Quân đội Nga xem binh lính như “cỏ rác”!

Một xác lính Nga mang đầy đồng hồ ăn cắp (ảnh: Ivan Chernichkin/Zaborona/Global Images Ukraine via Getty Images)

Ném quân vào cửa tử

Sáu ngày trước khi xâm lược Ukraine, một nhóm nhỏ binh sĩ Nga tụ tập trong lều của họ tại đất nước láng giềng Belarus. Dù bị cấm, một người vẫn lén mua một chiếc điện thoại thông minh để cùng truy cập vào các trang tin tức phương Tây. Sửng sốt, họ đọc được một báo cáo của tình báo phương Tây cho rằng Nga chuẩn bị xâm lược Ukraine! Một người lính lập tức gọi điện cho mẹ vì bị sốc. Nhưng người mẹ bảo con mình đó chỉ là tuyên truyền của phương Tây, và sẽ không có chiến tranh. Bà đã sai!

Năm ngày sau, vào đêm trước cuộc xâm lược, các chỉ huy Nga mới cho binh lính biết họ sẽ vượt biên vào Ukraine và đe dọa sẽ buộc tội đào ngũ những ai không tuân lệnh. “Mẹ ơi, họ đầy chúng con lên xe, chúng con sẽ phải đi!” – người lính nói với mẹ trước khi đơn vị vượt biên giới. “Con yêu mẹ, nếu có tang cho con, đừng tin ngay, hãy tự mình kiểm tra!”. Người mẹ không nhận được tin tức con kể từ đó. Bà đã van nài xin thông tin, nhưng quân đội không trả lời khiến bà phải đưa lên mặt báo.

Dù có các khí tài quân sự hiện đại và có nhiều lợi thế trên lý thuyết nhưng quân Nga vẫn thất bại về chiến lược, chiến thuật và phương pháp tác chiến ở Ukraine. Quân Nga còn gặp khó do lập kế hoạch sai, ấn định các mốc thời gian và mục tiêu không thực tế; thiếu nguồn cung cấp, tiếp vận tồi tệ, và không quan tâm bảo vệ lực lượng. Cộng thêm là lãnh đạo kém. Những thoái bộ của quân Nga không chỉ dừng lại ở các vấn đề kỹ thuật, đào tạo kém, tham nhũng mà còn do văn hoá ứng xử nội bộ: Quân đội thiếu quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc của binh lính cũng như gia đình họ. Tại Ukraine, quân đội Nga phải vất vả che giấu thương vong và thờ ơ với các gia đình có con tham chiến. Quân đội Nga có thể chi hàng tỷ đôla cho thiết bị mới, nhưng lại không điều trị đúng cách các vết thương của binh lính và thường không quan tâm đến sinh mạng của họ.

Đếm xác lính Nga tại Kharkiv, ngày 14 Tháng Năm 2022 (ảnh: Ivan Chernichkin/Zaborona/Global Images Ukraine via Getty Images)

Sĩ quan ăn chận cả hàng tiếp tế của lính

Bài viết của Dara Massicot trên Foreign Affairs (ngày 18-5-2022) cho biết, “văn hóa thờ ơ” với người lính đang làm giảm hiệu quả tác chiến của quân đội Nga, bất kể khí tài quân sự được hiện đại hóa đến mức nào. Ở Hoa Kỳ, một người lính tốt phải là một người lính hạnh phúc, một người lính được cho ăn, trả lương đúng cách và được đối xử tôn trọng. Nhưng bộ tư lệnh cấp cao của Nga hành xử như thể binh lính là “công dân hạng hai”, là “kẻ ăn bám” khi đưa ra các quyết định chiến thuật bừa bãi như ném quân vào những nơi không nên ném và cứ thế cho lúc… thành công!

Đây là cách tự chuốc lấy “thất bại”, vừa làm giảm nhuệ khí binh lính vừa làm giảm hiệu quả chiến đấu. Kết quả thế nào đã rõ. Quân đội Nga có một lịch sử lâu dài về ngược đãi binh sĩ và gia đình họ. Trong cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, nhiều lính nghĩa vụ đã không được thông báo trước sẽ phải tham chiến. Khi họ chết hoặc mất tích, chính quyền cư xử rất thô lỗ, xa lánh cha mẹ người lính, đặc biệt là các bà mẹ đi tìm câu trả lời về cái chết của con mình.

Trong thập niên 1990, quân đội Nga đã gửi lính nghĩa vụ không được chuẩn bị đến Chechnya để thí mạng trong một cuộc chiến đô thị tàn khốc tại Grozny. Nhiều người bị giết, bị thương, bị bắt. Các bà mẹ có con là tù binh thường cầu xin các chỉ huy cứu con họ nhưng bị phớt lờ. Có bà mẹ đích thân đến Chechnya tìm con trai, thậm chí dàn xếp trao đổi tù nhân với các nhóm chiến binh Chechnya! Năm 2014, khi Nga bí mật cử lực lượng vào miền Đông Ukraine để hỗ trợ phe ly khai, các gia đình quân nhân lại bị bắt nạt hoặc được nghe những lời dối trá về tình trạng và hoàn cảnh của con họ. Ví dụ, một số người được thông báo con họ đã chết vì tai nạn huấn luyện ở Nga thay vì ở miền Đông Ukraine.

Đằng sau sự phô diễn là một quân đội nhếch nhác và vô kỷ luật từ trên xuống dưới (ảnh: Bai Xueqi/Xinhua via Getty Images)

Văn hóa vô cảm này cũng thể hiện rất rõ trong cuộc xâm lược mới tại Ukraine. Ví dụ, nếu tình báo không thể bảo vệ được lực lượng của mình, quân đội phải chuẩn bị và huấn luyện tốt hơn cho các binh lính tham gia chiến đấu về cách tự bảo vệ. Nhưng do lo lắng bị lộ kế hoạch xâm lược, quân đội Nga quyết định giữ bí mật về chiến dịch đối với gần như toàn bộ quân đội (hoặc ít nhất là là cấp dưới và trên giấy tờ), khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu kém và nguy hiểm tăng thêm.

Ngoài ra, nếu muốn tránh thương vong cho binh lính, Moscow sẽ không tiến hành chiến dịch này khi tình báo phương Tây đã phát hiện và công bố kế hoạch xâm lược. Nhưng Putin vẫn tiến hành xâm lược đúng kế hoạch, xua quân qua biên giới với hy vọng đánh bại các lực lượng Ukraine không kịp trở tay! Thật vậy, rất khó để hiểu được chiến lược của Nga trước cuộc xâm lược Ukraine. Các chỉ huy lập kế hoạch chiến tranh trừu tượng bên trong Bộ Quốc phòng kết luận là nên vào Ukraine qua tuyến đường trực tiếp từ ​​Belarus đến thủ đô Kyiv.

Nhưng nếu quan tâm đến quân đội của mình, các tướng Nga sẽ chọn một con đường khác hoặc ít nhất là chuẩn bị kỹ cho những người lính tham gia nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm này. Thay vào đó, theo các công nhân tại nhà máy hạt nhân đã ngưng hoạt động Chernobyl, Nga đưa binh lính qua khu vực này mà không có đồ bảo hộ để ngăn bụi phóng xạ do hàng trăm phương tiện quân sự của họ tung lên. Những người lính chiếm đóng nhà máy còn đào hầm hào phòng thủ tại một số vùng đất nhiễm xạ nhiều nhất trên Trái đất và sống ở đây một tháng đến khi phát bệnh và được sơ tán y tế! Có binh sĩ gọi điện về nhà báo có thể phải tự sát nếu không được rút đi. Nguy cơ nhiễm phóng xạ là một ví dụ đặc biệt nghiêm trọng về việc quân đội Nga tự làm suy yếu khả năng chiến đấu khi đối xử tệ với quân đội.

Nhưng còn rất nhiều ví dụ khác. Ví dụ, các binh sĩ bị tê cóng do trang bị kém. Một số chỉ huy biến mất trên tuyến đầu, để mặc cấp dưới không có nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống. Đã thế, quân đội Nga còn gửi lương khô đã hết hạn sử dụng cho một số đơn vị hoặc gửi thiếu. Nhiều xe tải chất đầy khoai tây, dưa chua và bột yến mạch thối rữa do thời gian vận chuyển quá lâu!

Một đạo quân nhếch nhác vô kỷ luật!

Sự coi thường của quân đội Nga đối với binh lính không chỉ làm giảm sức chiến đấu mà còn làm mất tinh thần và ý chí của họ. Các sĩ quan thường xuyên lấy bớt đồ gia đình thuộc cấp gửi ra chiến trường khiến một số binh sĩ gọi cho gia đình nói đừng gửi gì nữa. Các quan chức thường… quên trả khoản phụ cấp chiến đấu cho binh lính và bỏ mặc xác những người ngã xuống cho Ukraine giữ! Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số binh lính Nga bỏ ngũ hay bỏ rơi vũ khí hiện đại còn hoạt động tốt trên các cánh đồng Ukraine.

Thậm chí, có người lính gọi điện cho mẹ nói là đang xem xét tự bắn vào chân để được về nhà. Khi kỷ luật và nhuệ khí không còn, binh lính Nga bắt đầu cướp bóc bất cứ những gì nhìn thấy và mang về nước được, từ máy giặt, chảo rán, TV… lấy tại các trường học và cả thỏi kẻ mắt mascara dùng chưa hết! Chúng vào các tiệm tạp hóa vơ vét thịt, thuốc lá, rượu. Khi hết thực phẩm để lấy tại các chợ, chúng quay sang lấy trộm gia súc tại nhà dân. Một số cuộc gọi điện thoại bị cơ quan tình báo Ukraine chặn cho thấy một số binh sĩ Nga ăn cả thịt chó!

Tổn thất nghiêm trọng của quân Nga đã khiến nhiều binh lính Nga mất tinh thần (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Với cách quân đội Nga đối xử tệ với binh lính của mình, không có gì ngạc nhiên khi binh sĩ Nga phạm các tội ác trên diện rộng không có lý do biện minh tại nhiều làng mạc và thành phố của Ukraine. Những hành động tàn bạo là không thể tả xiết, từ tra tấn, hãm hiếp phụ nữ đến hành quyết tập thể. Nhưng thay vì ban hành chỉ thị yêu cầu ngưng ngay các hành vi tàn ác này, Điện Kremlin đã trao tặng danh hiệu cao quí cho một trong những đơn vị bị cáo buộc phạm tội ác ở thị trấn Bucha, ngoại vi thủ đô Kyiv. Quân đội Nga gần như không thể khắc phục được vấn nạn văn hóa ứng xử nội bộ.

Dù cuộc xâm lược Ukraine có kết thúc sớm, quân đội Nga cũng khó cải tổ, như đã làm được sau cuộc chiến năm ngày chống lại Gruzia năm 2008. Đó là vì, khác với cuộc chiến Gruzia, Moscow không thể đổ lỗi cho các thiết bị cũ mà trách nhiệm thuộc về những người ra quyết định sai nhưng không bao giờ thừa nhận quân đội vẫn tồn tại nạn ngược đãi binh lính có hệ thống. Thậm chí các lãnh đạo hiện nay của quân đội Nga còn bỏ qua mọi cáo buộc, làm như không có gì xảy ra để tiền bạc tiếp tục chảy vào ngân sách quốc phòng và việc mua sắm vũ khí vẫn theo kế hoạch. Bòn rút sẽ theo sau.

Các chỉ huy hàng đầu của Nga không phải là những quân nhân phi chính trị mà đã giành được vị trí cao nhờ thể hiện lòng trung thành với Putin. Đối với họ, quyền lực và lợi ích lớn hơn danh dự của người lính. Họ chấp thuận kế hoạch xâm lược bất chấp những ngờ vực và sai sót đến nỗi có thể làm tan vỡ một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Hiện không có lực lượng nào sẵn sàng thay 190,000 quân đang tham gia cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là binh lính sẽ phải chiến đấu cho đến lúc kiệt sức, trừ khi Kremlin tổng động viên. Dĩ nhiên quân đội Nga hiểu rằng hao tổn binh lính sẽ khiến chiến thắng trở nên khó khăn hơn.

Kremlin rất nhạy cảm với thương vong. Giống như trong các cuộc chiến trước đây, Putin luôn tìm cách che giấu những xác chết. Để đạt được mục tiêu đó, từ 2015 Nga đã cấm thảo luận về những cái chết trên chiến trường và xem đây là “danh mục mật”. Hiện tại, các quan chức Nga đang ra sức ngăn chặn các gia đình lo lắng tìm kiếm tin tức về con cái họ, vì đó là thông tin mật. Câu trả lời có khi là “không có thông tin” hay người hỏi được chuyển qua một loạt số điện thoại vô tận đến lúc chán nản phải bỏ cuộc. Có cha mẹ đến thẳng các căn cứ và bệnh viện để tìm thông tin nhưng bị từ chối thẳng.

Chẳng hạn, cha của một lính nghĩa vụ biến mất trên chiếc tàu tuần dương Moskva bị đánh chìm đã đến căn cứ hải quân ở Biển Đen để hỏi xem con trai mình đang ở đâu và được chỉ huy địa phương nhún vai trả lời: “Chắc ở đâu đó trên biển!”. Nhưng tất cả đều không ngăn được các bậc cha mẹ Nga tuyệt vọng tiếp tục tìm kiếm thông tin thông qua các mạng không chính thức, mạng xã hội hoặc thậm chí từ… chính phủ Ukraine (đã đề nghị thả một số tù binh Nga nếu có mẹ đến nhận). Những bà mẹ khác dự định sẽ tự đến các vùng chiến sự để tìm con trai và đưa chúng về nhà. Nhưng quyết tâm của họ không có nghĩa là quân đội sẽ sớm sửa sai.

Thật vậy, bầu không khí chính trị hiện nay ở Nga còn nghiêm khắc hơn đối với các cuộc biểu tình tập thể của các gia đình binh sĩ so với cuối thập niên 1980, 1990. Chính quyền Nga đang nỗ lực hơn bao giờ hết để trấn áp những ai nói bất cứ điều gì về cuộc chiến nếu không đúng đường lối chính thức, kể cả bày tỏ sự đau buồn. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng, khi hết chiến tranh, quân đội Nga có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi văn hóa nhân sự. Nhưng sẽ quá muộn để cứu hàng ngàn binh lính khỏi cái chết oan uổng…

____________

Nếu những quan tài kẽm… biết nói!

Tại sao xe tăng Nga thành “quan tài di động”?

Số phận của thủy thủ đoàn soái hạm Moskva ra sao?

Khi đoàn quân “giải phóng” trở thành bọn hôi của!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: