Sau sáu tháng kiệt quệ sa vào bãi lầy Ukraine, xuất khẩu vũ khí Nga te tua

Dàn phóng rocket TOS-1A “Solntsepyok” của Nga (ảnh: Leonid Faerberg/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Sau sáu tháng ném quân vào chỗ chết và không có bất kỳ chiến thắng “oanh liệt” nào, Nga phải gánh chịu 80,000 ca tử trận và thương vong, mất hàng trăm máy bay, hàng ngàn xe tăng và xe bọc thép… Chiến tranh càng kéo dài, tình hình càng thách thức đối với công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí Nga…

Vladimir Putin trong một lần đến nhà máy sản xuất AK-47 (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Moscow từ lâu đã cạnh tranh với Hoa Kỳ và châu Âu với tư cách là nhà cung cấp “hàng nóng” cho nhiều nước thế giới, đặc biệt Trung Đông. Bây giờ, một tay ôm súng, một tay bị trói, Nga đang thất thu nghiêm trọng trong doanh thu xuất khẩu vũ khí. Không chỉ tổn thất túi tiền, Moscow còn bị ảnh hưởng trong việc mở rộng uy tín chính trị và quân sự.

Trong thập niên qua, Nga đã khẳng định vai trò như một tay chơi thứ dữ ở Trung Đông. Kremlin đã “xây dựng uy tín” khi khai thác sự bất ổn cũng như chia rẽ khu vực, và “đứng ra dàn xếp” bằng cách… cung cấp vũ khí cho cả hai bên thậm chí có khi họ vốn là đối thủ lâu đời, chẳng hạn Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Bán vũ khí và hỗ trợ quân sự giúp thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và địa chính trị cho Moscow. Cụ thể, khi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần sụp đổ, Nga đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự để đổi lấy quyền sở hữu các căn cứ không quân và hải cảng cho quân đội Nga cũng như các hợp đồng thăm dò dầu khí.

Vũ khí Nga luôn được nhiều nơi ca tụng như là vũ khí tiên tiến hiện đại chỉ sau Mỹ – trong ảnh là dàn phóng rocket “Tornado-C” (ảnh: Getty Images)

Tại Libya, Nga một lần nữa sử dụng biện pháp can thiệp quân sự để thúc đẩy các lợi ích chiến lược lớn hơn, khi đưa đến lính đánh thuê, quân đội chính quy và vũ khí tối tân hỗ trợ thủ lĩnh dân quân Khalifa Haftar vào năm 2019 nhằm lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli. Mặc dù không thành công nhưng chiến dịch này giúp Nga bố trí đóng quân tại các căn cứ không quân và xung quanh các cơ sở dầu khí trên khắp Libya.

Foreign Affairs cho biết, kể từ năm 2012, Nga chiếm khoảng 16% tổng doanh số bán vũ khí cho các nước Trung Đông và Bắc Phi, chỉ đứng sau Mỹ. Các khách hàng khu vực lớn nhất của Nga trong năm năm qua là Algeria (nơi mua 70% lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga), tiếp đó là Ai Cập và Iraq. Khách hàng Trung Đông khoái đồ chơi Nga vì giá rẻ và Moscow sẵn sàng bán cho bất kỳ ai có thể trả tiền tươi thóc thật mà không cần đếm xỉa gì đến các vấn đề khác chẳng hạn nhân quyền. Mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Nga từng là AK-47, nhưng nay, những loại “hàng nóng” được nhiều nước săn mua ngày càng tân tiến hơn: Hệ thống phòng không S-400, chiến đấu cơ Su-35, tàu ngầm…

Tàu ngầm Nga lớp Kilo, loại bán cho Việt Nam (ảnh: Burak Kara/Getty Images)

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí Nga thật ra bắt đầu giảm ngay cả trước khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, chỉ còn 10% doanh số bán trong khu vực từ năm 2019 đến năm 2021. Một trong những lý do có thể là bởi Đạo luật trừng phạt đối thủ thông qua cấm vận (Adversaries Through Sanctions Act) của Hoa Kỳ. Đạo luật năm 2017 này áp dụng các hình phạt tài chính đối với bất kỳ quốc gia nào thực hiện “giao dịch quan trọng” với giới sản xuất vũ khí Nga. Tuy nhiên, Washington đã không nhất quán trong việc thực thi, ngay cả đối với các đồng minh của mình. Ví dụ, Ai Cập đã đạt được thỏa thuận lớn mua máy bay Nga vào năm 2019; và Ấn Độ cũng tiếp tục mua vũ khí Nga mà không phải chịu lệnh trừng phạt gì cả.

Kể từ khi xâm lược Ukraine, Nga đối mặt với thách thức lớn hơn. Công nghiệp quốc phòng Nga bị thiệt hại nghiêm trọng. Báo cáo trước Thượng viện Hoa Kỳ vào Tháng Năm, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết Nga phải tháo chất bán dẫn (semiconductor) dành cho tủ lạnh và máy rửa bát để lắp vào các thiết bị quân sự. Bị kẹt cứng vào bãi lầy Ukraine, Nga không thể xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài mà còn không thể cung cấp việc bảo trì các hệ thống vũ khí cho khách hàng; đặc biệt hỏa tiễn tầm xa, xe tăng và hệ thống phòng không… Cách đây không lâu, giới chức quốc phòng Ấn Độ nói rằng tất cả giao dịch với Nga đều đang ách tắc, từ hệ thống hỏa tiễn đến máy bay chiến đấu. Nga chắc chắn cũng gặp khó khăn trong việc giao vũ khí đúng hẹn cho các nước châu Phi và Trung Đông.

Dù có thể “chế tạo” được vũ khí nhưng Nga vẫn chưa thể chế tạo được linh kiện (ảnh: Li Chun/China News Service via Getty Images)

Vai trò của Nga suy giảm trong hoạt động buôn bán vũ khí dẫn đến những ảnh hưởng sâu sắc đến vị thế Nga ở Trung Đông và cả Đông Nam Á. Moscow không chỉ mất nguồn thu mà khả năng gây ảnh hưởng chính trị của họ trong các khu vực này cũng có thể giảm. Dù Nga đã tìm các con đường khác để níu kéo ảnh hưởng tụt dốc, bằng cách chơi với những tác nhân phi chính phủ, đồng thời theo đuổi các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và du lịch, nhưng những nỗ lực này mang lại kết quả không như ý và mờ nhạt hẳn so với vai trò con buôn vũ khí.

Xét riêng với Mỹ, việc giảm ảnh hưởng của Nga, thông qua việc bán vũ khí, cũng có thể tạo ra những thách thức mới cho Washington. Nó có thể tạo ra khoảng trống cho một đối thủ cạnh tranh khác của Mỹ, chẳng hạn Trung Quốc, sẵn sàng “điền vào chỗ trống”. Trung Quốc đang tìm cách mở rộng xuất khẩu vũ khí và thèm khát đóng vai trò “tay chơi quốc tế” ở Trung Đông; và tương tự Nga, Bắc Kinh cũng cung cấp vũ khí rẻ mạt mà không cần điều kiện ràng buộc gì.

Các nhà máy sản xuất vũ khí Nga đều trong tình trạng cũ kỹ lạc hậu (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Trung Quốc vốn luôn tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn cho Trung Đông và họ đã tạo ra một “thị trường ngách” (niche) bằng cách cung cấp các loại đồ chơi quân sự giá bèo chẳng hạn máy bay không người lái. Tuy nhiên, người mua bày tỏ lo ngại về chất lượng “hàng Tàu”. Trong thực tế, khối lượng vũ khí Trung Quốc đổ vào khu vực còn tương đối nhỏ, chưa đến 5% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Trung Đông từ năm 2016 đến năm 2021, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Trở lại với công nghiệp vũ khí Nga. Theo nghiên cứu của Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (Washington DC), công nghiệp vũ khí Nga đang rối như canh hẹ. Kể từ Tháng Năm, các nhà máy sản xuất hỏa tiễn đã phải căng mình lên hoạt động. Vấn đề ở chỗ, ai cũng biết, là các nhà máy đang thiếu linh kiện. Trong thực tế, Nga có thể tự sản xuất thiết bị điện tử quốc phòng, nhưng sự lạc hậu của họ nghiêm trọng đến mức độ tin cậy của sản phẩm gần như không có và chi phí luôn cao hơn hàng nhập. Đó là lý do tại sao kể từ năm 2014, Nga phải tạo ra các công ty bình phong để bí mật mua các thành phần cần thiết từ nước ngoài. Năm 2019, tỉ trọng linh kiện điện tử nước ngoài trong hàng hóa Nga ước tính đạt 80%.

Thất bại bi thảm của quân Nga tại chiến trường Ukraine khiến nhiều khách hàng vũ khí truyền thống của Nga phải xem xét lại các đơn hàng trong tương lai (ảnh: Artem Gvozdkov/Global Images Ukraine via Getty Images)

Ví dụ, hỏa tiễn Iskander 9M723 và 9M728 phải sử dụng con quay hồi chuyển của Mỹ và máy đo gia tốc của hãng Analog Devices ít nhất từ ​​năm 2009, tiếp tục được sử dụng vào năm 2017 và chắc chắn được sử dụng trong các loại hỏa tiễn nã xuống chiến trường Ukraine năm 2022. Với nhu cầu chiến tranh tại Ukraine, các kho dự trữ Nga có thể cạn kiệt vào năm tới. Để giải quyết vấn đề này, các chuỗi cung ứng khác đang được xem xét, bằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp ở các quốc gia chưa bị áp đặt biện pháp trừng phạt và có thể sẵn sàng hợp tác với Moscow.

Tuy nhiên, điều này là cực kỳ phức tạp. Hỏa tiễn dẫn đường có yêu cầu nghiêm ngặt về kích thước và khối lượng. Với mỗi lần thay thế thành phần, người ta cần phải thực hiện loạt thử nghiệm bổ sung. Điều đó sẽ làm tăng đáng kể chi phí trong khi làm giảm hiệu suất kỹ thuật, chưa kể việc tăng thời gian sản xuất.

__________________

Ở Đông Nam Á, hàng nóng của Nga là số một. Từ 2000 đến năm 2021 – theo South China Morning Post, giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực này là $10.87 tỉ, tiếp theo là Hoa Kỳ (8.4 tỉ), Pháp (4.3 tỉ), Đức (2.94 tỉ) và Trung Quốc (2.9 tỉ). Các khách hàng quốc phòng quan trọng nhất của Nga ở Đông Nam Á là Việt Nam, Myanmar, Malaysia và Indonesia. Nga đã bán cho các quốc gia này đủ các thiết bị quân sự – từ máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe tăng và vũ khí cỡ nhỏ – dĩ nhiên với giá rẻ hơn hàng được sản xuất tại Mỹ và châu Âu.

___________

“Phẫu thuật” đồ chơi quân sự Nga, thấy gì bên trong?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: