó có trường hợp một nhân viên đi nghỉ với vé khứ hồi trên tay bị gây khó dễ tại biên giới… Dù được tiến hành một cách chuyên nghiệp hay nghiệp dư, lệnh động viên một phần là một trong những động thái rủi ro nhất của Putin, đặc biệt trong tình hình thành phố Lyman chiến lược ở khu vực vừa bị Nga sáp nhập bị quân Ukraine bao vây và chiếm lại.

__________

BIỂU TÌNH CHỐNG LỆNH TỔNG ĐỘNG VIÊN KHẮP NƯỚC NGA

___________

_______________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: