Taliban chặn dòng người tị nạn, Mỹ có thể ở lại Kabul sau hạn rút quân

Người di tản từ Kabul được phi cơ quân sự Đức đưa tới phi trường Tashkent ở Uzbekistan trước khi bay tới Đức hôm qua 17-08. Ảnh Marc Tessensohn/Bundeswehr via Getty Images

Các nhân chứng cho biết, các thành viên có vũ trang của Taliban đã ngăn cản người dân tuyệt vọng chạy trốn khỏi Afghanistan đến phi trường Kabul hôm Thứ Tư, trong khi Tổng thống Joe Biden nói quân đội Mỹ sẽ ở lại Kabul cho đến khi tất cả người Mỹ được di tản.

Từ khi Taliban tiến vào Kabul cuối tuần qua, cảnh hỗn loạn đã diễn ra khi hàng nghìn người tìm cách ra đi vì lo sợ đất nước sẽ quay trở lại chế độ cai trị khắc nghiệt theo luật Hồi giáo như thời kỳ Taliban cầm quyền đã kết thúc cách đây 20 năm.

Mỹ có thể ở lại Kabul sau ngày 31 Tháng Tám

Các nhân chứng cho biết các thành viên Taliban đã ngăn cản mọi người đi vào khuôn viên phi trường, kể cả những người có giấy tờ cần thiết để đi lại.

Một người đang cố gắng ra đi cho biết: “Đây hoàn toàn là một thảm họa. Taliban đã bắn lên trời, xô đẩy người dân, đánh đập họ bằng báng súng AK47”.

Một quan chức Taliban xác nhận các chỉ huy và binh sĩ đã bắn lên trời để giải tán đám đông bên ngoài phi trường Kabul, nhưng nói với Reuters: “Chúng tôi không có ý định làm bị thương bất kỳ ai”.

Việc di tản công dân phương Tây và người Afghanistan làm việc cho các chính phủ nước ngoài đang gia tăng nhưng Tổng thống Joe Biden cho biết các lực lượng Hoa Kỳ sẽ ở lại Kabul cho đến khi việc di tản người Mỹ kết thúc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải ở lại lâu hơn thời hạn rút quân hoàn toàn vào ngày 31 tháng Tám.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News phát sóng hôm nay 18 Tháng Tám, Tổng thống Biden thừa nhận sự hỗn loạn là không thể tránh khỏi. Ông Biden đang phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về cuộc rút quân của Hoa Kỳ và tình trạng hỗn loạn khi chính quyền Afghanistan sụp đổ. Khi được hỏi rằng liệu việc rút quân của Mỹ có thể được tổ chức tốt hơn hay không, ông Biden nói: “Không … Ý tưởng rằng bằng cách nào đó, có cách thoát ra mà không xảy ra hỗn loạn, tôi không biết làm thế nào”. 

Các quan chức Mỹ đã nói với Taliban “chúng tôi mong đợi họ cho phép tất cả công dân Mỹ, tất cả công dân nước thứ ba và tất cả những người Afghanistan muốn ra đi được di tản một cách an toàn và không bị quấy rối”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói với các phóng viên ở Washington .

Tuy nhiên, 4,500 lính Mỹ ở Kabul không thể giúp đưa người dân đến phi trường để di tản mà chỉ tập trung bảo đảm an ninh sân bay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thừa nhận trong một cuộc họp báo ở Washington rằng cuộc di tản đã không đạt được mục tiêu.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết an ninh tại sân bay Kabul ổn định và Taliban không can thiệp vào các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu (G7) sẽ thảo luận về nỗ lực di tản và tìm cách điều phối các chuyến bay trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày mai Thứ Năm 19 Tháng Tám.

Khoảng 5,000 nhà ngoại giao, nhân viên an ninh, nhân viên cứu trợ và người Afghanistan đã được đưa ra khỏi Kabul trong 24 giờ qua và các chuyến bay quân sự sẽ tiếp tục suốt ngày đêm, một quan chức phương Tây nói với Reuters.

Biểu tình chống Taliban ở Jalalabad, ba người bị bắn chết

Các nhân chứng cho biết ở Jalalabad cách Kabul khoảng 150 km (90 dặm) về phía Đông, ít nhất ba người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống Taliban hôm Thứ Tư. Đây là một phép thử những tuyên bố có vẻ hòa dịu mà Taliban đưa ra vài hôm trước.

Sau khi nắm chính quyền, Taliban cho biết họ sẽ không trả thù những kẻ thù cũ và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Nhưng hai nhân chứng và một cựu quan chức cảnh sát nói với Reuters rằng các tay súng Taliban đã nổ súng khi cư dân cố gắng cắm quốc kỳ Afghanistan tại một quảng trường trong thành phố, khiến ba người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

Người phát ngôn của Taliban không đưa ra bình luận.

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid (thứ hai từ phải) nói họ sẽ không trả thù những kẻ thù cũ và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan vào ngày 17 Tháng Tám năm 2021. – Ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images

Một thành viên cấp cao của nhóm Taliban cho biết, một chính phủ mới dưới hình thức một hội đồng cầm quyền dưới sự lãnh đạo tối cao của giáo sĩ Taliban Haibatullah Akhundzada sẽ sớm thay thế Tổng thống Ashraf Ghani, người đã đào thoát và đang sống lưu vong ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Waheedullah Hashimi nói với Reuters: “Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ. Đó là luật sharia”

“Sự không rõ ràng” trong tình hình ở Afghanistan đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) đình chỉ việc tiếp cận các nguồn tài chính, bao gồm $440 triệu dự trữ tiền tệ của nước này. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thúc đẩy động tác này của IMF nhằm bảo đảm việc phân bổ tiền cho chính phủ Afghanistan, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào thứ Hai tới, sẽ không rơi vào tay Taliban. 

Tổng thống Ghani, người đã bị các cựu bộ trưởng chỉ trích gay gắt vì đã rời Afghanistan khi lực lượng Taliban tràn vào Kabul hôm Chủ Nhật, cho biết ông đã làm theo lời khuyên của các quan chức chính phủ. Ông ta phủ nhận thông tin cho rằng ông ta mang theo số tiền lớn khi bỏ chạy. “Nếu tôi ở lại, tôi sẽ chứng kiến ​​cảnh đổ máu ở Kabul”, ông Ghani nói trong một video được phát trên Facebook.

Thời gian sẽ trả lời

Taliban đã hứa rằng sắp tới luật pháp của họ sẽ ít hà khắc hơn so với thời kỳ cầm quyền trước đây và một quan chức cấp cao cho biết hôm Thứ Tư rằng các nhà lãnh đạo của nhóm sẽ không ẩn dật như trước đây.

Ông Hashimi cho biết vai trò của phụ nữ, bao gồm quyền làm việc, học hành và quy tắc ăn mặc, cuối cùng sẽ do một hội đồng các học giả Hồi giáo quyết định.

Theo quy định của Taliban năm 1996-2001, phụ nữ không được làm việc, trẻ em gái không được đi học và phụ nữ phải mặc những chiếc áo trùm kín mít khi ra ngoài.

Nhiều người Afghanistan hoài nghi về những lời hứa của Taliban.

Ferishta Karimi, người điều hành một cửa hàng may mặc cho phụ nữ, nói: “Gia đình tôi sống dưới thời Taliban và có thể họ thực sự muốn thay đổi hoặc đã thay đổi, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được và điều đó sẽ sớm trở nên rõ ràng”.

(theo Reuters

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: