Soái hạm của Nga bị bắn chìm trên Hắc Hải?

Soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga mang tên Moscow đã bị chìm. Các quan chức Ukraine nói nó bị hai hỏa tiễn Neptune của nước này bắn trúng và kích hoạt một vụ nổ dữ dội trên tàu, trong khi phía Nga cho rằng đó chỉ là một tai nạn.
Ảnh minh họa: Tuần dương hạm mang nhiều hệ thống hỏa tiễn Moscow di chuyển qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tập trận. Được coi là một trong ba chiến hạm dũng mãnh nhất của hải quân Nga nhưng tuần dương hạm Moscow đã bị chìm xuống biển sáng nay 14 tháng Tư, có thể do bị quân kháng chiến Ukraine tấn công bằng hỏa tiễn. Ảnh Burak Akay/Anadolu Agency via Getty Images

Soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga mang tên Moscow (còn có tên là Moskva) đã bị chìm. Các quan chức Ukraine nói nó bị hai hỏa tiễn Neptune của nước này bắn trúng và kích hoạt một vụ nổ dữ dội trên tàu, trong khi phía Nga cho rằng đó chỉ là một tai nạn.

Hôm nay Thứ Năm 14 Tháng Tư, các quan chức Hoa Kỳ cho biết, soái hạm Moscow đã bị chìm sau cuộc tấn công của các lực lượng Ukraine. Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói trước đó trong ngày, chiếc tuần dương hạm đang được kéo đến thành phố cảng Sevastopol ở Crimea để sửa chữa, nhưng nó đã chìm xuống biển Hắc Hải. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận vụ chìm tàu ​​nhưng cho biết tàu tuần dương tên lửa của họ – tàu Moscow – đã bị hư hại sau tai nạn hỏa hoạn. 

Theo thông tin của Mỹ, vụ nổ trên tàu Moscow xảy ra hôm qua Thứ Tư, khi con tàu cách cảng Odessa ở phía Nam Ukraine khoảng 75 km. Thống đốc Odessa nói tàu Moscow đã bị trúng hỏa tiễn chống hạm của Ukraine – một khẳng định được một quan chức Mỹ xác nhận. Trong khi đó, phía Nga nói một vụ hỏa hoạn trên tàu đã làm cho kho đạn phát nổ, buộc phải di tản một số trong số 500 người của thủy thủ đoàn. Sau đó Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tàu Moscow bị chìm khi đang được kéo về cảng do “một cơn bão lớn”. Hiện chưa rõ có nhân viên thủy thủ đoàn nào của Nga bị thiệt mạng hay không. 

Các chuyên gia nhận định tuyên bố của Ukraine về vụ tấn công bằng hỏa tiễn chống hạm thì đáng tin cậy hơn lời giải thích tai nạn của Nga. Nhưng cho dù thế nào việc tuần dương hạm Moscow bị chìm cũng là một tổn thất lớn, mang tính biểu tượng, của quân Nga, theo nhận định với The Washington Post của Artyom Lukin, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok của Nga. Nó cũng giúp nâng cao tinh thần của các lực lượng kháng chiến Ukraine, những người đã đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga trong 50 ngày và đang chuẩn bị cho một giai đoạn chiến đấu ác liệt mới ở phía Đông của đất nước.

Tuần dương hạm Moscow được đặt theo tên của thủ đô Nga, là soái hạm, hay kỳ hạm (flagship) chỉ huy hạm đội Hắc Hải, từng chỉ huy cuộc tấn công lực lượng biên phòng của Ukraine ở Đảo Rắn (Snake Island) trong những ngày đầu cuộc chiến – được truyền  thông loan tin rộng rãi trước đây do các chiến sĩ giữ đảo đã mắng chửi quân xâm lược bằng những lời nhục mạ.

Quân đội Ukraine nói lực lượng của họ đã bắn hai tên lửa chống hạm Neptune vào tàu Moscow, quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng tuyên bố này là hợp lý, và một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Moscow, Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, cho biết họ tin con tàu đã bị đánh chìm trong một cuộc tấn công hỏa tiễn hơn là do một tai nạn nào đó. 

Tàu Moskva khi chưa bị đánh chìm (ảnh: Can Merey/picture alliance via Getty Images)

Tuần dương hạm Moscow là một trong ba soái hạm tân tiến nhất của hải quân Nga, được coi là chiến hạm uy lực nhất của Hải quân Nga. Tàu dài 186.4m, rộng 20.8m, mớn nước 8.4m, tải trọng tiêu chuẩn 10,000 tấn, thủy thủ đoàn từ 476 – 529 người. Chiến hạm được trang bị các vũ khí cực mạnh, nổi bật là hệ thống hỏa tiễn chống hạm siêu thanh 16 bệ phóng tầm bắn tới 700 km, tám bệ phóng hỏa tiễn đối không tầm xa 150 km để chống phi cơ và hỏa tiễn đạn đạo của đối phương và nhiều loại vũ khí cận chiến khác. Chiến hạm Moscow được cho là có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ trong tác chiến phòng thủ và tiến công, được thiết kế với mục tiêu ban đầu là để đánh chìm các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, đặc biệt là ngăn cản và tiêu diệt các chiến hạm của NATO hoạt động tại Hắc Hải.

Quân đội Ukraine bắt đầu phát triển hỏa tiễn Neptune năm 2013 như một biện pháp chống lại sức mạnh hải quân Nga ở ngoài khơi bờ biển Đông Nam nước này. Được bắn từ bệ phóng gắn trên xe tải, hỏa tiễn có tầm bắn tối đa từ 173 đến 186 dặm.

James Black, một chuyên gia về quân đội Nga tại Rand Corp cho biết thiệt hại tàu Moscow là đáng kể hơn so với những thiệt hại trước đó của Hải quân Nga. Một tàu đổ bộ (amphibious landing ship) của Nga cũng đã bị quân Ukraine bắn cháy hồi tháng trước khi nó đậu trong hải cảng Berdyansk mà Nga tạm chiếm.

Tổn thất của quân Nga sau 50 ngày chiến tranh (nguồn: Kyiv Post)

Những tổn thất về chiến hạm, kể cả loại tân tiến nhất như tuần dương hạm Moscow, đồng thời thể hiện năng lực công nghệ cây nhà lá vườn của quân kháng chiến Ukraine và phơi bày điểm yếu đáng xấu hổ trong hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của Hải quân Nga.

Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh họ cần gấp các loại vũ khí phòng thủ bờ biển và trong tuần này Mỹ đã thông báo sẽ gửi nhiều vũ khí loại đó hơn. Cho đến nay, các chiến hạm của Nga có thể bắn hỏa tiễn theo ý muốn vào các thành phố ven biển, thậm chí phóng hỏa tiễn đến tận biên giới Ukraine và Ba Lan. Chiến hạm Nga đã phong tỏa bờ biển phía Nam của Ukraine và đe dọa tổ chức đổ bộ ở khu vực phía Tây Nam. 

Sự kiện Ukraine dùng hỏa tiễn Neptune cây nhà lá vườn để diệt chiến hạm Nga một cách hiệu quả, cộng với triển vọng có thêm vũ khí diệt hạm từ Hoa Kỳ đã buộc quân Nga phải tính toán lại. Các quan chức Ngũ Giác Đài nói sau vụ tàu Moscow bị đánh chìm, các chiến hạm khác của Nga đã di chuyển ra xa bờ biển Ukraine, cho thấy phía Nga thật sự tin vào khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine.

Đô đốc James G. Foggo III, cựu chỉ huy Hạm đội 6 Hoa Kỳ, hoạt động ở châu Âu, nhận định. “Sự kiện này [vụ bắn chìm tàu Moscow] là không thể xảy ra với một chiến hạm hiện đại. Nếu đây là một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Neptune thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tự mãn và thiếu khả năng phòng thủ, thiếu tích hợp tấn công và phòng thủ hiệu quả của hải quân Nga,” Đô đốc Foggo nói với The New York Times.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: