Tân Thủ tướng Nhật Kishida quyết chống Trung Quốc

Fumio Kishida
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga (trái) nhận lẵng hoa tặng của cựu bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida, người sắp kế vị làm tân thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP cầm quyền ngày 29 tháng Chín 2021 tại Tokyo. Ảnh Carl Court/Getty Images

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chọn ông Fumio Kishida làm nhà lãnh đạo mới, và mặc nhiên ông sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản kế vị Thủ tướng Yoshihide Suga, người mới đột ngột từ chức chỉ sau một năm. Ông Kishida được coi là nhà chính trị ôn hòa nhưng rất cứng rắn với các mưu đồ của Trung Quốc.

Trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào Thứ Tư 29 Tháng Chín giờ địa phương, ông Kishida đã vượt qua đối thủ chính là ông Taro Kono có khuynh hướng cải cách – hiện là Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản. Ông cũng đánh bại bà Sanae Takaichi, một người theo đường lối bảo thủ cứng rắn được cựu Thủ tướng Shinzo Abe hậu thuẫn và bà Seiko Noda, một nhà lập pháp trung tả có khuynh hướng cấp tiến trong các chính sách xã hội.

Ông Fumio Kishida là người như thế nào, và đường lối chính của ông ra sao? 

Ông Kishida năm nay 64 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình hoạt động chính trị ở Hiroshima. Cha và ông nội của ông là các nhà lập pháp ở hạ viện, ông có liên hệ gia đình với cựu Thủ tướng Kiichi Miyazawa, và là người đứng đầu Kochikai, một trong những phe phái lâu đời nhất của đảng LDP. Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, ông Kishida là Bộ trưởng Ngoại giao kiêm giám đốc phụ trách ủy ban hoạch định chính sách của đảng LDP.

Là con dân của thành phố Hiroshima, thành phố đầu tiên bị ném bom nguyên tử năm 1945; ông Kishida, khi còn là bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, là người đã thiết kế chuyến thăm Hiroshima năm 2016 của Tổng thống Barack Obama – Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất đã đến viếng địa chỉ thảm họa này; và sau đó là các chuyến thăm Hiroshima của Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy và Ngoại trưởng John Kerry. Những cuộc viếng thăm lịch sử này đã góp phần nâng cao nhận thức về tính chất hủy diệt của vũ khí nguyên tử, cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực

Về đường lối chính của ông Kishida, giáo sư Masato Kamikubo, khoa học chính trị tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, nhận định ông Kishida là một chính trị gia “ôn hòa và giàu kinh nghiệm. Nhưng ông không có thất bại mà cũng không có thành công lớn nào trong việc hoạch định chính sách.” Việc chọn ông Kishida làm lãnh đạo cho thấy đảng LDP chủ trương duy trì nguyên trạng đường lối của Nhật Bản thay vì chuyển sang hướng cải cách theo quan điểm của ông Kono hay bà Seiko Noda.

Về chính sách kinh tế, ông Kishida đưa ra ý tưởng thoát khỏi chủ nghĩa tân tự do – cốt lõi của hệ tư tưởng LDP từ những năm 2000 – và tập trung nhiều hơn vào việc giảm chênh lệch về thu nhập trong các thành phần dân chúng. “Khi nền kinh tế của chúng ta phát triển, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn đến bất bình đẳng và phân phối của cải ”, ông nói. Ông Kishida cho biết ông có kế hoạch hỗ trợ các gia đình tăng chi tiêu cho giáo dục và nhà ở, đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen Nhật”. 

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei đầu tháng này, ông Kishida nói: “Bất bình đẳng đã mở rộng hơn nữa vì coronavirus. Việc nâng cao thu nhập của người lao động nên được ưu tiên hàng đầu”. Nhưng Masamichi Adachi, nhà kinh tế của UBS Securities ở Tokyo nói rằng các chính sách kinh tế của Kishida nhìn chung sẽ duy trì “hiện trạng”.

***

Về chính sách đối ngoại, Kishida sẽ tiếp tục chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Đối phó với Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính phủ của ông Kishida, người đã lên tiếng “báo động sâu sắc” trước hành vi hung hăng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

“Cộng đồng quốc tế đang thay đổi đáng kể với việc các hệ thống nhà nước độc tài giành được nhiều quyền lực hơn. Tôi có cảm giác khủng hoảng về điều này”, ông Kishida nói với báo Nikkei. Trong tình hình đó, ông cho rằng Nhật Bản phải có khả năng tấn công các căn cứ hỏa tiễn của đối phương để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào sắp xảy ra. Để bảo vệ “các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng ta sẽ làm việc với những nước có cùng hệ giá trị như Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ và Úc, để chống lại các hệ thống độc tài”, ông Kishida nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei.

Có phần giống với đường lối của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Kishida cho rằng cuộc cạnh tranh với các hệ thống độc tài không chỉ diễn ra trong lĩnh vực quân sự. An ninh kinh tế được đề cao trong chương trình nghị sự của ông. Khi Washington và Bắc Kinh cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ thì Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và Nam Hàn đang phối hợp nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng chiến lược như chất bán dẫn. Trích dẫn ý tưởng về “quy chế kinh tế”, Kishida lập luận rằng “chúng ta cần suy nghĩ về an ninh quốc gia từ nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ vũ lực.”

Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của đảng LDP, đã thể hiện rõ đường lối đó trong nhiều năm qua. Nhật là người đề xuất và đóng vai trò quan trọng trong cơ chế đối thoại an ninh Bộ Tứ (QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng là nước chủ trì Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CT-TPP) sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Giáo sư Kamikubo của Đại học Ritsumeikan cho rằng, với ông Kishida làm Thủ tướng, đường lối chính trị của Nhật dự kiến không có thay đổi đáng kể. Việc chọn ông Kishida, người bảo vệ nguyên trạng, “cho thấy LDP chưa muốn thay đổi”. Trọng tâm thực sự sẽ là cách ông ấy thành lập nội các và những người mà ông ấy bổ nhiệm, ông Kamikubo nhận định.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: