Tại sao nước Đức thiếu cả… giấy vệ sinh?

(minh họa: Unsplash)

Đức có thể đối diện với việc thiếu các sản phẩm chủ lực như giấy vệ sinh và bìa cứng nếu Nga tiếp tục cắt giảm lưu lượng khí đốt.

Thông tin được đăng trên Zeit Online hôm 27 Tháng Bảy, trích dẫn lời cảnh báo của ông Jürgen Schaller, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Giấy Bavaria. Theo ông Schaller, việc vận hành các nhà máy giấy sẽ không còn có lợi nhuận nếu họ bị buộc phải sản xuất với công suất giảm đi vì thiếu khí đốt.

Ông Schaller cũng cho biết thêm rằng, sản xuất giấy cần rất nhiều nước, điện và khí đốt, quy trình công nghệ sản xuất giấy đã được thử nghiệm nhiều lần và không thể thay đổi một cách nhanh chóng được. “Nhiều nhân viên trong công ty của tôi rất lo lắng. Tôi không thể đổ lỗi cho họ. Bởi vì nếu chúng tôi chỉ có thể sản xuất 50 hoặc 60% công suất thì sẽ không có lãi. Thực lòng mà nói, tôi cũng đang như ngồi trên đống lửa đây,” ông Schaller nói.

Trong thời gian qua Nga giảm lượng khí đốt sang châu Âu. Những ngày gần đây, viện dẫn lý do kỹ thuật, Nga tiếp tục giảm lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống 20% công suất tối đa, theo Reuters. Đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức được bảo trì trong 10 ngày kể từ hôm 11 Tháng Bảy, có nghĩa là việc vận chuyển khí đốt phải tạm dừng. Đức đang tìm cách loại bỏ nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga, mặc dù nước này sẽ vẫn phụ thuộc trong tương lai gần. Mối quan tâm ngày càng tăng, rằng liệu Đức có phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong mùa Đông tới hay không.

Một chiếc thuyền cảnh sát chạy ngang qua trạm tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 vào ngày 11 Tháng Bảy 2022 gần Lubmin, Đức. (ảnh: Sean Gallup / Getty Images)

Dòng khí đốt giảm dẫn tới giá năng lượng tăng vọt khiến nhiều quốc gia phương Tây đối diện lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, việc cắt giảm khí đốt đã dẫn tới hàng loạt cảnh báo về nguy cơ các nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa. EU đang nỗ lực tìm nguồn cung mới cũng như đã đồng thuận cơ chế “thắt lưng buộc bụng” khí đốt, nhưng giới chuyên gia nhận định, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Mới đây, Brussels kêu gọi các nước thành viên tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa Đông. EU đang lo ngại Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn dòng chảy để trả đũa các lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, từng có một khoảng thời gian thiếu giấy vệ sinh trong đại dịch COVID-19. (minh họa: Unsplash)

Theo kế hoạch, các nước EU sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ Tháng Tám đến Tháng Ba so với mức trung bình từ năm 2017-2021. Việc cắt giảm có thể không áp dụng trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, với điều kiện đa số các nước EU đồng ý. Tuy nhiên, các thành viên cho phép nhiều ngành công nghiệp quan trọng không cần phải cắt giảm 15%.

Theo Giám đốc năng lượng EU, thỏa thuận cắt giảm 15% sẽ bảo đảm tiết kiệm đủ khí đốt để tồn tại trong một mùa Đông bình thường, trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung hiện nay. Nhưng nếu mùa Đông năm nay sẽ lạnh bất thường, sẽ gây khó khăn rất nhiều nếu không đủ lượng khí đốt.

Đọc thêm:

-Nga dùng vũ khí khí đốt, châu Âu lo ngại

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: