Rời ghế thủ tướng, Angela Merkel để lại di sản đối ngoại gì?

Sau khi rời ghế thủ tướng, bà Angela Merkel để lại hố sâu khoảng cách trong quan hệ Berlin-Washington (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Ngày 26 Tháng Chín 2021, cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ được tổ chức để chọn thủ tướng kế nhiệm, với sự ra đi của bà Angela Merkel sau bốn nhiệm kỳ liên tục lãnh đạo nước Đức. Được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới, bà Angela Merkel để lại di sản gì, đặc biệt vấn đề đối ngoại, cho nước Đức tương lai?

Những rạn nứt với Mỹ không thể hàn gắn sớm

Sau khi đắc cử và chuyển đến Tòa Bạch Ốc vào Tháng Một 2021, Joe Biden chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông gọi trong cương vị tân tổng thống. Các trợ lý của Biden xem quyết định này là “báo hiệu cho sự trở lại bình thường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” với các đồng minh châu Âu sau bất ổn thời cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Wall Street Journal (22 Tháng Chín 2021), bà Thủ tướng Đức từ chối đề nghị nhận điện vào chiều Thứ Sáu hôm đó vì bà dành ngày cuối tuần để… chăm sóc vườn rau và đi dạo ven hồ tại ngôi nhà ở vùng nông thôn gần thủ đô Berlin.

Đến Thứ Hai tuần sau, khi bà trở lại văn phòng, hai lãnh đạo mới có cuộc trò chuyện qua điện thoại. Việc không đánh giá cao việc mình là “người được tổng thống Mỹ mới nhậm chức gọi điện đầu tiên” có thể chỉ là chuyện trùng hợp, nhưng thái độ của bà Merkel phản ảnh thực tế trong suốt bốn nhiệm kỳ thủ tướng của bà: Sự nguội lạnh trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn được xem là “ràng buộc chặt chẽ” giữa Berlin-Washington và châu Âu-Mỹ kể từ cuối Thế chiến thứ hai.

Năm 2005, khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, bà Merkel được xem là một đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ và thuộc số ít chính trị gia châu Âu hàng đầu ủng hộ chiến dịch quân sự tấn công Iraq của Tổng thống George W. Bush. Nay, khi sắp rời cương vị thủ tướng Đức, con người từng gặp bốn đời tổng thống Mỹ, sẽ nhìn lại các di sản của mình: Đưa nền kinh tế Đức phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc, ủng hộ việc thông qua thỏa thuận năng lượng qui mô với Nga, cùng Pháp thách thức ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở châu Âu và từ chối cảnh báo của Mỹ về “chính sách kinh tế và sự cởi mở quá mức của Đức đối với công nghệ Trung Quốc”.

Trong thời gian bà Merkel nắm quyền, Hoa Kỳ tách dần khỏi châu Âu về chính sách đối ngoại để chuyển trọng tâm sang châu Á. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ trở thành sự đối đầu công khai. Sự thay đổi này cũng bắt nguồn từ “tư duy thay đổi” của bà Merkel về nước Mỹ. Là một lãnh đạo châu Âu, bà dần dần vỡ mộng với Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mà bà đổ lỗi một phần là vì “các quy định tài chính lỏng lẻo của Mỹ”.

Angela Merkel ngày càng không tin Mỹ (ảnh: Christian Marquardt-Pool/Getty Images)

Kể từ đó, bà bị Trung Quốc… mê hoặc. Bà ngưỡng mộ tốc độ phát triển nhanh chóng và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc (theo các trợ lý, người thân tín và thừa nhận của chính bà). Tuy nhiên, bà Merkel và hầu hết nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục xem họ là một phần của liên minh phương Tây; cùng chia sẻ các giá trị cơ bản, thể chế dân chủ, tôn trọng pháp quyền và thị trường tự do. Họ vẫn trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine. Một số chính phủ châu Âu đã lạnh nhạt hơn với Trung Quốc vì vi phạm quyền con người.

Dù vậy, hầu hết EU đều có chung cảm giác rằng Hoa Kỳ là “một đối tác hay thay đổi và không đáng tin cậy trong nhiều năm gần đây”. Danh sách các lợi ích chung xuyên Đại Tây Dương cũng bị thu hẹp trong khi quyền lợi quốc gia được đưa lên ưu tiên. Cảm giác tiêu cực này đã xuất hiện từ lâu trước thời Trump. Jean-Claude Juncker, cựu giám đốc điều hành của EU, nhận định: “Chúng ta đừng bao giờ mong đợi sự trở lại hiện trạng cũ khi không còn Trump. Với Biden, khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” vẫn đúng!”.

Từ say mê phương Tây đến mất niềm tin

Lớn lên ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) cũ, bà Merkel lúc trẻ đã bị phương Tây và nước Mỹ mê hoặc. Là nhà khoa học trẻ, bà thề khi nghỉ hưu sẽ đến phương Tây sinh sống và du lịch khắp nước Mỹ. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà chọn tiểu bang California làm điểm du lịch nước ngoài đầu tiên.

Bà trở thành thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ hai của George W. Bush. Việc ủng hộ cuộc xâm lược Iraq của Mỹ đã khiến bà “khác biệt” với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lúc đó. Theo các trợ lý, tình bạn thân thiết của bà với ông Bush kéo dài đến tận hôm nay. Bà từng dẫn ông Bush thăm thú đơn vị bầu cử của mình và ông Bush từng tự tay nướng bánh mì kẹp thịt cho bà tại trang trại gia đình ở Texas. “Sẽ không có châu Âu thống nhất và mạnh nếu đối lập với Mỹ” – bà Merkel nhấn mạnh năm 2005. Tuy nhiên, theo thời gian, bà mất kiên nhẫn với cách Washington theo đuổi lợi ích riêng, bất chấp gây thiệt hại cho các đồng minh.

Sau khi Lehman Brothers vỡ nợ khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ thập niên 1930, bà Merkel nói thẳng: “Thảm hoạ này sẽ không xảy ra nếu các ngân hàng Anglo-Saxon và giới vận động hành lang lì lợm của Wall Street không bỏ qua các nỗ lực điều chỉnh thế giới tài chính của Đức và các nước khác”. Sự mất niềm tin không giảm mà còn tăng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các trợ lý cho biết đánh giá đầu tiên của bà Merkel về Obama là “một đối tác không ổn định, nói nhiều và hay can thiệp”.

Việc rà soát hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cho thấy rằng, năm 2013 cơ quan này đã theo dõi bà Merkel và một số nhà lãnh đạo thế giới khác bằng cách nghe lén điện thoại của họ. Tòa Bạch Ốc đã cho ngưng ngay hành động này. Tuy nhiên, mối quan hệ được cải thiện và thân thiết hơn vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Obama lại bị thử thách bởi việc tổng thống Mỹ xoay trục sang châu Á và những chỉ trích liên tục của ông đối với chính sách tài chính và thặng dư mậu dịch của Đức với Mỹ.

Quan hệ Mỹ-châu Âu trở nên đặc biệt tồi tệ dưới thời Trump, khi Mỹ áp đặt thuế quan trừng phạt EU, cáo buộc châu Âu đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và đề xuất rút quân Mỹ khỏi Đức. Trump thường than phiền rằng Đức “đóng góp quá ít vào ngân sách bảo vệ châu Âu”. Trump bị bà Merkel chỉ trích về quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Trump còn đe dọa dùng biện pháp mạnh chống lại các nhà sản xuất xe hơi Đức và cáo buộc Merkel đã bị Nga “nắm thóp”. Đến năm 2019, Thủ tướng Đức đã hết hy vọng hàn gắn quan hệ với Trump. Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard năm đó, bà đã chỉ trích “các rào cản thương mại và những lời nói dối”. Nhiều người xem đây là “sự quở trách” nhắm vào Trump.

Việc ông Trump nghi ngờ NATO và mở cuộc chiến bảo hộ trước các đồng minh châu Âu, bao gồm cả Anh, đã làm lung lay niềm tin của châu Âu vào “quan hệ môi hở răng lạnh” xuyên Đại Tây Dương. Cuối cùng, theo hai phụ tá thân cận, bà Merkel xem kỳ vọng tái lập quan hệ xuyên Đại Tây dương của Biden cũng “tan thành mây khói” sau khi Mỹ rút quân vội vã khỏi Afghanistan.

Học thuyết “châu Âu tự lực” và thân thiện hơn với Trung Quốc

Bà Merkel nhận thức “châu Âu phải tự đứng vững về kinh tế, ngoại giao và quân sự trên đôi chân mình”. Trong một phát biểu năm 2017, bà nhấn mạnh: “Thời kỳ có thể dựa vào người khác không còn nữa. Người châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh!”. Khi mối quan hệ với Hoa Kỳ thay đổi, bà Merkel quay sang Trung Quốc. Bà đến thăm đất nước này 13 lần khi còn đương nhiệm, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo lớn nào khác của phương Tây. Năm 2010, bà tổ chức sinh nhật ở đó (phía Trung Quốc tổ chức chuyến tham quan riêng cho bà đến lăng mộ Đội quân đất nung nổi tiếng ở thành phố Tây An).

“Bà Merkel rất thích nghiên cứu lịch sử, chính trị và kinh tế Trung Quốc” – Christoph Heusgen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của bà, nói. Nhưng Merkel vẫn chỉ trích chính sách độc đảng của Trung Quốc và tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Tây Tạng lưu vong. Bà cũng thường xuyên lên án cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số. Trong chuyến đi đầu tiên của bà đến Trung Quốc, bà ghé thăm ban lãnh đạo Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt, bà luôn xem sự phát triển đi lên của Trung Quốc là “thực tế không thể tránh khỏi”.

Thân thiện hơn với Bắc Kinh (ảnh: Jason Lee – Pool/Getty Images)

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở châu Âu. Đức có thâm hụt thương mại tương đối nhỏ với Trung Quốc, so với thâm hụt của các nước EU khác với nước này. Volkswagen AG, nhà sản xuất xe hơi lớn của Đức, có phân nửa doanh số bán tại Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất Đức cũng bán được hàng ở Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác, kể cả tại Đức. Không chỉ có kinh tế. Trong chuyến đi cuối cùng của bà Merkel đến Trung Quốc vào cuối năm 2019 (và thăm Vũ Hán vài tuần trước khi thành phố trở thành tâm dịch Covid-19), bà nói với các trợ lý: “Đất nước này ngày càng độc tài hơn nhưng việc điều hành và quản lý nền kinh tế cũng hiệu quả hơn. Ngược lại, EU và Mỹ ngày càng phân cực và quan liêu. Các cuộc bầu cử cũng bầu ra những lãnh đạo có chất lượng ngày càng giảm”.

Bà Merkel đã nói rõ quan điểm này trong bài phát biểu tại một diễn đàn về chính sách an ninh năm 2019 ở Munich, và nhấn mạnh: “Giấc mơ thống trị toàn cầu của Trung Quốc là sự phát triển tự nhiên dựa trên quy mô và dân số của họ”. Lúc đó, ông Biden, cựu phó tổng thống, có mặt bên dưới. Đây là lý do khiến bà Merkel nghĩ rằng “bất kỳ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc nào của Mỹ cũng sẽ thất bại”. Năm 2020, Mỹ cố gắng thuyết phục (kèm đe dọa) châu Âu không tham gia các mạng viễn thông của tập đoàn viễn thông Huawei Technologies vì công ty này làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, nhưng hầu như Washington đã thất bại trong chiến dịch này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: