Sử dụng súng cá nhân – bài học Thụy Sĩ

Thụy Sĩ không chỉ nổi bật ở các cuộc thi bắn súng Olympic mà còn nổi tiếng với việc “phổ cập” sử dụng vũ khí toàn dân (ảnh: Fred Lee/Getty Images)

Thụy Sĩ có tỷ lệ sở hữu súng cao ngất ngưởng. Năm 2007, Khảo sát Vũ khí Nhỏ cho thấy Thụy Sĩ có tỷ lệ súng dân dụng trên 100 cư dân cao thứ ba (46), chỉ sau Mỹ (89) và Yemen (55). Nhưng tại sao tại quốc gia nhỏ bé này không xảy ra các vụ xả súng hàng loạt? Thử tìm các lý do.

Giống Mỹ nhưng rất khác!

Thụy Sĩ đã không có một vụ xả súng hàng loạt nào trong 21 năm trở lại đây, ngược với Mỹ, hầu như ngày nào cũng có thương vong vì súng nổ trong cộng đồng. Lý do đơn giản: Từ lâu, đất nước Thụy Sĩ đã có những quy định nghiêm ngặt đối với những người có thể giữ một khẩu súng và rất nghiêm túc trong việc huấn luyện cách dùng súng. Vụ xả súng mới nhất xảy ra vào năm 2001, khi một người đàn ông xông vào toà nhà nghị viện địa phương ở thành phố Zug, giết chết 14 người trước khi tự sát. Thuỵ Sĩ có khoảng hai triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân trong khi dân số chỉ có 8.3 triệu người, tức cứ bốn người thì một người có súng hợp pháp. Năm 2016, cả nước có 47 vụ dùng súng tự sát thành và không thành, nhưng tỷ lệ giết người tính chung gần như bằng không.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia Hoa Kỳ (National Rifle Association-NRA) thường dùng Thụy Sĩ để biện minh cho lý lẽ “không cần thiết phải có thêm các quy định về quyền sở hữu súng”. Năm 2016, trên blog của mình, NRA lập luận: “Quốc gia châu Âu này có tỷ lệ giết người thấp nhất thế giới trong khi vẫn có hàng triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân và nhiều vũ khí săn bắn không cần giấy phép”. Chỉ đúng một phần.

Điều khác biệt với Mỹ là người Thụy Sĩ có những luật lệ và quy định rất cụ thể đối với việc mua và sử dụng súng. Tờ Business Insider đã nhìn lại bề dày lịch sử “mối quan hệ” của Thuỵ Sĩ với súng để xem tại sao nước này có tỷ lệ bạo lực súng thấp hơn Mỹ nhiều (Mỹ hiện có tỷ lệ tử vong do súng ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua và súng là nguyên nhân hàng đầu các tai nạn làm chết trẻ em và thanh thiếu niên).

Phụ nữ Thụy Sĩ diễn hành với súng tại Hội chợ SAFFA 1958 (tôn vinh vai trò phụ nữ trong đời sống xã hội) – ảnh: RDB/ullstein bild via Getty Images

Trước nhất, Thụy Sĩ bị ám ảnh bởi việc sử dụng súng sao cho đúng và an toàn. Hàng năm, có những cuộc thi bắn súng dành cho lứa tuổi từ 13 đến 17 tuổi. Knabenschiessen là hội thi bắn súng truyền thống hàng năm có từ thập niên 1600 (thế kỷ 17) tại thành phố Zurich. Dù tên hội thi được dịch gần nghĩa là “bắn súng nam” chỉ dành cho thiếu niên nam nhưng kể từ năm 1991, các cô gái tuổi teen cũng được phép tham gia. Trẻ em khắp nước ghi danh tham dự cuộc thi vào Tháng Chín hàng năm để tranh tài bắn mục tiêu bằng súng trường quân đội.

Họ tự hào khoe mình có thể bắn giỏi như thế nào. Độ chính xác là tiêu chí đánh giá nhất, và ai đoạt giải “Schutzenkonig” (vua hoặc nữ hoàng thiện xạ) sẽ nhận vương miện của cuộc thi. Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer cũng tham gia cuộc tập trận kỹ năng bắn súng, một truyền thống hàng trăm năm. Martin Killias, giáo sư tội phạm học tại Đại học Zurich, nhận định. “Chúng tôi giữ súng ở nhà vì mục đích hòa bình. Mang súng trên đường phố là bất hợp pháp”. Những người đi săn và bắn súng thể thao chỉ được phép mang súng từ nhà đến trường bắn, không thể dừng lại uống cà phê với khẩu súng mang theo. Súng cũng không được nạp đạn trong quá trình vận chuyển để tránh cướp cò vào một nơi như cà phê Starbucks như từng xảy ra ở Mỹ ít nhất hai lần.

Trung lập nhưng vũ trang toàn dân

Chính lực lượng dân thường được vũ trang đông đảo này đã giúp giữ Thụy Sĩ duy trì tính trung lập trong hơn 200 năm. Nhưng là “trung lập có vũ trang” để khi xảy ra xâm lược, số súng có sẵn trong dân sẽ được dùng để bảo vệ gia đình và đất nước. Nhiều người Thụy Sĩ xem việc sở hữu súng là “nghĩa vụ yêu nước” để bảo vệ quê hương mình. Hầu hết đàn ông Thụy Sĩ phải học cách sử dụng súng.

Thụy Sĩ không chọn phe trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang quốc tế nào kể từ năm 1815, nhưng nước này vẫn cử binh sĩ tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới. Không giống Mỹ, Thụy Sĩ có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới. Tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 34 được đánh giá là “phù hợp để phục vụ” trong quân dội đều được cấp một khẩu súng lục hoặc súng trường và được huấn luyện bài bản. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, họ có thể mua và giữ súng, nhưng phải xin giấy phép.

Những năm gần đây, chính phủ Thụy Sĩ đã vận động Quốc hội bỏ phiếu giảm quy mô lực lượng vũ trang. Khoảng một phần tư công dân có súng sử dụng nó cho các nhiệm vụ quân sự hoặc cảnh sát. Năm 2000, hơn 25% chủ sở hữu súng ở Thụy Sĩ cho biết họ giữ vũ khí của mình để phục vụ những gì quân đội hoặc cảnh sát giao, trong khi chưa đến 5% người Mỹ cho biết như thế. Chính phủ Thụy Sĩ ước tính khoảng một nửa số súng thuộc sở hữu tư nhân là súng trường đời cũ. Số súng mới mua đang giảm.

Trung lập nhưng xét về mặt phòng thủ để bảo vệ đất nước, toàn bộ lãnh thổ Thụy Sĩ trong giống như một pháo đài được bảo vệ tốt. Biên giới về cơ bản được thiết kế để có thể nổ tung theo lệnh, với ít nhất 3,000 điểm gài thiết bị nổ trên các cầu, đường, đường ray và đường hầm xung quanh quốc gia châu Âu không có biển này. Nhà văn John McPhee đã viết trong cuốn sách La Place de la Concorde Suisse: “Gần biên giới Đức với Thụy Sĩ, mọi hầm đường sắt và đường cao tốc đều được chuẩn bị để đóng lại khi cần. Những ngọn núi được khoét rỗng đến mức nhiều đơn vị tác chiến có thể ẩn gọn bên trong!”.

Cập nhật luật súng

Nhưng Thụy Sĩ vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ bạo lực súng cao nhất ở châu Âu, dù hầu hết là dùng súng để tự tử. Sau hàng trăm năm để các bang địa phương tự ban hành các quy định về súng, năm 1999, Thụy Sĩ đã thông qua các quy định liên bang đầu tiên về súng sau khi tỷ lệ tội phạm gia tăng.

Kể từ đó, nhiều điều khoản đã được thêm vào để giữ cho đất nước tuân thủ luật súng của EU, và số người chết vì súng, bao gồm cả tự tử, tiếp tục giảm. Chính quyền Thụy Sĩ quyết định cấp địa phương nào có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng súng cho người dân. Các cửa hàng súng và chính quyền địa phương cũng lưu giữ nhật ký về những người sở hữu súng trong khu vực của họ, được gọi là bang, kể cả súng săn và một số loại bán tự động được miễn xin giấy phép.

Poster quảng bá festival thi bắn súng Schützenfest 1906 (ảnh: Pierce Archive LLC/Buyenlarge via Getty Images)

Cảnh sát bang rất cẩn trọng trong việc cấp giấy phép sử dụng súng. Họ có thể hỏi ý kiến ​​bác sĩ tâm thần hoặc nói chuyện với nhà chức trách ở các bang khác nơi người xin mua súng đã sống trước đây để kiểm tra sức khỏe và năng lực tinh thần của người đó. Luật pháp Thụy Sĩ được thiết kế để ngăn chặn bất kỳ ai có tiền sử bạo lực hoặc không đủ năng lực mua súng.

Những người có tiền án, nghiện rượu hoặc ma túy không được phép mua súng. Luật quy định “bất kỳ ai từng có thái độ bạo lực hoặc nguy hiểm đều không được phép sở hữu súng”. Chủ sở hữu súng muốn mang vũ khí để phòng thủ phải chứng minh khả năng nạp đạn, tháo đạn, bắn đúng cách và phải vượt qua một bài kiểm tra mới cấp giấy phép. Thụy Sĩ cũng là một trong những quốc gia giàu có nhất, khỏe mạnh nhất và theo một số thước đo, thuộc nhóm các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.

Năm 2019, Thụy Sĩ được xếp hạng thứ sáu trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) của Liên Hợp Quốc. Thụy Sĩ liên tục giữ các vị trí cao trong danh sách này. Năm 2017, khi Thụy Sĩ được xếp hạng thứ tư, các tác giả báo cáo nhấn mạnh: “Quốc gia này đã làm tốt tất cả các yếu tố chính để hỗ trợ hạnh phúc: Quan tâm, tự do, hào phóng, trung thực, sức khỏe, thu nhập và quản trị tốt”. Trong khi đó, theo báo cáo, hạnh phúc đã sụt giảm trong thập niên qua ở Mỹ mà các nguyên nhân chính là “phiền muộn, hỗ trợ xã hội giảm, nhũng nhiễu tăng, nghiện ngập ma tuý tràn lan”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: