Putin thăm Iran, kêu gọi hợp tác chống phương Tây 

Sắp ký thỏa thuận Liên Hiệp Quốc, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất cảng ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (giữa), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phải) và Tổng thống Nga V. Putin (trái) chuẩn bị cho cuộc họp báo ba bên ở Tehran, Iran chiều 19 tháng Bảy 2022. Ảnh Mustafa Kamaci/Anadolu Agency via Getty Images.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba 19 tháng Bảy đã có chuyến viếng thăm tới Tehran và hội đàm với Lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei  trong bối cảnh cả Nga và Iran đều đang bị phương Tây cấm vận kinh tế ngặt nghèo. Ông Putin cũng hội đàm với các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về tình hình Syria và việc xuất cảng ngũ cốc của Ukraine. 

Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Kremlin ra bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai 2022 và nó diễn ra chỉ vài hôm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến khu vực Trung Đông tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở Saudi Arabia. 

Cạnh tranh ở Vùng Vịnh

Những chuyến thăm cho thấy cuộc cạnh tranh ngoại giao đang rất sôi động ở khu vực. Chuyến đi của ông Putin ngầm báo cho Phương Tây rằng Moscow đang tăng cường quan hệ chiến lược với Iran, Trung Quốc, Ấn Độ để chống lại những biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu. Còn ông Biden đến Trung Đông để củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ, Israel và các nước Arab để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và thúc đẩy gia tăng nguồn cung dầu mỏ đang thiếu hụt vì lệnh cấm vận dầu khí Nga.

Washington cho biết chuyến đi của Putin tới Tehran cho thấy Nga đã bị cô lập như thế nào sau cuộc xâm lược Ukraine.

Nga – Iran: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Trong các cuộc gặp, giáo chủ Khamenei kêu gọi Nga và Iran hợp tác lâu dài. Ông Khamenei nói với ông Putin rằng hai nước cần cảnh giác với “sự lừa dối của phương Tây”. Ông nhận định ông Putin đã bảo đảm nước Nga “duy trì được sự độc lập” với Mỹ và các nước nên bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia của mình khi giao dịch hàng hóa. Quy mô kinh tế của Nga và Iran đều rất nhỏ, chưa bằng một tiểu bang lớn của Hoa Kỳ, nên ý tưởng loại bỏ đồng đô la Mỹ ra khỏi giao dịch của họ chỉ là  một trò tự huyễn hoặc.

Bất chấp những đau khổ mà chiến tranh gây ra cho người dân Nga và Ukraine, ông Khamenei nói rằng cuộc xâm lược của Nga là hợp lý và Moscow có rất ít lựa chọn ở Ukraine. “Nếu bạn không chủ động [tấn công] thì phía bên kia [phương Tây] cũng sẽ tự gây ra một cuộc chiến,” ông ta nói với ông Putin, lặp lại cách tuyên truyền của Nga về động cơ và mục đích của cuộc xâm lược. Thậm chí, ông Khameinei nói rằng, “Nếu mở một con đường cho NATO thì NATO sẽ không thừa nhận bất kỳ hạn chế hay biên giới nào” mà NATO “sẽ tiến hành chiến tranh” để giành lại cho Ukraine bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm năm 2014, theo tường thuật của hãng tin AP.

Iran cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và có những xích mích với Hoa Kỳ về chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran và một loạt các vấn đề khác. Các giáo sĩ lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng muốn tăng cường quan hệ với Nga để chống lại một khối Arab-Israel vùng Vịnh mới thành hình, được Mỹ hậu thuẫn, có thể khiến cán cân quyền lực ở Trung Đông thay đổi theo hướng bất lợi với Iran hơn.

Nhờ giá dầu cao từ sau cuộc chiến Ukraine, Iran tính toán rằng với sự hỗ trợ của Nga, Iran có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. 

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là Nga ngày càng nghiêng về phía Bắc Kinh đã làm giảm đáng kể lượng dầu thô mà Iran xuất cảng sang Trung Quốc. Đây là một nguồn thu nhập chính của Tehran kể từ khi Mỹ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hồi Tháng Năm, Reuters đưa tin xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã giảm mạnh do Bắc Kinh ưu tiên mua dầu giảm giá của Nga, khiến gần 40 triệu thùng dầu của Iran được chứa trên các tàu chở dầu phải lang thang trên biển châu Á và tìm kiếm người mua.

Trước khi Tổng thống Putin đến, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá khoảng $40 tỷ. 

Các tổng thống Nga V. Putin (trái), Iran E. Raisi và Thổ T. Erdogan họp báo sau cuộc họp ba bên tại Tehran, Iran hôm 19 Tháng Bảy 2022. Ảnh Contributor/Getty Images.

Vấn đề Syria

Ngoài quan hệ song phương Nga-Iran, ông Putin cũng có cuộc họp tay ba với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Iran Iran Ebrahim Raisi để bàn về tình hình Syria và việc xuất cảng ngũ cốc của Ukraine đang bị tắc nghẽn ở Hắc Hải.

Trong cuộc nội chiến ở Syria, Nga và Iran chống lưng cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng nổi dậy chống Assad. Trong cuộc chiến Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia cấm vận kinh tế Nga nhưng đã bán cho Ukraine các loại phi cơ không người lái có hiệu quả cao trong việc tấn công các lực lượng Nga. Tuy vậy, do lạm phát phi mã ở trong nước, đồng tiền mất giá nhanh chóng so với đô la Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang dựa nhiều vào thị trường Nga, nhất là về nguồn cung dầu khí.

Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự để mở rộng các “vùng an toàn” sâu 30 km (20 dặm) dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow và Tehran phản đối bất kỳ hành động nào như vậy.

Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ nhắm tấn công lực lượng dân quân người Kurd YPG, bộ phận chủ chốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát phần lớn miền bắc Syria và được Washington coi là đồng minh quan trọng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ISIS. Các tổ chức chính trị và quân sự người Kurd – một sắc dân sống ở Iraq, Thổ, Syria và nhiều nước Trung Đông khác – từ lâu vẫn bị Thổ coi là lực lượng khủng bố, chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập một đất nước của người Kurd.

Kết thúc cuộc hội đàm, ông Putin cho biết ba tổng thống nhất trí tiếp tục tham vấn với nhau về vấn đề Syria và cam kết duy trì nỗ lực “bình thường hóa” tình hình ở đó sau một thập kỷ xung đột.

Sắp ký thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc Ukraine

Về vấn đề lương thực Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ ký một thỏa thuận vào cuối tuần này nhằm nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua Hắc Hải. “Với sự trung gian dàn xếp của các bạn, chúng tôi đã tiến lên phía trước. Không phải tất cả mọi vấn đề đều đã được giải quyết, nhưng thực tế là có sự chuyển động đã là tốt,” ông Putin nói với Erdogan sau cuộc gặp song phương. Sau đó, khi gặp gỡ báo chí, ông Putin nói rằng Moscow sẽ chấp nhận một thỏa thuận tạo thuận lợi cho việc chuyên chở ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới nếu phương Tây gỡ bỏ cấm vận đối với ngũ cốc xuất cảng của Nga sau khi đã lẳng lặng bỏ cấm vận đối với mặt hàng phân bón hóa học của Nga. 

Các quan chức Liên Hiệp Quốc, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ mở đường cho việc xuất cảng khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc và nông phẩm khác đang bị kẹt tại các hải cảng của Ukraine trên bờ Hắc Hải do chiến sự. Việc xuất cảng sẽ là một bước quan trọng làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang đẩy giá lúa mì và lúa mạch lên mức cao chưa từng thấy.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: