Quad sẽ hợp tác với ASEAN đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc

Không quân các nước Quad (Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) cùng với không quân Canada tham gia tập trận chống tàu ngầm ở Thái Bình Dương cuối tháng 01-2021 vừa qua. Ảnh US Navy

H.C

Các nhà ngoại giao hàng đầu của khối Đối thoại An ninh Tứ cường (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, đã có cuộc họp trực tuyến hôm thứ Năm 18-02 bàn việc hợp tác đối phó với những thách thức trong khu vực mà trọng tâm là Trung Quốc.

Báo Nhật Asia Nikkei Review cho biết cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của phía Mỹ chỉ bốn tuần lễ sau khi Hoa Kỳ có chính phủ mới – một dấu hiệu cho thấy chính phủ Biden quyết đẩy mạnh hợp tác với các nền dân chủ có cùng chí hướng, coi đó là nền tảng chủ yếu để hoạch định chính sách đối ngoại.

Cuộc họp kéo dài hơn 90 phút, thảo luận các vấn đề nóng như tình hình Miến Điện sau vụ đảo chánh, căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Hàn, dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Tuy bàn thảo nhiều đề tài nhưng cuộc họp là “cuộc thảo luận rất chuyên sâu”, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, thể hiện “cam kết mạnh mẽ đối với việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và đối với Quad”

Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong thông cáo báo chí phát hành ngay sau cuộc họp, nhấn mạnh rằng mối quan tâm của thế giới đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu. Các nước Đức, Pháp và Hòa Lan đều đã đưa ra những chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của mình trong vài tháng gần đây.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sau cuộc họp rằng các quan chức ngoại giao của khối Quad đồng ý gặp nhau mỗi năm ít nhất một lần ở cấp bộ trưởng, các cuộc họp chuyên gia và chuyên viên sẽ được tổ chức thường xuyên “để tăng cường sự hợp tác nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hỗ trợ tự do hải hành và toàn vẹn lãnh thổ”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ xác định: “Các bên tham gia đã tái khẳng định sự hỗ trợ chung cho vai trò trung tâm của khối ASEAN” trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ám chỉ sẽ mở rộng khối Quad để bao gồm các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Ý tưởng hợp tác này đã được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đề cập trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm thứ Ba.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập tới Trung Quốc nhưng ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND Corporation, nhận định “có một bí mật công khai” rằng Bắc Kinh chính là “động lực đầu tiên thúc đẩy sự hợp tác gần đây của Quad”. 

Khối Quad hồi sinh năm 2017 sau hơn một thập niên trì trệ nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, cụ thể là chống lại các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng (status quo) ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, ám chỉ các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực này, chẳng hạn như bồi đắp và quân sự hóa các đảo đá, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển. Diễn đàn Quad đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác về kinh tế và an ninh giữa các quốc gia có cùng hệ giá trị về tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền. Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Trump, ông Robert O’Brien, đầu năm nay đã nhận định sự ra đời của Quad là “mối quan hệ quan trọng nhất mà chính quyền Trump tạo được kể từ thời NATO” và không giấu giếm ý định phát triển Quad thành một liên minh quân sự-an ninh châu Á để đối phó Trung Quốc giống như NATO với Nga. 

Tại cuộc họp, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh vừa ban hành luật Hải cảnh mới, nâng cấp cảnh sát biển Trung Quốc thành một lực lượng bán quân sự, cho phép nổ súng vào tàu thuyền các nước khác trong các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: